Lập hội – quyền con người, tự nhiên, chính đáng
Minh Trí
Hiến pháp năm 2013 đã có một chương ghi đủ các “quyền con người” nhưng thực hiện các quyền này là “do pháp luật quy định”. Nếu pháp luật không quy định hoặc pháp luật có quy định nhưng các cơ quan nhà nước không thực hiện thì những “quyền con người” ghi trong hiến pháp chỉ là thứ dối trá, mị dân. Các nhà nước độc tài đã, đang và sẽ sử dụng pháp luật với thủ đoạn như vậy để tiếp tục lần khất, khước từ quyền con người.
Trong những năm gần
đây, quyền con người ở Việt Nam có thay đổi tiến bộ nhưng còn xa mới đáp ứng được
nhu cầu của người dân. Đó là việc chính quyền đã phải thừa nhận hoặc không thể
ngăn cản được một số quyền con người cơ bản như: quyền về sở hữu, quyền kinh
doanh, quyền cư trú, đi lại, khiếu nại, tố cáo; quyền tự do ngôn luận, tiếp cận
thông tin, hội họp, tự do tín ngưỡng, tôn giáo…Các quyền này được thực hiện
không phải là mong muốn của chính quyền mà là do yêu cầu phát triển kinh tế thị
trường, do đòi hỏi của người dân, khoa học công nghệ, internet và áp lực hội nhập
luật chơi quốc tế. Nhà nước đã khiên cưỡng chống lại các nhu cầu về quyền con
người cho đến khi không nứu, giữ được thì phải buông.
Công văn số 599/BNV
–TCPCP, ngày 28/02/2014 của Bộ Nội vụ vừa qua không chấp nhận về việc đề nghị
Thành lập Hội Dân oan Việt Nam, thể hiện rõ bản chất của thể chế toàn trị đối với
các quyền con người nói chung và quyền lập hội nói riêng kể cả các quyền đó được
ghi trong hiến pháp. Để chủ động giành lấy quyền con người một cách chủ động và
hiệu quả, việc lập hội là tất yếu. Thành lập hội sẽ trở thành thực tế khi nhà
nước không còn phương cách nào khác để khước từ nó.
Nếu chỉ xin phép nhà nước
cho lập hội thì sẽ không bao giờ làm được. Bản thân việc thành lập hội không vi
phạm bất cứ điều khoản pháp luật nào, vấn đề là hội đó có những hành vi vi phạm
pháp luật hay không? Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành không có “tội lập hội”.
Nhưng những người tham gia thành lập hội cần phải đối mặt với một thực tế là để
duy trì chế độ toàn trị chính quyền sẽ không từ một thủ đoạn nào để ngăn cản
người dân muốn đòi “quyền con người” tự nhiên, chính đáng.
Quyền con người sẽ
không thành hiện thực nếu không có hội. Lập hội là việc phải làm đầu tiên để thực
hiện các quyền con người. Cần tiến hành song song: vừa hình thành trên thực tế
và vừa đấu tranh trên mặt trận pháp lý.
Hà nội, ngày 2 tháng 3 năm 2014
Minh Trí