Ông Trương Duy Nhất không có tội?
LS Nguyễn Văn Đài
Ngày 4 tháng 3 tới đây, nhà báo tự do
Trương Duy Nhất sẽ bị Tòa án thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm. Viện kiểm
sát tối cao đã truy tố ông với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” được
qui định tại điều 258, khoản 2 của bộ luật Hình sự.
Được khen, không được chê
Sau khi đọc kỹ bản cáo trạng
được đăng tải trên Internet, với kiến thức và kinh nghiệm của một luật sư đã
hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực nhân quyền. Tôi đưa ra những đánh giá riêng
của mình về vụ án này như sau:
Thứ nhất, các quyền tự do, dân
chủ mà ông Trương Duy Nhất sử dụng là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các
quyền này được qui định tại điều 69 Hiến pháp 1992 và tại điều 25 của Hiến pháp
2013. Bởi vậy, đây là các quyền hiến định của công dân. Công dân Việt Nam có
quyền sử dụng các quyền để bày tỏ sự tin tưởng, quan điểm ủng hộ các chính
sách, đường lối của Đảng Cộng sản, Chính phủ nếu họ cho là đúng và phù hợp.
Đồng thời mọi công dân cũng có
quyền sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ sự không tin
tưởng hay phê phán, đả kích, chính sách, đường lối của Đảng, Chính phủ nếu họ
thấy không phù hợp. Dù là ủng hộ hay phê phán thì đó là quyền hợp hiến và hợp
pháp của công dân.
Thông thường, nếu mọi công dân
đều sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ quan điểm ủng hộ
Đảng và Chính phủ thì sẽ không bao giờ bị sách nhiễu và trừng phạt, thậm trí
còn được khuyến khích và ban thưởng. Do vậy không cần thiết phải qui định quyền
các quyền tự do, dân chủ này trong Hiến pháp.
Thực tế, đa số công dân sử dụng
các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ sự không tin tưởng, quan
điểm phản đối, phê phán Đảng và Chính phủ, Nhà nước. Bởi vậy, các quyền tự do,
dân chủ này được Hiến pháp qui định và bảo vệ tức là bảo vệ những người muốn
bày tỏ các quan điểm không tin tưởng và không ủng hộ chính quyền.
Khi các công dân sử dụng các
quyền hiến định của mình để bày tỏ quan điểm ủng hộ hay phản đối một cách công
khai thì không thể bị gọi là “lợi dụng” như trong điều 258 của bộ luật Hình sự
đã qui định. Điều 258 qui định “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí,…xâm phạm lợi ích của Nhà nước, ...” là không phù hợp và trái với
Hiến pháp Việt Nam.
Điều 258 bộ luật Hình sự là một
điều luật hết sức mơ hồ, nhằm trừng phạt những công dân khi họ sử dụng các
quyền tự do, dân chủ để bày tỏ các quan điểm chính trị đối lập với Đảng Cộng
sản. Đó là sự phân biệt đối xử về chính trị, luật pháp với công dân Việt Nam
có quan điểm đối lập với chính quyền.
Điều 258 của bộ luật Hình sự đã
vi phạm Hiến pháp, xâm hại và hạn chế đến các quyền tự do, dân chủ của công dân
Việt Nam. Do vậy, theo Hiến pháp Việt Nam 2013, những điều luật vi hiến đó phải
bị loại bỏ. Trong khi chưa kịp loại bỏ thì không được áp dụng để gây bất lợi
cho công dân Việt Nam.
'Có quyền chỉ trích Đảng'
Thứ hai, Đảng Cộng sản cầm
quyền, Chính phủ, các quan chức Nhà nước đều phải chịu sự giám sát của mọi công
dân. Các chính sách, đường lối của Đảng, Chính phủ, Nhà nước có thể phù hợp,
đem lại lợi ích cho một số công dân nào đó và được họ tin tưởng, ủng hộ nhưng
lại có thể gây thiệt hại cho rất nhiều công dân khác, hoặc những công dân đó
thấy không phù hợp, thì đương nhiên họ có quyền sử dụng các quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí để bày tỏ sự không tin tưởng hay phê phán, chỉ trích.
Thứ ba, thực tế là trong cả
thập kỷ vừa qua, Đảng Cộng sản, Chính phủ và Nhànước Việt Nam đã và đang
lãnh đạo, quản lý đất nước rất yếu kém trong mọi lĩnh vực. Những hậu quả đang
diễn ra mà bất kỳ ai cũng có thể thấy được như: tham nhũng là quốc nạn; quy
hoạch, xây dựng giao thông không phù hợp dẫn đến ách tắc, tai nạn giao thông
làm chết và bị thương hàng chục ngàn người dân mỗi năm; năng lực yếu kém trong
quản lý, kiểm soát hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm giả, kém chất lượng, có chứa
các chất độc hại làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của mọi người dân, mỗi
ngày có 200 người chết vì ung thư;… - không thể liệt kê hết được những yếu kém
của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.
Bởi vậy, ông Trương Duy Nhất sử
dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phản ánh, phê phán, chỉ trích
những yếu kém trong quản lý và điều đất nước của Đảng Cộng sản và chính
quyền là hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan đã và đang diễn ra ở Việt
Nam. Đó không chỉ là quyền hợp hiến, hợp pháp của ông Trương Duy Nhất mà ông
còn thể hiện lương tâm và trách nhiệm của ông với nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.
Bởi vậy, Viện KSTC căn cứ vào
12 bài viết của ông Trương Duy Nhất để truy tố ông theo điều 258 bộ luật Hình
sự là không phù hợp và trái với Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và 2013.