Đảng Đối Lập Trong Một Đất Nước Phát Triển.
Tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là nguyên tắc tổ chức của một nhà nước pháp quyền; nhưng chưa đủ. Đây chỉ là nền tảng pháp lý cần thiết để cân bằng giữa ba cơ chế: soạn ra luật ; điều hành quốc gia và xét xử những trường hợp vi phạm luật. Nhưng sẽ chỉ mang tính hình thức nếu nền tảng này nằm trong tay một đảng độc nhất.
Trong những chế độ độc tài, độc đảng cũng có ba cơ chế: Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát và tòa án nhưng đều do đảng Cộng sản chi phối. Nói cách khác, ba cơ chế lập ra nhằm phục vụ cho đảng cầm quyền chứ không nhằm phục vụ quyền lợi của người dân.
Để đất nước phát triển và phục vụ người dân đúng theo nguyên tắc tam quyền phân lập, mọi thể chế dân chủ đều phải công nhận đối lập. Nói cách khác là phải công nhận đa đảng.
Đa đảng không có nghĩa là công nhận sự hiện hữu của nhiều lực lượng chính trị, mạnh ai nấy hoạt động, và mạnh ai nấy tranh giành quyền lực với nhau.
Đa đảng chính là công nhận quyền tập hợp theo từng ước nguyện muốn phục vụ xã hội của từng nhóm người và chấp nhận luật chơi bình đẳng, dựa trên sự ủng hộ của người dân qua các cuộc tuyển cử tự do, công bằng.
Các tập hợp này là hiện thân của những đảng phái muốn ra phục vụ người dân và quốc gia dựa theo những lý tưởng mà họ nghĩ là tốt nhất.
Nếu những chương trình hành động của họ được dân chúng ủng hộ, tức là thắng cử thì họ sẽ ra nắm quyền điều hành quốc gia để thực thi những gì mà họ đã cam kết với người dân.
Nếu trong trường hợp thất cử, những đảng này lui trở về vị trí đối lập để tiếp tục quảng bá chương trình hành động của mình trong dân chúng chuẩn bị cho kỳ bầu cử kế tiếp.
Trong trường hợp này, đảng cầm quyền phải cố gắng làm tốt hơn để không bị mất phiếu trong kỳ bầu cử tới. Nhiều trường hợp, đảng cầm quyền phải kêu gọi sự hợp tác của một vài đảng đối lập có những chính sách tương đồng, để cải sửa những chính sách đang thi hành được tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng của dân chúng.
Điều này cũng cho thấy là trong thể chế dân chủ và đa đảng, đảng phái đang cầm quyền và những đảng đối lập đều có chung mục tiêu là dồn hết sức phục quyền lợi quốc gia, nâng cao đời sống người dân để được tín nhệm.
Nhìn vào thế chế chính trị dân chủ trưởng thành tại Âu Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn.... chúng ta thấy tất cả đều chấp nhận đa đảng. Nhất là các đảng đối lập luôn luôn đứng về phía người dân để vừa phản đối những chính sách bất lợi cho người dân; vừa đưa ra những chính sách mang tính thách đố với đảng cầm quyền.
Có như vậy sự đóng góp của những đảng đối lập mới tích cực và góp phần hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước.
Lý Thái Hùng
0 nhận xét