Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Thêm ngành mới, đổi cách xét tuyển

 Kỳ tuyển sinh 2016, hầu hết các trường ĐH đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên sẽ có một số thay đổi về cách xét tuyển và ngành tuyển.
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì - Ảnh: Minh Giảng
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì - Ảnh: Minh Giảng
Theo thông tin từ các trường ĐH, hiện nhiều trường đã hoàn tất phương án tuyển sinh cũng như chỉ tiêu dự kiến năm 2016. Tuy vậy, các trường còn chờ đến khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi và xét tuyển năm nay mới công bố chính thức.
So với năm 2015, nhiều ngành mới ở các trường được mở, cách xét tuyển cũng dự kiến có thay đổi so với năm trước, chẳng hạn bỏ bớt tổ hợp xét tuyển, xác định điểm chuẩn riêng cho ngành thay vì một điểm chuẩn chung, bỏ nhân đôi hệ số môn chính...
Thêm nhiều ngành mới
Ông Lê Hoàng Nghiêm - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết hiện trường đang chờ quy chế của bộ để xây dựng chỉ tiêu cũng như phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, trường sẽ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển. Trường dự kiến mở sáu ngành mới gồm: kỹ thuật tài nguyên nước, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, hệ thống thông tin, kỹ thuật chế biến khoáng sản, biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững, quản lý tài nguyên môi trường.
Còn ông Nguyễn Hữu Lượng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - cho hay: thông tư mới về xác định chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT tính giảng viên theo ngành nên dự kiến tổng chỉ tiêu của trường sẽ không thay đổi, nhưng chỉ tiêu một số ngành của trường sẽ tăng lên trong khi chỉ tiêu không ít ngành giảm so với năm 2015.

Giảm chỉ tiêu sư phạm
Ông Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: chỉ tiêu dự kiến của trường sẽ tăng so với năm 2015 do năm nay trường mở một số ngành mới như ngôn ngữ Hàn Quốc, tâm lý học giáo dục và công tác xã hội.
Bên cạnh đó, trước tình trạng thừa giáo viên, trường cũng sẽ giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm khoảng 10% và tăng chỉ tiêu các ngành ngoài sư phạm.
Trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016. 
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết trường đang chờ Bộ GD-ĐT có quyết định để xây dựng chỉ tiêu chính thức.
Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh vẫn dựa vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường là nhiều chuyên ngành trước đây sẽ được tách thành ngành độc lập trong kỳ tuyển sinh năm nay như kinh doanh quốc tế, marketing, chế tạo máy...
Ngoài ra, trường cũng mở mới các ngành luật kinh tế, luật quốc tế, xây dựng công trình giao thông.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2016 sẽ giảm so với năm trước.
Trong đó bậc ĐH tuyển 2.500 chỉ tiêu và CĐ 500 chỉ tiêu. Trường có tuyển sáu ngành mới bậc ĐH. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng dự kiến tuyển sinh các ngành mới gồm: công nghệ vật liệu, kỹ thuật y sinh, khai thác vận tải, ngôn ngữ Anh.
Với những trường có quy mô đào tạo vượt 15.000 sinh viên, đại diện một số trường như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM... cho biết chỉ tiêu năm 2016 dự kiến vẫn giữ như năm 2015. Chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường ĐH khác như Ngân hàng TP.HCM, Luật TP.HCM, ĐHQG TP.HCM... dự kiến không có nhiều thay đổi so với năm trước.
Thay đổi cách xét tuyển
Một điểm đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh năm nay là việc nhiều trường thay đổi cách xét tuyển so với năm 2015. ThS Lê Văn Hiển - phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết cách xét tuyển năm 2016 của trường sẽ có thêm phần kiểm tra năng lực.
Như vậy, điểm xét tuyển của Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2016 gồm ba tiêu chí: điểm học bạ THPT chiếm 20%, điểm thi THPT quốc gia chiếm 60% và điểm bài kiểm tra năng lực chiếm 20% tổng điểm xét tuyển. Trong khi đó ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết kỳ tuyển sinh năm 2016 phương án xét tuyển của trường sẽ có một số thay đổi so với năm trước.
Theo đó, tổng chỉ tiêu vào trường là 2.500. Trường ĐH Tài chính - marketing sẽ phân chỉ tiêu theo ngành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển.
Điểm mới năm nay là trường sẽ lấy điểm chuẩn theo ngành, thay vì lấy một điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành như trước đây. Bên cạnh đó, trường sẽ không xét tuyển tổ hợp toán - ngữ văn - vật lý như năm 2015. Trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) dự kiến lần đầu tiên tuyển sinh tổ hợp toán - hóa - sinh cho hai nhóm ngành hóa - thực phẩm - công nghệ sinh học và nhóm ngành môi trường. Còn ông Trương Tiến Sĩ - phó phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho hay trường dự kiến bỏ việc nhân hệ số môn toán trong kỳ tuyển sinh 2016.
TS Nguyễn Quốc Chính - trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM - cho biết: cách xét tuyển năm 2016 vào các trường thành viên sẽ có nhiều thay đổi so với năm trước. Theo đó, việc xét tuyển được thực hiện trực tuyến, chỉ có một đầu mối nhận hồ sơ (ĐHQG TP.HCM sẽ có bộ phận tiếp nhận hồ sơ, thay vì mỗi trường tự nhận hồ sơ của trường mình như trước đây) và sẽ xét tuyển liên thông trong toàn hệ thống các trường thành viên.
Thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng trong toàn hệ thống các trường thành viên và được xét tuyển lần lượt theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, thí sinh đăng ký ngành công nghệ thông tin vào nhiều trường khác nhau của ĐHQG TP.HCM sẽ được xét tuyển lần lượt, trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm trước và dự kiến có một số ngành mới.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ThS Nguyễn Văn Đương - phó phòng đào tạo - cho hay năm 2016 trường sẽ thay đổi cách xác định điểm chuẩn cũng như chỉ tiêu một số ngành.
Trong đó, năm 2015 chỉ mỗi ngành ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn riêng thì năm 2016 sẽ có thêm các ngành hệ thống thông tin (với các chuyên ngành toán tài chính, thống kê kinh doanh và tin học quản lý), kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị có chỉ tiêu riêng cùng điểm chuẩn riêng, môn toán hệ số 2.
Các ngành còn lại vẫn xác định một điểm chuẩn chung. Trong đó các ngành và chuyên ngành toán tài chính, thống kê kinh doanh, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị chỉ thu học phí bằng 50% học phí của trường.
“Đây là những ngành, chuyên ngành mà xã hội có nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên trong những năm qua, số lượng sinh viên có nguyện vọng học các ngành này không nhiều. Việc xác định chỉ tiêu riêng, điểm chuẩn riêng và chỉ thu 50% học phí nhằm thu hút người học” - ông Đương cho biết.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.