Gạc Ma thúc giục chúng ta hành động

 Cứ đến ngày 14-3, hình ảnh Gạc Ma loang máu và “vòng tròn bất tử” của 64 liệt sĩ lại nhức nhối trong tim người Việt Nam.
Gạc Ma thúc giục chúng ta hành động
PGS.TS Trần Nam Tiến - Ảnh: T.Trung
Năm nay, 28 năm sau ngày đau thương ấy, nhắc đến Gạc Ma, lại càng nhức nhối hơn với hình ảnh những đảo chìm bị chiếm đóng trái phép đã được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nổi, xây dựng thành căn cứ quân sự, sôi sục hơn với những tin tức về ngư dân bị cướp, bị đánh, bị đâm chìm tàu...
“Lấy sự kiện Gạc Ma như cái mốc để nhìn vào hiện trạng Biển Đông hôm nay, Việt Nam phải hành động quyết liệt, không còn nhiều thời gian để chần chừ” - 
PGS.TS Trần Nam Tiến, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo, giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội 
và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định với 
Tuổi Trẻ.
Cần đấu tranh mạnh, đúng tầm
* Lịch sử, quan hệ quốc tế, Biển Đông đều nằm trong chuyên môn nghiên cứu và công việc hằng ngày của ông. Sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 gợi trong ông điều gì?
- PGS.TS Trần Nam Tiến: Nhắc đến sự kiện Gạc Ma không chỉ là câu chuyện đẫm máu bi thương, uất hận mà là những hệ quả, những bài học kinh nghiệm, những thúc giục hành động cho ngày hôm nay.
Các hạm đội của Trung Quốc chỉ bắt đầu xuất hiện nhiều ở Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa từ năm 1987, đây chính là thời gian Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu tiếp xúc để bình thường hóa quan hệ.
Đầu năm 1988, Trung Quốc bắt đầu ra tay bằng cách chiếm đảo đá Chữ Thập và sau đó là Gạc Ma. Họ đã chuẩn bị rất kỹ cho hành động này.
Việt Nam đã có cảnh giác, lo lắng, chuẩn bị đối phó nhưng lực bất tòng tâm như chia sẻ sau này của một số lãnh đạo hải quân và không thể ngăn cản được hành động xâm chiếm có tổ chức của Trung Quốc.

Có thể giải thích bằng tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn trong nước khi ấy, toàn lực đang dốc vào công cuộc đổi mới, cải thiện quan hệ đối ngoại với các nước lớn và ASEAN, chỗ dựa lớn nhất lúc bấy giờ là Liên Xô lại “làm ngơ” khi được kêu gọi hỗ trợ...
Sau bài học xương máu này, chúng ta đã có những bước đi đúng đắn về ngoại giao: giải quyết rốt ráo vấn đề Campuchia, chuyển quan hệ với Liên Xô từ “hữu nghị tương trợ” sang hình thức “hợp tác hai bên cùng có lợi”, từng bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thiết lập quan hệ thành viên với ASEAN...
Bài học này cũng giải thích quan điểm “ba không” trong ngoại giao của chúng ta hiện nay: phải độc lập tự chủ, không quá phụ thuộc vào một nước nào để không một lần nữa bị biến thành con cờ trong các toan tính của nước lớn.
Với những kinh nghiệm mà Việt Nam đã trải qua trong lịch sử, tôi cho rằng quan điểm này là đúng đắn, Nhà nước cần giải thích chính thức bằng sự thật để người dân hiểu được chủ trương này một cách sâu sắc và thấu đáo.
* Tuy nhiên chúng ta vừa phải độc lập, tự chủ, vừa phải tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế. Theo ông, với việc các tranh chấp trên Biển Đông đang ngày một nóng lên, phản ứng của Việt Nam đã thích hợp chưa?
- Theo tôi là chưa. Việt Nam rất có kinh nghiệm trong việc tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và đã thực hiện được rất tốt trong chiến tranh thống nhất đất nước.
Nhưng điều đó lại có nguy cơ mất đi khi chúng ta chỉ có những phản ứng mang tính ngoại giao mà thiếu tính đấu tranh trước những hành vi hung hăng và chiến lược xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Phản ứng không đủ tầm không những không có tác dụng mà lại còn có lợi cho Trung Quốc, bởi nó sẽ khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy Việt Nam thiếu kiên quyết và dường như không đủ cơ sở pháp lý để đấu tranh.
Trước những hành vi như cướp bóc, đâm tàu ngư dân, chúng ta cần lên án mạnh mẽ, yêu cầu chấm dứt lập tức, nếu tiếp tục phải có biện pháp mạnh.
Trước những động thái xây dựng căn cứ quân sự, đưa tên lửa, máy bay chiến đấu, dân sự ra đảo, chúng ta cần đấu tranh mạnh, đúng tầm ở tất cả các cấp, kể cả cấp cao nhất, đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tòa án quốc tế.
Trong nước, cần tổ chức những hội nghị hội tụ tiếng nói toàn dân như hội nghị Diên Hồng của cha ông, lồng ghép vào các hoạt động kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng...
Người dân Việt Nam luôn ủng hộ Nhà nước và nhất định sẽ hết lòng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, quốc tế cũng luôn mong muốn được ủng hộ Việt Nam trong những hành động cụ thể, mạnh mẽ bởi nước nào cũng muốn kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Mỗi người phải trở thành đại sứ Biển Đông
* Trung Quốc đã thực hiện tham vọng bá quyền của họ. Thời gian tới, theo ông, sự việc sẽ tiếp diễn ra sao?
- Tham vọng bá quyền là rất xấu nhưng Trung Quốc đã thực hiện rất tốt. Hệ quả của sự kiện mất Chữ Thập rồi Gạc Ma là các đảo chìm có vị trí chiến lược này đã thật sự biến thành căn cứ quân sự, có thể phong tỏa vùng biển xung quanh, đóng vai trò lớn ở Biển Đông.
Tôi rất e ngại họ sẽ bao vây, cô lập đảo Trường Sa Lớn, gây khó khăn lớn cho Việt Nam. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra.
Sức ép của Trung Quốc ngày càng mạnh và được đầu tư lớn, thực hiện đồng bộ, bài bản trên tất cả các mặt trận: quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và cả thêu dệt, ngụy tạo ký ức... một cách hệ thống sâu rộng trên toàn thế giới và trong nhiều năm.
Họ áp dụng chiến thuật: chuyện sai nói hoài thành đúng để lấp liếm cho những luận điểm, đòi hỏi vô lý, vô pháp của mình.
Tham vọng của Trung Quốc không dừng lại và tôi đoán rằng họ sẽ đẩy mạnh trong năm 2016 này. Vì sao?
Đơn giản vì năm nay, nước duy nhất có tiềm lực và khả năng kiềm chế họ là Mỹ đang bị cuốn hút vào cuộc bầu cử tổng thống. Năm sau, chính sách của Mỹ sẽ thay đổi thế nào chưa lường được nên chắc chắn Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội của năm nay.
* Thưa ông, Việt Nam vẫn nhiều cơ hội hành động?
- Cơ hội vẫn còn nằm trong tay chúng ta, nhưng đã nóng lắm rồi, không thể chần chờ và nắm mãi mà không tung lên. Khả năng Biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc đang ngày càng gần.
Cả thế giới đều quan tâm, lo ngại và muốn ngăn chặn điều đó. Họ đều chờ hành động cụ thể và thật mạnh mẽ của Việt Nam. Chúng ta đang nói đến nhiều luồng gió mới trong chính trị, kinh tế và đấu tranh bảo vệ chủ quyền cũng đang cần luồng gió mới. Không thể cứ mãi nói câu “quan ngại”.
Chúng ta là chủ nhà, phải phát huy tính chính nghĩa của mình một cách mạnh mẽ, quyết liệt để có thể dựa vào cộng đồng quốc tế, khai thác những khía cạnh lợi ích của các bên để tìm sự ủng hộ.
Mỗi người chúng ta nên tự mình làm một đại sứ của Biển Đông - Trường Sa - Hoàng Sa, trang bị cho mình những kiến thức chính xác, thái độ đúng đắn để tận dụng tối đa các cơ hội, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền trong công việc của mình, không chờ đợi vào ai.
Như bản thân tôi, tôi luôn nói tiếng nói, quan điểm của mình khi lên lớp, khi tham gia hội thảo trong nước hay quốc tế, khi viết sách báo, đề tài khoa học, không ngại va chạm với người khác quan điểm, không ngại tranh luận trên tinh thần khoa học.
Các bạn sinh viên có thể nói câu chuyện Trường Sa, Hoàng Sa với những bạn bè quốc tế của mình, gia đình mình... Điều đó sẽ thể hiện được sự cố kết, quyết tâm của dân tộc, muôn người như một bảo vệ đất nước mình. Ngày Gạc Ma này thúc giục chúng ta điều đó.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.