Cơ hội chót của Thủ tướng
Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cố
gắng cải thiện hình ảnh của ông với công chúng qua thông điệp “đổi mới”. Nhưng
đây có thể là cơ hội cuối cùng nếu như chính phủ do ông lãnh đạo tiếp tục chỉ
nói mà không làm. Nam Nguyên ghi nhận một số thông tin liên quan.
Lời hứa đầu năm của thủ tướng
Đối với những người quan tâm
đến thời cuộc và có trải nghiệm về chế độ Xã hội Chủ nghĩa thì mọi sự đổi mới
không thể là quyết định cá nhân của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:
“Đưa những vấn đề mới, đòi hỏi
những vấn đề mới như thế, tôi cho rằng đặt ra ở một vị trí như thế thì nên đấu
tranh từ trong Đảng chứ không phải là hô hào. Ở Việt Nam không có câu chuyện
lãnh đạo nào đứng hô hào để tranh thủ ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân…không có
cái đó mà phải có sự thống nhất.
Đó là một dấu hiệu lạ…đúng là
lạ, cho nên người ta đòi hỏi là ông Thủ tướng phải điều hành kinh tế là chính;
rồi phải cầm trịch trong việc đấu tranh chống tham nhũng; rồi phải triển khai
chương trình của mình cụ thể; Người ta đòi hỏi cái đó nhiều hơn là chuyện đòi
hỏi thay đổi thể chế chính trị, đọc cái đó thì ai cũng biết là đòi hỏi thay đổi
chế độ chính trị ở Việt Nam là câu chuyện cần phải bàn một cách thận trọng.”
Đưa những vấn đề mới, đòi hỏi
những vấn đề mới như thế, tôi cho rằng đặt ra ở một vị trí như thế thì nên đấu
tranh từ trong Đảng chứ không phải là hô hào.
LS Trần
Quốc Thuận
Thông điệp “đổi mới” mà Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi tới quốc dân vào đầu năm 2014 xác định động lực cải
cách không còn phát huy tác dụng, không đủ mạnh nên cần đổi mới thể chế, phát
huy quyền làm chủ của nhân dân. Chưa khi nào ông Nguyễn Tấn Dũng lại hứa hẹn
cho người dân nhiều quyền đến vậy, như được tham gia xây dựng chính sách, thực
hiện quyền của dân để bầu cử trực tiếp, quyền tiếp cận thông tin, quyền giám
sát.
Thủ tướng còn cam kết Người dân
có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ
được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước
đều phải minh bạch. Về kinh tế Thủ tướng cam kết xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp
nhà nước, tôn trọng cạnh tranh bình đẳng và đề cập tới khái niệm Nhà nước kiến
tạo phát triển, nhà nước không làm thay mà tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Những gì Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đưa ra trong thông điệp đầu năm 2014 quá tốt đẹp. Hoàn hảo đến mức độ mà
nhiều người cho là chơi chữ, hoặc chỉ là nỗ lực sửa đổi lại hình ảnh một Thủ
tướng thất bại trong điều hành kinh tế và để tham nhũng tràn lan. Tuy vậy,
thông điệp Nguyễn Tấn Dũng lại được tán dương và bày tỏ nhiều hy vọng từ chính
một số nhân sĩ trí thức, những người từng phê phán ông rất nặng nề trong quá
khứ.
Trao đổi cùng chúng tôi, TS
Phạm Chí Dũng, nhà nghiên cứu và nhà bình luận ở TP.HCM cho rằng trong Đảng và
Chính quyền Việt Nam chia ra hai nhóm gọi là nhóm kiên định và nhóm lợi ích.
“ Vào năm 2012 ông Nguyễn Tấn
Dũng bị dư luận chê trách và nhiều người ghét cay ghét đắng qui ông ấy là tội
đồ gây ra nền kinh tế suy sụp tham nhũng chưa từng thấy. Nhưng đến đầu 2013,
sau phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng không chỉ đảng viên mà
còn cả nhân dân cũng suy thoái về mặt nhận thức đối với Đảng. Từ đó bùng nổ sự
kiện nhà báo Nguyễn Đắc Kiên ở báo Gia đình Xã hội có thư phản ánh trên mạng
rất gay gắt rất chua xót về ông Nguyễn Phú Trọng. Đột nhiên sau đó có một sự
chuyển biến tư tưởng trong dân chúng một cách kỳ lạ, người ta bắt đầu suy nghĩ
về nhóm kiên định nhiều hơn là nhóm lợi ích và cho đến bây giờ lại có một sự
chuyển đổi màu sắc khá rõ rệt là, có một số người trước đây căm thù nhóm lợi
ích thì bây giờ lại nghiêng về quan điểm là thôi thì đàng nào cũng xấu cho nên
trong hai cái xấu đành phải chọn cái nào đỡ xấu hơn. Tại vì ở Việt Nam bây giờ
không còn cái đặc quyền để có thể lựa chọn cái nào tốt hơn cái nào mà chỉ có
thể lựa chọn cái nào đỡ xấu hơn cái nào.”
Tại vì ở Việt Nam bây giờ không
còn cái đặc quyền để có thể lựa chọn cái nào tốt hơn cái nào mà chỉ có thể lựa
chọn cái nào đỡ xấu hơn cái nào
TS Phạm
Chí Dũng
“Xin Thủ tướng cho tôi tin một
lần”
Những điều TS Phạm Chí Dũng
chia sẻ có vẻ được chứng minh qua thông tin báo chí. Theo ông Nguyễn Trung, cựu
đại sứ nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trên blog của ông: Tại cuộc gặp
mặt đầu năm với báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội, thành phần tham dự gồm nhóm 23 gồm những
cựu thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể và những người
thân cận Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhóm Minh triết phương Đông của ông Nguyễn Khắc
Mai, nhóm VIDS và một số nhân vật khác…đã đạt được sự đồng thuận cao trong suốt
4 giờ thảo luận. Đó là: “ Tình
hình đất nước đòi hỏi phải làm, thông điệp cho thấy Thủ tướng muốn làm thật.
Khép lại mọi vướng mắc trong quá khứ, cả nước đồng lòng cùng sắn tay, nhất định
làm được! Đừng thụ động chờ đợi.”
Trò chuyện với chúng tôi, TS
Phạm Chí Dũng đề cập tới xu hướng đang lớn mạnh mong muốn có sự thay đổi triệt
để ở Việt Nam. Ông nói:
Ở Việt Nam hiện nay cũng đang
có một luồng suy nghĩ một tâm lý hy vọng về việc ai đó, có thể là Nguyễn Tấn
Dũng hoặc là ai đó có thể trở thành một Gorbachev hoặc một Boris Yeltsin để có
thể xoay chuyển tình hình đất nước
TS Phạm
Chí Dũng
“Có lẽ trong những gương mặt
hiện nay người ta thấy rằng chỉ có ông Nguyễn Tấn Dũng mới có khả năng để cải
cách mà thôi. Tất nhiên từ cải cách chưa dùng tới, nếu có chỉ là cải cách kinh
tế. Còn trong thông điệp của mình ông Nguyễn Tấn Dũng chưa chạm tới từ cải
cách, càng chưa đụng chạm tới cải tổ và ông ta chỉ dùng từ đổi mới thể chế
thôi. Đó là từ khá nhẹ nhàng đại loại như perestroika ở Liên Xô những năm 1986
khi Gorbachev bắt đầu nắm quyền và cũng nên nhắc lại perestroika chính là tâm
điểm khởi nguồn điểm đã tạo nên cuộc thay đổi kinh hoàng chưa từng thấy trong
thế kỷ 20 đối với một chủ nghĩa, một hệ tư tưởng, một hệ ý thức.
Đặc biệt lại nhấn sâu vào sự
kết thúc gần như trên phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản, trước mắt là ở
Liên Xô và các nước Đông Âu. Cho nên ở Việt Nam hiện nay cũng đang có một luồng
suy nghĩ một tâm lý hy vọng về việc ai đó, có thể là Nguyễn Tấn Dũng hoặc là ai
đó có thể trở thành một Gorbachev hoặc một Boris Yeltsin để có thể xoay chuyển
tình hình đất nước.”
Từ chỗ gần như hoàn toàn bị
chán ghét mất niềm tin từ nhân dân và thành phần nhân sĩ trí thức, nay Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng lại có thể khoác vào mình bộ áo đổi mới và đạt được sự
ủng hộ nhất định. Nhưng có thể đây là cơ hội cuối cùng để ông trở thành một Thủ
tướng đổi mới thực sự. Nói như tác giả Nguyễn Trung Chính trên Diễn Đàn Xã Hội
Dân Sự “Xin Thủ tướng cho tôi tin một lần” .