Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và Miến Điện sẽ tăng gấp đôi
heo một nghiên cứu của văn phòng tư vấn chiến lược kinh doanh Boston Consulting Group, từ nay đến 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và Miến Điện sẽ tăng lên gấp đôi và tỏ ra lạc quan hơn so với tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và một số quốc gia đang trỗi dậy khác.
Theo dự báo của Boston Consulting Group - BCG, đến năm 2020, tại Việt Nam, sẽ có trên 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giầu có. Tại Miến Điện có khoảng 10 triệu.
Theo ông Douglas Jackson, đại diện của BCG tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng tác giả bản nghiên cứu « Việt Nam và Miến Điện : Những biên giới tăng trưởng mới tại Đông Nam Á », được công bố ngày 17/12 vừa qua, thì các công ty đang đầu tư vào Việt Nam và Miến Điện, giờ đây có cơ hội để xây dựng kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, tạo đà phát triển tại hai nước, vốn là những nền kinh tế khép kín, với điều kiện phải có hiểu biết vững chắc về những người tiêu thụ trên các thị trường này và biết cách thỏa mãn họ.
Theo các tác giả bản nghiên cứu, thị trường Việt Nam đang tạo ra các cơ hội làm ăn trước mắt, còn đối với thị trường Miến Điện, thì cần phải chờ đợi thêm.
Hơn 90% người tiêu dùng tại Việt Nam và Miến Điện đều nghĩ rằng con cháu của họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 70%.
Việt Nam đã phát triển mạnh từ 20 năm, đặc biệt là từ 2007, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng các sản phẩm ngân hàng, ngoài việc mở tài khoản tiết kiệm. Ví dụ, chỉ có 5% sử dụng thẻ tín dụng.
Liên quan đến Miến Điện, nghiên cứu của BCG nhận định rằng nền kinh tế nước này vừa mới thoát ra khỏi tình trạng cô lập, khép kín và tạo cơ hội hiếm hoi cho các doanh nghiệp muốn có mặt tại một thị trường nhỏ, lạc hậu, nhưng đang có tỷ lệ phát triển nhanh. Tại Miến Điện, chỉ có 1/4 người dân đi nghỉ và chưa đầy 40% đi nhà hàng ăn uống. Người tiêu dùng Miến Điện thường ưu tiên mua các sản phảm giải trí, trước khi mua những sản phẩm tiêu dùng lâu bền. Tình trạng thiếu điện, ít rạp chiếu phim, ca kịch lý giải cho sự chọn này. Ví dụ, 53% dân thành thị có điện thoại di động, nhưng chỉ có 18% sở hữu máy giặt quần áo.
Báo cáo của BCG dựa trên các phân tích về dân số và thu nhập ở gần 1400 huyện tại Việt Nam và 70 tỉnh tại Miến Điện, về việc mua sắm khoảng 20 mặt hàng của 2000 người tiêu dùng thành thị Việt Nam và 1000 người tiêu dùng ở các thành phố Miến Điện.