Giám sát và phản biện xã hội không dễ
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam làm xuất hiện nhiều vấn đề mới như: Đô thị hóa quá nhanh, suy thoái môi trường, vấn đề về chất lượng khám chữa bệnh và giáo dục… Trong bối cảnh đó, các hoạt động giám sát xã hội thuần túy của nhà nước đã không đủ để bao quát hết sự đa dạng và mới mẻ của những vấn đề phát sinh.
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Giám sát xã hội: Kinh nghiệm từ các dự án tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Văn Tuấn, Trưởng đại diện Quỹ Australia vì Nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) tại Việt Nam cho rằng nguyên tắc cơ bản của giám sát xã hội là phải đảm bảo cách thức tham gia đơn giản, tự nguyện và khuyến khích các bên liên quan trong việc giám sát xã hội đưa ra ý tưởng, giải pháp. Giám sát và phản biện xã hội có thể giúp thay đổi quan điểm của các cơ quan cung ứng dịch vụ từ “xin-cho” sang phục vụ.
“Sự thay đổi tích cực từ giám sát xã hội chỉ xảy ra khi chủ thể nhận phản biện thực sự cầu thị, muốn nghe, dám nghe và dũng cảm thay đổi,” ông Tạ Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ông Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Việt Nam đang hình thành các quy định và hành lang pháp lý mới cho giám sát xã hội, trong đó, nổi bật nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm các quan chức Chính phủ trong vài năm gần đây. Bên cạnh đó, một loạt các luật mới đang được xây dựng sẽ tạo cơ hội cho giám sát xã hội như: Luật Trưng cầu dân ý, Luật về quyền tiếp cận thông tin, Luật về hội…
Hiện nay, các cơ quan Chính phủ đang đẩy mạnh việc giám sát xã hội bằng cách hình thành các đơn vị tiếp dân và tổ chức các hoạt động giám sát xã hội như: Bộ Nội vụ tiến hành đo lường chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Bộ Y tế xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công…
Theo ông Phạm Bích San, ở Việt Nam, ngoài các cơ quan nhà nước, giám sát xã hội còn được triển khai bởi các đoàn thể và cơ quan tổ chức xã hội như: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các hiệp hội, tổ chức cộng đồng, các tổ chức phi Chính phủ… Các hình thức truyền tải thông tin giám sát xã hội chủ yếu qua các báo cáo kiến nghị gửi trực tiếp đến các cơ quan có trách nhiệm, các cuộc thảo luận của các Ủy ban của Quốc hội, thông tin báo chí và thông tin trên mạng internet…
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong việc thực thi giám sát xã hội. Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần hoàn thiện bộ công cụ nguyên tắc giám sát xã hội và tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội, các cơ quan Chính phủ và Quốc hội để xây dựng một mạng lưới giám sát xã hội toàn diện.
H.K/(vietnam+ )
0 nhận xét