Pháp luật và Thể chế
Minh Văn
Pháp Luật phản ánh ý chí của nhà nước, là những quy tắc xử sự chung có tính bắt buộc đối với mọi người. Như vậy, pháp luật là nhân tố điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Mức độ đúng đắn và công bằng của hệ thống pháp luật tùy thuộc vào thể chế chính trị áp dụng. Vì rằng Pháp Luật và Nhà Nước là hai thành tố thượng tầng chính trị, có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Nhà nước là tổ chức quyền lực, nó chỉ có thể triển khai và có hiệu lực trên cơ sở pháp luật. Người ta có thể thấy được bản chất của một nhà nước thông qua hệ thống pháp luật đại diện.
Những nhu cầu khách quan xã hội là xuất phát điểm của các quy phạm pháp luật. Trình độ pháp luật không thể thấp hay cao hơn trình độ phát triển của kinh tế - xã hội. Cho nên có thể nói rằng: Xã hội nào thì pháp luật đó.
Trong chế độ Chiếm hữu nô lệ, pháp luật có nhiệm vụ: “Thiết lập quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu của chủ nô đối với nô lệ. Bảo vệ sự bất bình đẳng giữa chủ nô và những người lao động. Củng cố sự thống trị tuyệt đối của người gia trưởng đối với vợ và con cái trong gia đình. Tổ chức và bảo vệ quyện lực nhà nước của giai cấp chủ nô”. Tóm lại, nó là phương tiện để củng cố quyền sở hữu của chủ nô đối với ruộng đất và nô lệ, bảo vệ quyền thống trị tuyệt đối của giai cấp chủ nô.
Đối với chế độ Phong Kiến, pháp luật dựa trên cơ sở quan hệ sản xuất phong kiến, đại diện cho ý chí của tầng lớp địa chủ, quý tộc. Bản chất của nó là: “Bảo vệ chế độ Vua chúa, duy trì hệ thống đẳng cấp phong kiến”. Đó là một hệ thống pháp luật mang tính đặc quyền. Quy định cho giai cấp địa chủ và quý tộc những quyền lợi to lớn, tùy theo đẳng cấp. Nó củng cố quyền chiếm hữu ruộng đất và nông dân của lãnh chúa cát cứ. Tính chất bất bình đẳng của pháp luật phong kiến thể hiện rõ trong câu “Lễ nghi không tới thứ dân, hình phạt không tới trượng phu”. Để bảo vệ những đặc quyền trên, pháp luật phong kiến có những điều luật rất hà khắc và dã man.
Mức độ tiến bộ và công bằng của một hệ thống pháp luật tùy thuộc vào mô hình nhà nước mà nó áp dụng. Ngày nay, người ta biết đến hai loại mô hình nhà nước chủ yếu: Dân Chủ và Độc Tài. Tương ứng với đó là hai hệ thống pháp luật khác nhau.
Pháp luật Dân Chủ bảo vệ thể chế, nền tảng và nguyên tắc dân chủ. Nó đề cao các quyền con người, sự làm chủ của người dân đối với bản thân cũng như xã hội. Ở đó, nhà nước là một hệ thống cơ quan quyền lực do người dân lập nên, có nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ nhân dân. Các vị trí và chức danh nhà nước đều do dân bầu theo nhiệm kỳ, chịu sự kiểm tra và giám sát của các cơ quan dân cử, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đối với hệ thống nhà nước dân chủ, quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, chứ không phải của một đảng phái hay cá nhân nào. Đây là hệ thống pháp luật mang lại sự công bằng và dân chủ nhất, phục vụ một cách có hiệu quả những nhu cầu, cũng như các quan hệ xã hội của con người. Do đó, nó tích cực thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Ngược lại, hệ thống pháp luật độc tài bảo vệ chế độ cầm quyền và hệ tư tưởng độc tôn, nhằm phục vụ cho mục tiêu cai trị. Nó là công cụ của một đảng, tổ chức hay cá nhân nào đó. Trong hệ thống pháp luật này, những nguyên tắc dân chủ bị người ta lờ đi, quyền con người cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Pháp luật độc tài gây ra tội ác và bất công, nó được đảm bảo thực hiện bằng hệ thống chính trị và bạo lực nhà nước (quân đội và công an). Việc độc tôn tư tưởng vi phạm nghiêm trọng quyền tự do quan điểm của các công dân. Hiến Pháp 2013 của Việt Nam quy định đảng Cộng Sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Trong đó đảng lại lấy “Chủ nghĩa Mác – Lênin” là nền tảng tư tưởng. Như vậy là chế độ cầm quyền đã mặc nhiên áp đặt hệ tư tưởng độc tôn của họ lên toàn bộ xã hội. Mọi quan điểm và hành động chống lại hệ tư tưởng này, cũng đồng nghĩa với việc chống lại nhà nước. Và điều đó được cụ thể hóa trong các luật của họ, cụ thể nhất là Bộ luật Hình sự.
Có sự khác biệt rất lớn mà chúng ta có thể nhận ra, ấy là pháp luật dân chủ thừa nhận sự bất khả xâm phạm quyền tư hữu và quy định địa vị pháp lý của công dân. Trong khi đó, những quyền này bị vi phạm nghiêm trọng trong hệ thống pháp luật các nước Cộng Sản. Đó là việc họ tước đi các quyền sở hữu thiêng liêng của con người bằng chính sách “quốc hữu hóa”. Địa vị pháp lý của công dân bị hạ thấp, trong khi địa vị của đảng Cộng Sản và bộ máy công quyền được đề cao.
Pháp luật luôn gắn liền với thể chế nhà nước. Để có được hệ thống pháp luật dân chủ và công bằng, phải có một thể chế dân chủ. Muốn xóa bỏ những bất công, phi lý của hệ thống pháp luật độc tài, không còn cách nào khác là đấu tranh xóa bỏ chế độ nhà nước đó. Chỉ có một bộ máy nhà nước do người dân lập nên, chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân thì mới thực thi pháp luật một cách công bằng. Một bộ máy nhà nước dân chủ, dĩ nhiên là chỉ có trong một thể chế chính trị dân chủ mà thôi.
0 nhận xét