Nỗi sợ đa đảng, đa nguyên của người Cộng sản

Vương Quế Phương
Hôi tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng đoàn các tân Đại sứ và trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đến chào từ biệt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nghe Người nói chuyện trước khi lên đường đi nhận nhiệm vụ.
Khi đó danh tiếng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nổi như cồn, uy trấn hệ thống chính trị, uy tín cao hơn nhiều Thủ tướng đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Ông nói chuyện có đoạn:
- Từ nhỏ tôi đã ấn tượng bởi những câu chuyện về người đi sứ, vừa bảo vệ được quốc thể, đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thời cuộc giao phó. Chúc các đồng chí lên đường mạnh khoẻ, hoàn thành sứ mạng cao cả mà Đảng và nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ.
Đến lúc bốc lên, cụ nói:
– Các đồng chí có biết Quốc hội của chúng ta khoá I là Quốc hội đa đảng, đa nguyên hay không? Tôi khi gặp khách quốc tế thường đả động việc này khiến bạn bè các nước thích thú lắng nghe. Quốc hội đầu tiên của chúng ta là đa nguyên, đa đảng nhưng khi quân đội Pháp tràn vào, tình hình thay đổi, khiến Quốc hội ta chỉ còn đảng viên Đảng Cộng sản và các ứng cử viên tự do.
– Khi bạn bè quốc tế đề cập chuyện đa đảng ở Việt Nam, tôi vẫn nói, các đồng chí nghe cho kĩ nhé, kẻo ra ngoài gặp người ta, nói với họ rằng ông An ủng hộ đa nguyên, đa đảng là chết tôi đấy, rằng đa đảng hay một đảng cũng vậy thôi, đa đảng mà các đảng không vì lợi ích quốc gia, chỉ vì lợi ích của đảng mình thì rồi hệ thống chính trị cũng nát.
Cuộc nói chuyện thân tình, ấn tượng. Hôm nọ đi đám ma ông Tạn gặp lại cụ An đến viếng, hồi ức về cuộc gặp lại trở về. Chỉ có một điều ở đây cứ vấn vương mãi một câu hỏi: vì sao một người ở vị trí cao đến như vậy, có uy tín thực sự bao trùm toàn đảng, toàn quân, toàn dân mà vẫn sợ … mang tiếng “ủng hộ đa đảng, đa nguyên”?
Đến nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi đương nhiệm với uy tín và ảnh hưởng trời biển trong hệ thống chính trị đến như vậy còn sợ thì các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ngày hôm nay với uy tín thấp hơn rất nhiều lần, khả năng lãnh đạo kém hơn nhiều lần không thể nói không sợ. Họ khiếp sợ hơn nhiều.
Dường như ai trong hệ thống chính trị cũng vậy, dù ở vị trí cao nhất, khiếp sợ quyền uy của Đảng, trong khi đó là thứ vô hình. Họ không sợ cụ thể đương kim Tổng Bí thư, đương kim Chủ tịch nước, đương kim Thủ tướng Chính phủ, đương kim Chủ tịch Quốc hội, họ sợ Đảng. Nghị quyết của BCHTW Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị như thánh chỉ của Thượng đế giáng xuống khiến họ sợ và thực hiện. Họ sợ hiểm hoạ đâu đó từ chốn khôn lường giáng xuống.
Đây có thể được xem là một đặc trưng của hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu như Thái Bình Thiên Quốc lên đồng để có thánh chỉ của Thiên phụ Thượng đế thì Đảng thành công khi khỏi lên đồng đã có thánh chỉ. Thánh chỉ ai cũng sợ hãi, vin vào để thực hiện chính là Nghị quyết của Bộ Chính trị, của BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam.
FB Vương Quế Phương
Hà Nội, 16/11/2014

, ,

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.