Khi niềm tự hào tiếng Anh thành "vũng trũng" năng lực

Đọc câu chuyện Học tiếng Anh như thế chẳng là gì đâu, nhiều bạn đã đồng cảm chia sẻ thực tế học tiếng Anh của mình. 
 
 
Luôn nằm trong top những học trò giỏi tiếng Anh nhất lớp nhưng khi bước chân vào đại học, nhiều bạn rất giỏi tiếng Anh mới thấy khác...
7 năm và 1 năm
Thời học sinh, tôi không chỉ học tiếng Anh trong trường mà còn học thêm chương trình luyện thi bằng A, bằng B chứng chỉ quốc gia về ngoại ngữ.
Trong lớp, tôi thuộc dạng "cứng cựa" vì bài kiểm tra nào cũng toàn điểm 9, điểm 10. Lúc đó giỏi tiếng Anh đơn giản là thuộc những điểm ngữ pháp quan trọng, biết chia thì, nhớ được nhiều từ mới... chứ không có tiêu chí "nghe tốt, nói giỏi" trong đánh giá. 
Tôi còn nhớ giờ học nghe tiếng Anh thì cô giáo đọc cho cả lớp nghe rồi lặp lại. Giờ nói thì gọi hai học sinh đứng lên, chia vai rồi đọc đoạn đối thoại có sẵn trong sách.
Sau khi nhìn sách đọc vài lần thì gấp sách lại, cố nhớ rồi đọc lại. Tiếng Anh không thể là môn học thuộc lòng nhưng ngày xưa tôi đã từng học thuộc lòng rất nhiều đoạn hội thoại trong sách giáo khoa là vì thế. 
Lên đại học, khi bắt đầu nhen nhóm ý định du học, tôi rà lại trình độ tiếng Anh của mình rồi ngỡ ngàng chấp nhận sự thật: tiếng Anh từng là một niềm tự hào giờ lại trở thành "vùng trũng" của tôi.
Biết nhiều ngữ pháp nhưng vận dụng không được, từ không thiếu nhưng dùng ra sao, hoàn cảnh nào cũng không biết. Khổ nhất vẫn là phát âm, tôi phát âm sai be bét.

Khi phát âm sai, người nghe sẽ không hiểu, khi người ta thể hiện sự không hiểu thì mình lại càng rụt rè, tự tin và ngại nói hơn.
Tôi biết mình phải học lại từ những điều căn bản nhất là học cách đọc phiên âm quốc tế và sửa dần phát âm của mình cho gần chuẩn nhất có thể. 
Kiên trì một thời gian, phát âm của tôi có tiến bộ rõ nét. Cũng là từ đó, câu đó nhưng khi mình tự tin mình phát âm đúng thì sẽ dễ dàng đối thoại với người đối diện hơn. Tiếp theo là học phản xạ nghe nói.
Tôi tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, tìm bạn nước ngoài để nói chuyện, dần xóa đi mặc định dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh trước khi nói và nhận biết cách người nước ngoài giao tiếp từ những chuyện nhỏ nhặt, đời thường nhất. Qua đó, vốn từ cũng dần mở rộng hơn, ngữ điệu cũng được cải thiện nhiều. 
Quá trình đó kéo dài khoảng 1 năm. Chỉ 1 năm nhưng khác hoàn toàn với khoảng thời gian tôi học 7 năm trong trường. Không thể phủ nhận sự quan trọng và cần thiết của những kiến thức nền tảng mà nhà trường cung cấp, nhưng tôi nghĩ nó chỉ là điều kiện cần, không thể là điều kiện đủ trong việc vận dụng tiếng Anh trong công việc, du học hay đời sống hằng ngày với người nước ngoài. 
TRẦN ĐĂNG 
"Thảm họa" khi quen bạn trai người Mỹ
Tôi chưa bao giờ nghĩ tiếng Anh lại có lúc cần đến thế trước khi tôi quen bạn trai người Mỹ. Nhắn tin còn dễ dàng vì dù sao ngữ pháp tôi cũng khá. Thảm họa đến khi lần đầu tiên hai người nói chuyện điện thoại với nhau.
Lúc đó mới tìm hiểu nhau nên có rất nhiều chuyện muốn hỏi, muốn tìm hiểu về người ta nhưng trong đầu toàn nghĩ tiếng Việt, không nói được một câu tiếng Anh nào cho ra hồn dù từ vựng, ngữ pháp "đầy một bụng". Tôi "cứng họng" khi anh hỏi han, muốn hỏi lại xem mình hiểu có đúng ý anh không cũng không biết hỏi thế nào. 
Sau cuộc điện thoại đó, tôi tưởng anh "chạy mất dép" rồi vì làm sao yêu nhau khi bạn gái cứ yes yes, no no, không giao tiếp được gì. Nhưng không, anh ra điều kiện mỗi ngày phải nói chuyện với anh 30 phút, nói chủ đề gì cũng được, nói sai thì anh sửa ngay lập tức. Có khi anh lại chủ động gợi chuyện, nói về thời tiết, về gia đình, về con người, tiểu bang mà anh đang sống để tôi nghe và thấm dần cách trò chuyện bằng tiếng Anh. 
Không phải một sớm một chiều mà nói được ngay. Có khi muốn nói những câu rất đơn giản nhưng bí từ (hoặc biết nhưng không hiểu từ đó sử dụng trong ngữ cảnh nào), anh "ép" tôi phải tìm cho được cách diễn đạt điều tôi muốn nói, sau đó anh sẽ chỉ ra từ nào tôi dùng đúng, từ nào sai. 
Tôi đang phải học lại tiếng Anh như vậy dù trước đó ở trường phổ thông, điểm tiếng Anh của tôi chưa bao giờ dưới 8. 

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.