Không nên phạt tiền thay cho phạt tù
Đây là quan điểm mà theo ông Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - có tính xuyên suốt trong quá trình chỉnh sửa Bộ luật hình sự, đang được Quốc hội thảo luận ngày 30-10.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội |
Ông Nguyễn Đình Quyền nói thực tế chứng minh rằng không phải cứ áp dụng nhiều hình phạt thật nặng, tăng hình phạt tử hình thì tội phạm sẽ giảm. Hình phạt không phải là cứu cánh cho việc giảm vi phạm pháp luật của tội phạm.
Năm 1999 khi tội phạm ma túy lên cao, chúng ta đã sửa hình phạt về tội phạm ma túy theo hướng cao nhất. Và có những vụ án ma túy xử đến 5, 7 án tử hình nhưng tội phạm ma túy vẫn cứ gia tăng.
Như vậy hình phạt không phải là cứu cánh để giảm tội phạm mà phải sử dụng đồng bộ các biện pháp khác. Đây là quan điểm cần phải quán triệt trong việc sửa đổi bộ luật hình sự.
* Ông có quan điểm như thế nào về việc dùng hình phạt tiền để thay hình phạt tù?
- Bộ Luật hình sự được sửa đổi theo hướng chỉ áp dụng hình phạt tù và tử hình trong trường hợp không thể áp dụng các biện pháp khác. Cho nên về nguyên tắc tôi không đồng tình với quan điểm chuyển thành hình phạt tù thành hình phạt tiền
Thứ nhất, việc đó không quán triệt được trong cải cách tư pháp tư pháp là giảm các biện pháp phạt tù xuống. Thứ hai, người dân sẽ cho rằng những nguời có tiền thì không phải đi tù, còn những người nghèo không có tiền thì phải đi tù.
Trong quá trình xử lý hình sự thì phải đảm bảo công bằng. Việc thay hình phạt tù bằng hình phạt tiền sẽ gây sự bất bình của người dân, rất dễ phát sinh tiêu cực
* Trong phiên thảo luận về Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sáng 30-10, một số đại biểu có đề cập vấn đề nếu dùng tiền khắc phục tốt hậu quả thì sẽ được giảm án tù, ý kiến của ông ra sao?
- Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lâu nay thấy rằng khi người có hành vi tham nhũng chủ động khắc phục thì một số nơi đình chỉ điều tra. Đó là sai pháp luật!
Trong một số vụ án như vậy, Ủy ban Tư pháp đã có công văn yêu cầu phục hồi điều tra. Bởi việc khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không được miễn trách nhiệm hình sự.
Tài sản đó là tài sản của dân. Bộ luật hình sự sửa đổi có đưa ra quy định nếu người phạm tội chủ động khắc phục thì đây là một tình tiết để được xem xét giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Đây là việc xuất phát từ yêu cầu thực tiễn là thu hồi lại tài sản cho nhà nước và nhân dân.
Việc này không phải bây giờ mới có mà bộ luật hình sự hiện hành cũng có, lần này có tăng lên một mức nữa là chủ động trước khi bị phát hiện. Nghĩa là các cơ quan tố tụng chưa phát hiện được hành vi, nhưng người phạm tội chủ động khắc phục và khai báo hành vi thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Nhưng chỉ là có thể thôi bởi vì người ta còn xem xét tổng thể các tình tiết khác của vụ án.
* Có những tội ảnh hưởng đến sống nhân dân như rải đinh lại không có điều luật riêng để xử lý hình sự? Ông giải thích vấn đề này thế nào?
- Hệ thống pháp luật VN là hệ thống pháp luật thành văn, có yêu cầu cao về tính ổn định, tính khái quát. Không phải cứ có điều luật về rải đinh thì mới xử được rải đinh. Vì chúng ta có những điều luật có tính khái quát cao hơn, nên vẫn xử được rải đinh.
Nếu muốn không phải sửa đổi luật nhiều lần thì phải bảo đảm tình khái quát của luật. Một điều luật có thể xử được nhiều hành vi. Đồng thời phải đảm bảo được tình dự báo. Đó là yêu cầu của quá trình hoạch định chính sách về luật
* Có một thực tế là các điều luật trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) giảm nhẹ cho nhiều tội. Nhưng trong thời gian qua các vụ án nghiêm trọng như giết người, cướp của đều do các đối tượng vị thành niên gây ra thì vấn đề này đang gây báo động xã hội, giảm nhẹ có tạo cơ hội tội phạm?
- Như tôi đã nói chính sách hình sự phải được xem xét một cách tổng hợp. Vì vậy, khi hoạch định chính sách đừng nghĩ rằng tăng hình phạt lên là cứu cánh. Hình phạt như thế nào để tương xứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội đó mới là vấn đề là khoa học pháp lý hình sự cần phải nghiên cứu
Thứ hai là đối với trẻ em càng phạt nặng bao nhiêu càng phản tác dụng. Với trẻ em, không phải cứ hình phạt cao là đạt được mục đích. Đương nhiên nói đến hình sự nói đến hình phạt, nói đến răn đe phòng ngừa.
Vấn đề là chính sách tổng thể như thế nào, phải đảm bảo quyền con người hơn, nhân đạo hơn, nhất là đối với trẻ em. Thực ra trẻ em vừa là chủ thể của tội phạm nhưng đồng thời cũng là nạn nhân xã hội của tội phạm. Phải nhìn dưới góc độ đó mới có chính sách pháp luât.
Lo lắng trách nhiệm cá nhân lẫn vào trách nhiệm pháp nhân
* Có quan điểm cho rằng nếu hình sự pháp nhân thì nhiều doanh nghiệp không dám thành lập vì lo ngại hình sự hóa khi gặp khó khăn phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội…?
- Không có cơ sở như vậy. Tất cả các pháp nhân kinh tế mà làm ăn đứng đắn đều vô cùng thích có trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Bởi vì người ta được bảo vệ. Những người đứng đắn được bảo vệ, những người làm ăn tử tế được bảo vệ.
Chỉ những doanh nghiệp ma, doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn, doanh nghiệp ảo mới sợ.
Điều tôi lo ngại nhất là quá trình tố tụng của chúng ta còn nhiều sở hở, tiêu cực, còn thiếu sót cho nên nếu quy định không chặt chẽ thì có thể trách nhiệm cá nhân sẽ lẫn trong trách nhiệm của pháp nhân.
Trên thực tế, với hành vi tham nhũng, khi xảy ra việc, có thể lãnh đạo cơ quan họp hội đồng của công ty đó, thống nhất rằng đây là trách nhiệm với tất cả các hội đồng thành viên.
Trong trường hợp cá nhân thì có thể xử tù, tử hình còn pháp nhân chỉ có phạt tiền và giải thể thôi.
|
0 nhận xét