Lý lẽ của Trung Quốc bị lung lay
Sau vụ xây dựng đảo nhân tạo trái phép, một chuyện khác được Trung Quốc dựng lên ở Biển Đông cũng đang nằm trong tầm ngắm của luật quốc tế.
Người dân Philippines xuống đường biểu tình mạnh mẽ chống lại những áp đặt của Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: AFP |
Đó là việc Bắc Kinh có thể đứng ngoài các quy chế pháp lý hiện tại và bảo lưu quyền miễn trừ trọng tài. Quyết định của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) ngày 29-10 về thẩm quyền với một số nội dung mà Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm lung lay điều đó.
Bẻ gãy các luận điểm
sai trái
Bắt đầu từ năm 2013, dựa theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tòa trọng tài thường trực được thành lập với đề nghị của Philippines. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện với lý do chính về thẩm quyền của tòa án.
Trong tài liệu lập trường tháng 12-2014 - được xem là một trong những tài liệu quan trọng nhất nói về quan điểm của Trung Quốc về vụ kiện, Trung Quốc cho rằng tòa thiếu quyền tài phán để giải quyết vụ việc bởi bốn lý do:
Thứ nhất, trọng tâm các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của các quần đảo trong khu vực, không phải là việc diễn giải UNCLOS. Do đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc giải quyết vụ việc này nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của tòa.
Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh rằng Philippines phải tôn trọng những tuyên bố song phương giữa hai nước, cũng như Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó Trung Quốc và Philippines đã đồng ý giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước chỉ thông qua các cuộc đàm phán.
Thứ ba, thậm chí dù Philippines có quyền đưa vụ việc ra tòa, Trung Quốc cũng không bị ràng buộc bởi quy chế này vì vào năm 2006, họ đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tuyên bố quyền miễn trừ trọng tài bắt buộc và các thủ tục giải quyết tranh chấp khác.
Và cuối cùng, việc Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận những lựa chọn trọng tài khác do UNCLOS đưa ra sẽ dẫn đến một sự vi phạm luật quốc tế.
Một số lập luận trong bốn điểm trên đã không được PCA chấp nhận. Đầu tiên, trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 29-10, PCA cho rằng Trung Quốc và Philippines có thể có nhiều vấn đề tranh chấp với nhau tại khu vực Biển Đông. Phân định chủ quyền và lãnh hải không thuộc thẩm quyền của tòa trọng tài.
Nhưng nội dung đơn kiện của Philippines không phải về chủ quyền lẫn phân định lãnh hải, mà về cách dùng và giải thích những điều khoản trong UNCLOS. Đặc biệt là cách thức các bên áp dụng UNCLOS trên Biển Đông.
Thứ hai, PCA cho rằng việc vắng mặt tại tòa của một bên không ảnh hưởng gì đến quá trình phán quyết. PCA đang làm theo trình tự qua bước đầu tiên chứng minh tòa có thẩm quyền pháp lý để đưa ra phán quyết (nếu không thể viện dẫn được thẩm quyền của tòa án, vụ việc sẽ bị/được bãi bỏ). Qua quyết định có thẩm quyền, nội dung đơn kiện của Philippines tiếp tục được xem xét.
Thứ ba, lập luận cho rằng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước chỉ thông qua các cuộc đàm phán cũng bị tòa trọng tài bác bỏ. Lý do là DOC không có tính chất ràng buộc pháp lý.
Văn bản này chỉ là một cam kết giữa các bên về chính trị, và không có loại trừ các khả năng sử dụng cơ chế trọng tài khác.
Điểm thứ tư liên quan đến việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể địa lý tại Biển Đông. Trong đó, phía Philippines yêu cầu phán quyết của tòa về một số bãi cạn và tòa trọng tài đã đồng ý xem xét vấn đề này.
Chưa xét
“đường lưỡi bò”
Tuy vậy, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và khái niệm “quyền lịch sử” còn bỏ ngỏ. Là một trong những vấn đề tạo nên sự “hỗn loạn về pháp lý” tại Biển Đông những năm gần đây, giới hạn “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển là một trong năm điểm mà Philippines tin rằng tòa có thể tuyên bố thẩm quyền (qua phát biểu tại phiên điều trần trước tòa của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario).
Một khi tòa án trọng tài chứng minh rằng mình có thẩm quyền trong vấn đề này thì “quyền lịch sử” và tính pháp lý bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc sẽ được đánh giá dưới lăng kính của UNCLOS.
Nếu là một phán quyết có lợi cho Philippines, đó là một cuộc tấn công trực tiếp vào độ tin cậy và tính hợp pháp các tuyên bố của Trung Quốc dựa trên khái niệm “quyền lịch sử”, có tác động và ý nghĩa với các quốc gia tranh chấp khác trong vùng.
Tòa trọng tài vẫn cân nhắc xem xét và giới hạn yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử". Lý giải trong thông cáo báo chí đưa ra là thẩm quyền về vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và cần thêm các giải trình.
Như vậy đúng như nhiều chuyên gia dự đoán, “quyền lịch sử” vẫn là khúc xương khó gặm nhất. Khả năng Trung Quốc bảo lưu các phán quyết trong trường hợp đường chín đoạn được hiểu như một yêu sách chủ quyền với các thực thể địa lý (thay vì nói về việc lý giải UNCLOS) giải thích việc các thành viên của tòa hội đồng trọng tài cần thêm giải trình cho một quyết định cuối cùng.
Trung Quốc kêu gọi Philippines đàm phán
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Philippines trở lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Theo Reuters, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói vụ kiện của Philippines ra tòa quốc tế sẽ không ảnh hưởng gì tới những tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Phía Trung Quốc lặp lại quan điểm cho rằng họ không thừa nhận và cũng sẽ không tham gia vụ kiện này.
|
EU ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Đông
Liên minh châu Âu (EU) ngày 30-10 tuyên bố ủng hộ việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. “Mỹ đang thực hiện quyền tự do đi lại của họ” - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao EU khẳng định và nói thêm EU quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tôn tạo các đảo mới trên vùng biển tranh chấp. Tuyên bố nhấn mạnh dù không tham gia tranh chấp, “EU ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển”.
|
0 nhận xét