Nhiều câu hỏi khi dịch vụ bệnh viện tăng 7 lần

Từ ngày 15-11, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng từ 2 đến 7 lần tùy theo cách xếp hạng của các bệnh viện. Người dân và chuyên gia y tế đặt nhiều câu hỏi.
Bệnh nhi ung thư “xếp lớp” trên và dưới gầm giường ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Bệnh nhi ung thư “xếp lớp” trên và dưới gầm giường ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Với các bệnh viện hạng đặc biệt hay hạng nhất, giá khám bệnh tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng. Các bệnh viện hạng 2 như tăng từ 15.000 đồng lên 37.000 đồng. Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng quận tăng từ 10.000 đồng lên 32.000 đồng.
Tiêu chí xếp hạng bệnh viện
Theo thông tư hướng dẫn xếp hạng bệnh viện của Bộ Y tế, tất cả các bệnh viện thuộc hệ thống y tế nhà nước đều được xem xét chia theo 5 hạng: hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, hạng 3 và hạng 4. Việc xếp hạng đó là cơ sở để hoàn chỉnh về tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ người bệnh cũng như đề ra hướng đầu tư phát triển một cách thích hợp.
Việc xếp hạng bệnh viện được xác định trên các tiêu chuẩn về vị trí, chức năng và nhiệm vụ; quy mô và nội dung hoạt động; trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu lao động; cơ sở hạ tầng; thiết bị y tế, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của bệnh viện.
Người nghèo chịu thiệt
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn với việc tăng viện phí.  
“Lương được bao nhiêu là dành cho giáo dục, y tế và các loại thuế phí khác, vậy mà còn không đủ. Bây giờ tăng thêm chi phí khám chữa bệnh với viện phí nữa thì người dân biết làm sao?”, bạn đọc nói.
Một bạn đọc khác bày tỏ sự bức xúc vì theo nhìn nhận riêng, trong những lần tăng viện phí trước, chất lượng y tế vẫn như cũ, không biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn.  
“Lần này lại tăng, khổ cho dân nghèo, người không có bảo hiểm y tế (BHYT) và người bệnh mãn tính. Bây giờ tiền nằm bệnh viện cũng gần bằng tiền ở khách sạn rồi”, bạn đọc này bất bình.
Bà Nguyễn Thị Kim Cương (Q. Tân Phú, TP. HCM) bức xúc trước việc người bệnh đã có trăm ngàn mối lo, nay lại phải gánh thêm chi phí chữa chạy.
“Cứ tăng viện phí như vậy thì đến một lúc nào đó, bệnh viện sẽ trở thành điều quá xa vời với người lao động có thu nhập thấp”, bà Kim Cương đặt vấn đề.

Cô Dương Thùy Mai, giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), cho rằng viện phí tăng không ảnh hưởng nhiều đối với người thu nhập cao nhưng đối với người nghèo thì lại là mối lo lớn. Theo cô, nếu người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nặng mà không đủ tiền chữa trị thì họ có thể từ bỏ việc chữa bệnh.  
“Việc tăng viện phí gây bức xúc cho người thu nhập thấp. Ngay đối với công nhân viên chức như tôi cũng thấy khó khăn. Tôi sử dụng BHYT, dù được chi trả 80% nhưng khi tăng viện phí thì khiến phần chi trả của tôi cũng tăng lên”, cô Thùy Mai phân tích.
Theo cô Mai, trước tiên Nhà nước phải có chính sách cải thiện BHYT, đồng thời tăng cường hỗ trợ đối với ngành y tế để người bệnh yên tâm chữa trị. Tăng viện phí không hợp lý chính là tăng gánh nặng cho người bệnh.
“Cải thiện được lương cho y bác sĩ thì lại tăng nỗi khổ cho người bệnh. Tội nghiệp cho người dân nghèo, người không có bảo hiểm y tế. Nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ để người hoàn cảnh khó khăn bớt lo khi đi bệnh viện. Việc tăng giá lấy lí do như vậy thực sự là không thuyết phục”, cô Thùy Mai nói thêm.
Phải giải trình kỹ tăng là tăng cái gì?

   Bệnh nhân thanh toán viện phí tại Bệnh viện quận 5, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Bệnh nhân thanh toán viện phí tại Bệnh viện quận 5, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Theo ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, việc tăng viện phí sẽ tạo ra một thị trường y tế minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Khi đó người bệnh thực sự trở thành khách hàng của bệnh viện và bệnh viện phải thay đổi phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của người bệnh tốt hơn.
Song, câu hỏi đặt ra là điều được cho là tất yếu đó mới chỉ thực hiện vế đầu là tăng, còn "minh bạch", "cạnh tranh lành mạnh" hay "khách hàng của bệnh viện"... chưa thấy dấu hiệu thay đổi.
Theo một bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TP.HCM, vế sau vừa nói đâu phải một sớm một chiều có được mà phải là một lộ trình.
Bác sĩ này cho hay việc tăng phí dịch vụ bệnh viện "làm cái đùng" nên bệnh nhân không thấy được sự thay đổi chất lượng, chỉ thấy tiền mình trả cao, nên không tránh được bức xúc, thấy bất công và gánh nặng.
Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Đức Tiến - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y và Dược bệnh viện, Cục quản lý khám chữa bệnh - cho rằng đội ngũ y bác sĩ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm khi phục vụ cho bệnh nhân đồng thời với việc tăng viện phí.
“Người dân đương nhiên sẽ nghi ngờ sự cải thiện chất lượng khám chữa bệnh khi viện phí tăng. Như vậy các cơ quan Nhà nước phải giải trình thật kỹ là tăng những cái gì, tại sao tăng, tại sao dịch vụ này tăng nhiều, dịch vụ kia tăng ít. Nếu chỉ thông báo là tăng mà không giải thích kỹ thì tất nhiên là dư luận sẽ bất bình”, ThS. Tiến nói.
Theo ThS. Nguyễn Đức Tiến, các vấn đề an sinh xã hội như việc điều chỉnh viện phí cần được các bộ ngành liên quan nghiên cứu rất cẩn thận và phải có sự thống nhất từ người dân.
“Là vấn đề liên quán đến sức khỏe con người nên cần phải rất thận trọng. Không thể có cách suy nghĩ là người có tiền hơn sẽ được chăm sóc tốt hơn được. Việc tăng viện phí cần theo một lộ trình nhất định, không phải cứ báo tăng là tăng”, ThS. Nguyễn Đức Tiến nhận định.
Cũng cho rằng việc tăng viện phí phải theo lộ trình, Tiến sĩ BS Huỳnh Thị Thu Thủy, việc tăng viện phí là để cải thiện chất lượng chăm sóc y tế ở các BV. Tuy vậy, cũng phải xem xét tăng như thế nào để người nghèo vẫn có thể chi trả.
“Tăng cũng phải ở một mức độ hợp lý. Nhiều quá như vậy e là người dân sẽ có nhiều bất bình”, BS Thủy nói.
Theo BS Thủy, nhiều người nghĩ rằng khám bệnh theo diện BHYT không tốt bằng khám dịch vụ.
“Nếu tăng viện phí thì cũng đồng thời phải cải thiện chất lượng dịch vụ cả ở khu vực bệnh nhân có BHYT và không có BHYT. Như vậy mới thu hút người dân mua BHYT được”, BS Thủy nhận định.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.