Đừng để cả dân tộc bị định kiến oan

Ăn cắp là làm nhục quốc thể. Chỉ có một số người làm xấu mà cả dân tộc phải bị định kiến oan. Xin đừng làm xấu hình ảnh người Việt Nam nữa...

   Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu
Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu
Tiếp viên hàng không VN bị nghi mang lậu điện thoại, tiêu thụ mỹ phẩm từ đường dây ăn cắp, rồi đến phi công VN bị Nhật tạm giữ vì mua đồ quên trả tiền…
Hai người Việt ăn cắp mắt kính tại Thụy Sĩ, giám đốc ra nước ngoài ăn cắp  một cây dù, ăn buffet xong gói thêm bánh ngọt vào giỏ…
Có những nơi dòng chữ cảnh báo ăn cắp được ghi hẳn bằng tiếng Việt, thông báo về mức phạt, báo cả chuyện camera chống trộm đang hoạt động.
Những câu chuyện đáng xấu hổ về sự không trung thực của người Việt khi sang nước ngoài một lần nữa làm nhiều người bức xúc bởi hình ảnh của người Việt đang bị làm xấu trong mắt bạn bè quốc tế.
Tiếng dữ đồn xa
PGS.TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ thông tin theo thống kê của Cảnh sát Nhật Bản năm 2014 thì người Việt Nam phạm tội ở Nhật đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Trong số các tội người Việt phạm phải thì ăn cắp chiếm đa số, nhất là ăn cắp trong cửa hàng, siêu thị…
“Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế rất xấu”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận định.
“Ăn cắp là hành vi vô đạo đức, không thể chấp nhận được. Ăn cắp không phụ thuộc vào chuyện anh giàu hay nghèo, địa vị anh ra sao, có khi ăn cắp những thứ chẳng đáng gì. Như cái tật vậy” - đó là ý kiến của Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh.
Bằng trải nghiệm của mình, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận định trong con mắt của rất nhiều người dân và cảnh sát nước ngoài, người Việt Nam chưa được đánh giá cao vì không biết phép lịch sự nơi công cộng, ăn ở mất vệ sinh trong khách sạn, nhà trọ, ký túc xá, hay lãng phí của cải của người khác và nhất là hay ăn cắp.

Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, về cơ bản thì người Việt Nam không như vậy, người Việt Nam vẫn được đánh giá cao là nhanh nhẹn, thông minh, cần cù, nghiêm túc, có tinh thần cố gắng, sống tình cảm.
TS Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) nhận xét dù chỉ một, hai hành động xấu của người Việt Nam ở nước ngoài cũng có thể làm người nước ngoài nghĩ xấu về người Việt Nam nói chung.
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, chỉ có một số người làm xấu mà cả dân tộc phải bị định kiến oan!”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận xét.

   Hai người Việt lấy cắp mắt kính tại Thụy Sĩ
Hai người Việt lấy cắp mắt kính tại Thụy Sĩ
Pháp luật cần nghiêm trị
“Đó là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình, nếu không chiến thắng sự tham lam của bản thân thì sẽ dẫn đến hành vi ăn cắp”- GS Ngô Đức Thịnh nhận định.
Đánh giá nguyên nhân, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng trước hết là người Việt Nam đi ra nước ngoài ngày càng nhiều: xuất khẩu lao động, kết hôn, du lịch, công tác….thành phần phức tạp, vì vậy tỷ lệ tội phạm cũng tăng.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, nhiều người còn thói quen tùy tiện trong ăn uống, sinh hoạt, ứng xử ...
Riêng về thói ăn cắp, theo PGS.TS Đoàn Lê Giang thì có thể do hoàn cảnh nghèo khó, do giáo dục gia đình không kỹ, kỷ luật, hình phạt không nghiêm... và cũng có thể có nguyên nhân sâu xa từ xa xưa: dân mình nghèo khổ bị áp bức, bóc lột lâu đời, nên lấy của người giàu, lấy của ông chủ ngoại quốc… không bị coi là xấu?
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng giáo dục trong gia đình rất quan trọng.
TS Lý Tùng Hiếu cũng thống nhất quan điểm rằng nguyên nhân sâu xa của thói ăn cắp là giáo dục, quan trọng nhất là giáo dục từ gia đình.
Những bài học về việc không được lấy của ai cái gì, kể cả trong nhà, nếu vật đó cha mẹ dặn không được ăn, không được đụng vào thì cũng phải nghe lời… sẽ hình thành nên bản lĩnh và bồi đắp nhân cách cho một con người.
Chỉ khi nhân cách đủ vững vàng thì mới vượt qua được cám dỗ của lòng tham, chiến thắng chính bản thân mình trong cuộc đấu tranh “lấy hay không lấy”, giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
“Những hành vi tham vặt đã xuất hiện từ khi còn rất nhỏ, trong mối quan hệ với gia đình và xóm giềng xung quanh. Gia đình thường vô thức bỏ qua những hành vi sai trái của con trẻ, ví dụ dung tha cho những hành động như lấy bánh trái trong ngày giỗ... Trẻ từ đó không có ý thức về vị trí của bản thân và quyền lợi của người khác, từ đó có thể hình thành hành vi ăn cắp trong vô thức” - TS Lý Tùng Hiếu nhận định.
TS Lý Tùng Hiếu cho rằng khi giá trị đạo đức hay ý kiến dư luận không còn sức tác động nữa thì pháp luật là thành trì cuối cùng để răn dạy người ta.
“Nếu thế thì pháp luật phải nghiêm", ông Hiếu bày tỏ.
TS Đoàn Lê Giang kết luận nếu không có một chương trình giáo dục và kỷ luật nghiêm khắc có tính quốc gia thì thói hư tật xấu khó mà bỏ được.

   Người Việt bị bắt ở Thái Lan vì ăn cắp đồ trong trung tâm mua sắm
Người Việt bị bắt ở Thái Lan vì ăn cắp đồ trong trung tâm mua sắm
Đừng làm xấu hình ảnh người Việt Nam nữa
Hàng ngàn bạn đọc VN đau lòng trước các thông tin về người Việt sang nước ngoài bị bắt giữ do "cầm nhầm" đồ đạc của nơi bán.
Chị Vũ Như Mai (Q.3, TP.HCM) cho biết mình rất xấu hổ khi đọc thông tin người Việt ăn cắp tại nước ngoài. Chị thắc mắc vì sao đôi khi giá trị món đồ rất nhỏ, chẳng là gì so với thu nhập, địa vị của người lấy trong xã hội, sao vẫn để mang tiếng ăn cắp.
“Ăn cắp là hành vi làm nhục quốc thể. Dù chỉ một người Việt ăn cắp nhưng người nước ngoài nhìn vào sẽ đánh đồng đó là người Việt Nam”, chị Mai bức xúc.
Một bạn đọc chia sẻ thông tin ở Nhật nhà hàng, nhà vệ sinh và siêu thị viết tiếng Việt Nam để nhắc nhở người Việt trong chuyện lấy thức ăn, giữ vệ sinh công cộng và đừng ăn cắp đồ.
Lý giải vì sao nhiều nơi ở nước ngoài lại ghi bảng cảnh báo bằng tiếng Việt, chị Như Mai cho rằng chính vì một số người Việt xấu xí đã làm người ta định kiến rằng người Việt có tật ăn cắp.
Một số bạn đọc đề xuất nên đưa hành vi ăn cắp ở nước ngoài vào tội làm nhục quốc thể và cấm xuất ngoại có thời hạn, hoặc thậm chí đuổi việc và truy tố hình sự.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.