“Đừng bắt trẻ phải ngồi im nghe giảng!”
Quan niệm giáo dục này đang được một cô giáo dạy lớp 2 tích cực áp dụng trong các tiết dạy thú vị của mình.
Một tiết dạy tiếng Việt thú vị của cô Nguyễn Thanh Nhàn với học sinh lớp 2/4 Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Mỹ Dung |
Một tiết học tiếng Việt của trẻ lớp 2 có lẽ sẽ rất đơn điệu? Liệu có chán nản khi trẻ lên 6, lên 7 phải học về câu và từ? Khi có dịp tham gia những buổi dạy của cô Nguyễn Thanh Nhàn (Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM) bạn sẽ nghĩ khác.
Lớp học sôi động
9g, sau giờ chơi, các bé lớp 2/4 Trường tiểu học Võ Trường Toản mồ hôi nhễ nhại bước vào lớp. Bài học luyện từ và câu đang chờ đợi, nhưng lớp học vẫn như bầy ong vỡ tổ. “Cô không biết cuối giờ nhóm nào sẽ được tuyên dương nhỉ?”, câu nói khích lệ của cô giáo chủ nhiệm đã khiến các bé ngồi ngay ngắn vào vị trí.
Đến lúc điệu nhạc Bé yêu biển lắm vang lên cùng với yêu cầu của cô: “Lớp mình cùng nghe xem lời bài hát có những từ ngữ nào liên quan đến biển nha!” thì lớp học đã thật sự đi vào nề nếp. Bài hát Bé yêu biển lắm đã tạo tâm thế để cô giáo dẫn dắt trẻ tìm những từ ngữ nói về sông, biển. Cô lần lượt đưa ra những câu hỏi để học sinh mở rộng vốn từ.
Dưới lớp, học sinh tranh nhau giơ tay phát biểu. Sau khi học sinh trả lời, cô giáo nhận xét, biểu dương và thưởng cho cả lớp trò chơi “Tiếp sức đồng đội” để thực hành bài vừa học. Lớp học lập tức trở thành một sân chơi lớn. Ở mỗi nhóm, học sinh tranh luận, bàn cãi rôm rả, không khí lớp sôi nổi hẳn lên.
Một vài nhóm vẫn còn những học sinh thiếu tập trung, cô giáo tinh ý khuyến khích những học sinh này nhập cuộc. Một loạt các tiếng được cô đưa ra, học sinh bắt đầu sắp xếp các tiếng tạo thành từ đúng. Tàu biển hay biển tàu? Bãi biển hay biển bãi? Biển xanh hay xanh biển? Một rừng cánh tay giơ lên, đến mức cô phải nói: “Ai giơ tay ngoan mới được cô mời nhé!”, lần này những cánh tay bé xinh giơ lên ngay ngắn.
Các bé càng thích thú hơn khi được tự tay tương tác với bảng thông minh. Tiếp đó, màn hình hiện ra một số hình ảnh về sông biển, một lần nữa học sinh được giải thích từ bằng hình ảnh. Qua đó, các bé khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Ý thức yêu quý, bảo vệ môi trường nơi học sinh từ đó sẽ được hình thành một cách tự nhiên.
Phối hợp hoạt động tĩnh và động, bài học chuyển sang phần đặt câu hỏi với cụm từ “Vì sao?”. Trên bảng, cô giáo chiếu câu: “Không được bơi ở đoạn sông này vì có nước xoáy”. Sau khi học sinh hình thành kiến thức, các em vẫn chưa rõ nghĩa từ “nước xoáy”.
Để hiểu nghĩa từ nước xoáy, cô Thanh Nhàn đã cùng học sinh làm một màn “ảo thuật” nhỏ. “Các con có biết nước xoáy là gì không?”, cô vừa nói vừa đưa ra một bình nước, nhỏ một vài giọt mực tím vào để học sinh dễ nhìn, và bắt đầu khuấy nước theo vòng tròn mỗi lúc một mạnh, cho đến lúc xuất hiện xoáy nước hun hút. Các bé học trò 6, 7 tuổi thích thú rất muốn xem, muốn khuấy dòng nước, cô giáo liền bê luôn xuống bàn cho đám trẻ nhìn rõ.
“Con biết rồi, nước xoáy tạo ra khi có một dòng chảy nhanh, mạnh” - Gia Hân nhanh nhảu nói. Cạnh đó, một học trò khác tham gia ý kiến: “Chảy cuộn tròn nữa, nước xoáy còn hút cả người vào đó, nên không được bơi đến đó cô ha?”. Các bé đã tự phát hiện một bài học giáo dục về sự an toàn nơi sông nước.
Một phần quan trọng của bài học là giúp học sinh khi muốn biết nguyên nhân, lý do thì đặt câu hỏi “vì sao, tại sao”. Để củng cố bài, cô giáo bất ngờ yêu cầu học sinh nhìn lên bảng. Trên bảng bỗng hiện ra bài hát: “Khi ta muốn biết tại vì đâu, do tại đâu. Nguyên nhân thế nào mang lại do tại đâu. “Vì sao” í a ta dùng, ta dùng cụm “vì sao”? “Vì sao” í a ta dùng, ta dùng hỏi lý do”. Lời bài hát do cô giáo nghĩ ra, còn nhịp bài hát là một làn điệu dân ca.
Cô giáo bắt nhịp bài hát, tập cho học sinh hát từng câu. Rồi giờ học chuyển sang... trò chơi ô chữ. Cứ thế, giờ học luyện câu và từ về sông biển rộn ràng, vui vẻ như một giờ chơi. Kết thúc giờ học mà nhiều học sinh còn nài nỉ: “Thêm câu hỏi may mắn đi cô!”...
Sáng tạo, nhiệt huyết với từng bài giảng
Cô Thanh Nhàn cho biết để có một tiết dạy thật sự sinh động, khâu quan trọng nhất là ý tưởng. Nhưng những ý tưởng đó phải dựa trên cơ sở nắm được bản chất vấn đề và mục tiêu bài dạy. Với mỗi lớp học và đối tượng học sinh khác nhau, cô Nhàn có cách dẫn dắt bài học khác nhau.
Mỗi ngày lên lớp cô Nhàn đều khắc ghi lời dạy của một người thầy đáng kính: “Đừng bắt trẻ tiểu học phải ngồi im nghe giảng. Nếu giáo viên tổ chức hoạt động khơi gợi được sự hứng thú của học sinh, tự khắc các bé sẽ chú ý bài học”.
Mỗi bài học có thể kết hợp nhiều phương pháp và hình thức học tập như: phương pháp trực quan, trò chơi học tập, đặt và giải quyết vấn đề, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng bảng tương tác trong dạy học, kết hợp các làn điệu dân ca, đóng vai nhân vật...
Có những tiết học vui vẻ, nhí nhảnh, dí dỏm nhưng cũng có những tiết học kết thúc bằng một nốt trầm và những giọt nước mắt của cả cô lẫn trò. Chẳng hạn như trong một tiết rèn kỹ năng sống, cô Nhàn cho học sinh xem một đoạn clip về lòng hiếu thảo. Thế là cả lớp đều chảy nước mắt sụt sùi, cảm xúc đến với các em một cách tự nhiên, dạy tiếng Việt nhưng cũng chính là dạy trẻ về đạo đức và lòng trắc ẩn, yêu thương gia đình...
Không chỉ trong giờ dạy tiếng Việt mà ngay cả ở những tiết dạy môn toán, môn tự nhiên và xã hội, cô Nhàn cũng tạo được ấn tượng với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường. Cô Huỳnh Thị Thảo - phó hiệu trưởng, phụ trách chuyên môn của trường - nhận xét: “Là giáo viên trẻ, chỉ mới bước vào năm thứ ba của nghề dạy học, nhưng cô Nhàn nhanh chóng chủ động trong các phương pháp giảng dạy, trong đó ứng dụng rất tốt phương pháp bàn tay nặn bột, dẫn dắt học sinh tìm tòi, thực nghiệm khoa học, kích thích được trí tò mò, ham hiểu biết ở học sinh...”.
Mỗi ngày, sau khi cho các bé ăn xong, trưa nào cô Nhàn cũng đều ngủ lại với cả lớp, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ ham đọc sách. Cô cùng các trò lập tủ sách lớp, mỗi tháng cô tổng kết thi đua giữa các nhóm, phần quà cho học sinh là những quyển sách cùng với một bức thư động viên. Hình thành văn hóa đọc cho học sinh với quan niệm “Sách là thầy của mọi người thầy” và không cách giáo dục nào hiệu quả hơn là dạy trẻ cách tự đọc, tự học là điều cô Nhàn luôn hướng đến.
Cô giáo đã từng... bỏ học
Sinh năm 1989, cô Nguyễn Thanh Nhàn tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TP.HCM. Ít ai biết thuở nhỏ cô Nhàn đã có thời gian bỏ học nửa chừng vì hoàn cảnh gia đình.
“Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một ước mơ. Tôi đã cố gắng thi đậu vào khoa giáo dục tiểu học như mơ ước”. Hiện cô Nhàn đang chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ giáo dục tiểu học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
|
Dạy tập làm văn theo hướng giao tiếp!
Cô Nguyễn Thanh Nhàn đang rất tâm đắc với các phương pháp dạy kỹ năng nói theo hình thức hội thoại trong tập làm văn lớp 2. Với quan niệm: nói và viết có mối quan hệ tương hỗ, nói tốt tạo cơ sở cho viết tốt, cô Nhàn cho rằng việc chú trọng dạy kỹ năng nói theo hình thức hội thoại sẽ giúp học sinh luyện phát âm, củng cố vốn từ, diễn đạt phù hợp với ngữ cảnh, luyện tập các kỹ năng sử dụng ngữ điệu, yếu tố phi ngôn ngữ…
Đặc biệt là giai đoạn trẻ bước vào lớp 2, việc dạy như trên lại càng quan trọng, vì khi nói theo hình thức hội thoại, chính học sinh sẽ giữ vai trò chủ động trong việc lựa chọn ngôn từ, cách diễn đạt, đồng thời nhận ra các phản ứng của người nghe để điều chỉnh nội dung và cách nói cho phù hợp. Đây là bước đầu để các em có kỹ năng nói, viết tốt ở các lớp cao hơn.
Nếu được rèn luyện tốt kỹ năng nói theo hình thức hội thoại, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức tập làm văn mà còn được rèn luyện năng lực độc lập suy nghĩ, tích cực động não, có ý thức điều chỉnh lời nói sao cho việc giao tiếp đạt hiệu quả cao. Đề tài “Xây dựng biện pháp rèn kỹ năng nói theo hình thức hội thoại trong dạy tập làm văn lớp 2” cũng là đề tài luận văn thạc sĩ mà cô Nhàn sẽ bảo vệ vào tháng 12-2015
|
0 nhận xét