Nhân Quyền là gì?(PHẦN II)
NHÂN
QUYỀN LÀ MỘT VẤN ĐỀ QUỐC TẾ
Ngày
nay, hầu hết các quốc gia ở mọi khu vực trên thế giới, ở mọi trình độ phát
triển, đều khẳng định cam kết về nhân quyền. Chính phủ nào liên tục gây ra các
vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn đều bị coi là bất hợp pháp.
Nhưng
không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy. Tiến bộ hay thiếu tiến bộ về nhân
quyền của một quốc gia mới trở thành một chủ đề quan hệ quốc tế trong khoảng
một nửa thế kỷ nay. Trước Chiến tranh Thế giới Thứ hai, phản ứng trước những vụ
tàn sát các nhóm thiểu số trong phạm vi một quốc gia chỉ được thể hiện dưới
hình thức các tuyên bố lịch sự là không ủng hộ. Thậm chí những vụ vi phạm bớt
trắng trợn hơn không được coi là chủ đề thích hợp để có thể đối thoại
ngoại giao. Việc một chính phủ đối xử như thế nào với công dân trong phạm vi
lãnh thổ của họ được coi là vấn đề thuộc chủ quyền – nghĩa là quyền lực tối cao
của chính phủ đó đối với các vấn đề nội bộ. Trên thực tế, các nước khác và cộng
đồng quốc tế được cho là có nghĩa vụ pháp lý quốc tế không can thiệp vào các
vấn đề đó.
Cú sốc của cuộc tàn sát người
Do Thái
Trong
cuộc thảm sát người Do Thái hồi Chiến tranh Thế giới Thứ hai, phátxít Đức và
những kẻ đồng lõa đã giết hại một cách có hệ thống hàng triệu người – người Do
Thái châu Âu, người La Mã, những người đồng tính – bao gồm đàn ông, phụ nữ và
trẻ em. Ý thức trách nhiệm trước cuộc thảm sát người Do Thái đã dẫn đến cam kết
rằng những hành vi tàn bạo của cuộc thảm sát sẽ không được phép tái diễn. Nhân
quyền đã trở thành dòng chảy chính của quan hệ quốc tế. Trước khi xảy ra cuộc
thảm sát người Do Thái một số nước biện minh rằng việc nhà nước đối xử như thế
nào đối với công dân của họ là vấn đề nội bộ. Do vậy, việc tàn sát công dân của
một nước không phải là một tội danh được quy định theo luật pháp quốc tế. Tòa
án Xét xử Tội phạm Chiến tranh Nuremberg năm 1945 đã giúp thay đổi thực tiễn
này. Các phiên tòa xét xử – trong đó những tướng lĩnh phát-xít cấp cao đã phải
chịu bản án vì những hành vi của mình – đã cho ra đời khái niệm về tội ác chống
lại nhân loại. Lần đầu tiên, các quan chức phải chịu trách nhiệm pháp lý trước
cộng đồng quốc tế về những tội danh chống lại cá nhân công dân. Tuy nhiên, tại
Liên Hợp Quốc, nhân quyền mới thực sự trở thành một chủ đề của quan hệ quốc tế.
Nhân quyền chiếm một vị trí nổi trội trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đưa ra năm
1945. Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn Nhân
quyền Toàn cầu. Tuyên ngôn này khẳng định cách thức các nhà nước đối xử với
công dân họ là vấn đề quốc tế chính đáng cần quan tâm và phải tuân theo các
chuẩn mực quốc tế.
Tác động của Chiến tranh Lạnh
Tuy
nhiên, không phải mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Trong những năm sau Chiến tranh
Thế giới Thứ hai, một cuộc chiến ý thức hệ căng thẳng đã nổ ra giữa các nước
cộng sản và các nước tư bản có tác động tới toàn thế giới.
“Chiến
tranh Lạnh” kéo dài cho đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Giống như Mỹ đôi lúc
sẵn sàng bỏ qua những vụ vi phạm nhân quyền ở các chế độ chống cộng sản “thân
thiện” thì Liên Xô sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết để đảm bảo các chế độ
độc tài “thân thiện” ở trong vòng ảnh hưởng của mình. Hơn thế nữa, một số quốc
gia sẵn sàng chấp nhận sự kiểm soát đa phương đối với các thực tiễn nhân quyền
của họ, nói gì đến việc thực thi nhân quyền ở cấp quốc tế. Liên Hợp Quốc không
phải là một chính phủ thế giới. Tổ chức này không thể làm gì nếu thành viên của
nó – các quốc gia có chủ quyền – không cho phép. Rốt cuộc thì trong hai thập kỷ
đầu của Chiến tranh Lạnh, không khối nước nào sẵn sàng cho phép Liên Hợp Quốc
được làm gì nhiều trong lĩnh vực nhân quyền. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1960
khối Á-Phi đã trở thành nhóm lớn nhất tại Liên Hợp Quốc. Những nước này – từng
chịu sự cai trị của chế độ thực dân – có mối quan tâm đặc biệt về nhân quyền.
Họ nhận thấy sự cảm thông từ khối các nước Xô-viết, một số nước ở châu Âu và
châu Mỹ, trong đó có Mỹ. Do vậy, Mỹ lại một lần nữa bắt đầu chú ý tới nhân
quyền.
Điều
quan trọng nhất là thực tế này đã dẫn đến sự hoàn thành các Công ước Quốc tế về
Nhân quyền vào năm 1966. Cùng với Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu, những công
ước này là sự khẳng định mạnh mẽ nhất về các quyền con người được quốc tế công
nhận. Tuy nhiên, tính toàn diện của các Công ước đòi hỏi Liên Hợp Quốc phải
chuyển hoạt động vì nhân quyền của tổ chức này từ việc định ra các tiêu chuẩn
sang giám sát việc các quốc gia tuân thủ những tiêu chuẩn này như thế nào. Đây
là lĩnh vực mà Liên Hợp Quốc đã không đạt được tiến bộ nào trong hai thập kỷ
đầu tiên. Mặc dù những khái niệm trụ cột về các chuẩn mực nhân quyền đã được
làm rõ vào giữa những năm 1960, nhưng việc thực hiện những chuẩn mực này về cơ
bản vẫn phụ thuộc vào thiện chí của từng chính phủ.
Sự hồi sinh của nhân quyền dưới
thời Carter
Khi
Jimmy Carter trở thành Tổng thống Mỹ năm 1977, ông đã đưa nhân quyền trở thành
một vấn đề quốc tế. Carter đã biến các quyền phổ quát trở thành một ưu tiên
trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và khuyến khích những người ủng hộ nhân
quyền trên toàn thế giới. Carter cố gắng tách nhân quyền quốc tế khỏi nền chính
trị Đông-Tây của Chiến tranh Lạnh và cuộc tranh luận Bắc-Nam giữa các nước công
nghiệp và các nước phi công nghiệp về các vấn đề kinh tế. Cố gắng này đã mang
đến động lực mới và làm gia tăng tính hợp pháp của các tổ chức nhân quyền ở
khắp mọi nơi.
Tiến trình Helsinki
Thời
kỳ giữa thập kỷ 1970 chứng kiến việc đưa nhân quyền trở thành nội dung chính
trong chính sách đối ngoại song phương và đa phương. Mỹ và các nước châu Âu bắt
đầu xem xét các thực tiễn nhân quyền trong các chính sách viện trợ của họ. Và
Đạo luật Cuối cùng Helsinki năm 1975 công khai đưa nhân quyền vào nội dung quan
hệ Mỹ-Liên Xô. Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) bắt đầu vào đầu những
năm 1970 với một loạt đàm phán trong đó có sự tham gia của Mỹ, Ca-na-đa, Liên
Xô và hầu hết các nước châu Âu. Các cuộc bàn thảo tập trung vào việc giải quyết
các vấn đề giữa phương Đông Cộng sản và phương Tây dân chủ. Đạo luật cuối cùng
của CSCE, đạt được năm 1975 tại Helsinki, Phần Lan và được 35 nước ký kết được
gọi là Thỏa ước Helsinki. Thỏa ước này nêu ra 10 nguyên tắc cụ thể, trong đó có
tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản như tự do tư tưởng, tự do lương
tri, tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Nhiều chuyên gia cho rằng tiến trình
Helsinki khiến các chế độ độc tài cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.
Cuối những năm 1980, Chiến tranh Lạnh kết thúc và ngày 25/12/1991 không còn lá
cờ Xô Viết tại điện Kremlin. CSCE ở thời điểm đó tổ chức các hội nghị và hội
thảo, nhưng giờ đây đã có vai trò lớn hơn đó là quản lý những thay đổi lịch sử
đang diễn ra ở châu Âu. Tên của nó được đổi thành Tổ chức An ninh và Hợp tác
châu Âu (OSCE). Hiện nay OSCE là tổ chức an ninh khu vực lớn nhất trên thế
giới, với 56 nước thành viên ở châu Âu, Trung Á và Bắc Mỹ. Tổ chức này cũng có
các đối tác ở châu Á và khu vực Địa Trung Hải. Nhiều người coi OSCE là điển
hình cho các nỗ lực hợp tác ở các khu vực khác nhằm thúc đẩy sự tôn trọng nhân
quyền ở các nơi khác trên thế giới. Tuyên bố Copenhagen và những Nguyên tắc
Paris của OSCE có ảnh hưởng lớn bởi chúng là thước đo thực hiện nhân quyền,
trong đó có thành tích của các quốc gia dân chủ. Trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc,
Ủy ban Nhân quyền được hồi sinh, đứng đầu là Ca-na-đa, Hà Lan và các nước khác,
đã xây dựng những công ước mới về Quyền Phụ nữ (1979), công ước Chống tra tấn
(1984) và công ước về Quyền Trẻ em (1989). Các chuyên gia đã được chỉ định để
nghiên cứu và báo cáo về các vụ vi phạm nhân quyền ở ngày càng nhiều quốc gia.
Vào giữa những năm 1980, hầu hết các nước phương Tây nhất trí rằng nhân quyền
phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại, và hướng tới vấn đề giám sát và
thực thi nhân quyền.
Thập
kỷ 1970 là giai đoạn trong đó các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trên
lĩnh vực nhân quyền xuất hiện với tư cách là một lực lượng chính trị quốc tế
nổi bật. Điển hình là giải thưởng Nobel Hòa bình dành cho Tổ chức Ân xá Quốc tế
năm 1977 vì đã giúp đỡ các tù nhân chính trị. Năm 1980, có khoảng 200 tổ chức
phi chính phủ ở Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền và ở Anh cũng có số
lượng như vậy. Sự xuất hiện của các tổ chức phi chính phủ ở các nước châu Phi,
châu Á và Mỹ Latinh cũng là một diễn biến quan trọng không kém. Những tổ chức
này, bên cạnh việc ủng hộ nạn nhân các vụ lạm dụng nhân quyền, còn có ảnh hưởng
quan trọng đối với các chính sách nhân quyền quốc gia và quốc tế.
Môi trường hậu Chiến tranh Lạnh
Từ
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nỗ lực quốc tế thúc đẩy nhân quyền được tăng
cường hơn nữa mà điển hình là sự ra đời của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc
nhằm tăng cường hoạt động giám sát quốc tế. Ở hầu hết các nước, bản chất và
giới hạn của nhân quyền thể hiện rõ hơn trong chương trình nghị sự quốc gia.
Cũng như những ý tưởng tự do kinh tế lan rộng thông qua quá trình toàn cầu hóa,
các ý tưởng khác cũng vậy. Các tổ chức nhân quyền phi chính phủ và những người
ủng hộ cho nhân quyền ngày càng có ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Chắc
chắn, việc nêu ra các vấn đề nhân quyền đôi khi vẫn bị các nước phản ứng, điển
hình là mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn
của nước này trong những năm sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Hầu hết các
nước vẫn không giải quyết hiệu quả các mối quan ngại nhân quyền quốc tế theo
yêu cầu của các tổ chức nhân quyền phi chính phủ.
Vẫn
còn các chế độ cầm quyền – ở Cuba, Bắc Triều Tiên, và những nơi khác – tiếp tục
vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế công nhận. Như trong các
báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và rất nhiều tổ chức phi chính phủ, hầu hết các
nước trên thế giới vẫn có những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng. Tuy nhiên, cộng
đồng quốc tế đã sẵn sàng giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Đáng tiếc là năm 1994 Liên Hợp Quốc đã không can thiệp quân sự để chặn đứng
được cuộc diệt chủng ở Ru-an-đa. Tuy nhiên ở El Salvador, các nhà giám sát nhân
quyền của Liên Hợp Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được một giải
pháp chính trị và phi quân sự hóa quốc gia này sau một thập kỷ nội chiến. Ở
Sô-ma-li, khi quốc gia này bị rơi vào cuộc chính biến, các lực lượng quân sự đa
phương đã can thiệp để cứu hàng nghìn dân khỏi bị nạn đói. Ở Căm-pu-chia, lực
lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã giúp đẩy lui lực lượng Việt Nam và
kiềm chế Khơ-me Đỏ, thúc đẩy việc hình thành một chính phủ được bầu lên tự do.
Ở Bosnia, cộng đồng quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ, đã sử dụng sức mạnh quân
sự để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu khiến 200.000 người bị giết hại và đẩy
hai triệu người khác vào cảnh nhà tan bằng cuộc “thanh lọc sắc tộc” có hệ
thống.
Bất
chấp tầm quan trọng của nhân quyền và nền chính trị nhân đạo, những năm đầu thế
kỷ 21, cộng đồng quốc tế đang đấu tranh để ngăn chặn cuộc xung đột sắc tộc kéo
dài ở tỉnh miền tây Darfur của Su-đăng. Cuộc xung đột này mà Liên Hợp Quốc và
các tổ chức nhân quyền coi là diệt chủng đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn
người và đẩy hơn hai triệu người khác phải sống trong các trại tị nạn. Lực
lượng của Liên minh châu Phi không thể ngăn chặn được tình trạng giết chóc,
cưỡng hiếp tùy tiện và Mỹ đã phải kêu gọi Liên Hợp Quốc triển khai một lực
lượng gìn giữ hòa bình lớn ở nước này. Đồng thời, cộng đồng quốc tế, trong đó
có các tổ chức nhân quyền phi chính phủ, đã tham gia đối phó với phong trào
khủng bố quốc tế tăng mạnh điển hình là các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày
11/9/2001 và các cuộc tấn công khủng bố khác của al Qaeda trên thế giới, từ
In-đô-nêxi-a tới Tây Ban Nha. Cũng chính những quan sát viên này đã lên tiếng
chỉ trích phản ứng của các chính phủ đối với chủ nghĩa khủng bố.