“Ăn như vua” có hợp người Việt?
Có nhiều chế độ ăn được khuyến cáo ở Việt Nam, trong đó có kiểu ngày ăn như vua, tối ăn như ăn mày. Liệu những cách ăn đó có phù hợp với người Việt? PGS Nguyễn Hoài Nam trao đổi với PGS. TS LÊ VĂN QUANG, Đại học Y dược TP.HCM.
Điều chỉnh chế độ, chất lượng và thời điểm ăn uống sẽ tốt cho sức khỏe. Trong ảnh: đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, chất lượng trước cổng trường đại học - Ảnh: T.T.D. |
* PGS.TS Nguyễn Hoài Nam: Thưa ông, ngoài việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, việc ăn uống cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe và giữ được một vóc dáng đẹp ở con người
phải không?
- PGS.TS Lê Văn Quang: Đúng quá đi chứ, nếu bạn chỉ chịu khó luyện tập không thôi mà không chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý thì kết quả của việc tập luyện cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì trong quá trình chuyển hóa của cơ thể thì ăn uống là giai đoạn đầu tiên nạp năng lượng cho mọi hoạt động.
Nếu việc nạp năng lượng này không tốt hoặc sai quy cách sẽ dẫn đến nhiều rối loạn ở những giai đoạn sau và làm cho con người dù cố gắng luyện tập đến mấy cũng sẽ đưa đến những hậu quả không tốt, nhất là về mặt thể hình như béo phì hay rối loạn bệnh lý khác.
* Hiện nay có khá nhiều chế độ ăn như chế độ ăn Low Cab, chế độ ăn của nhà vua, chế độ ăn gạo lức muối mè... được khuyến cáo sử dụng cho mọi người. Theo ông, ăn như vậy có hợp lý cho người Việt Nam?
- Hiện nay có rất nhiều chế độ ăn và cách ăn uống được khuyến cáo cho người Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều rất buồn là tất cả khuyến cáo đó đều rút ra từ những công trình nghiên cứu của nước ngoài. Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu thật sự nghiêm túc nào với số mẫu lớn về việc áp dụng các chế độ hay cách ăn uống như vậy trên
người Việt Nam.
Ví dụ như việc khuyên mọi người ăn theo kiểu sáng ăn như một anh nông dân, có nghĩa là ăn thật nhiều, trưa ăn như một hoàng tử, chiều ăn như một nhà vua và tối ăn như một kẻ ăn mày có nghĩa là ăn rất ít, không biết có phù hợp với người Việt Nam hay không?
Bởi vì phương Tây họ làm việc lúc 10g, ăn sáng lúc 8g, còn người Việt Nam mình làm việc lúc 7g, ăn sáng lúc 6g mà ăn theo kiểu anh nông dân tức ăn một lúc 3 tô phở thì sau đó chỉ có nước lên giường đắp chăn đi ngủ tiếp mà thôi.
Nói tóm lại là phải nghiên cứu tìm ra một chế độ và cách ăn uống sao cho phù hợp với người Việt Nam, phù hợp với hoàn
cảnh thực tế của mình.
* Như vậy theo ông, thời điểm ăn uống cũng rất quan trọng phải không? Làm sao ăn uống phải phù hợp với đồng hồ sinh học của con người. Thời điểm làm việc của Việt Nam hiện nay có nhiều điều bất hợp lý so
với thế giới?
- Đúng như vậy. Làm việc lúc 7g là quá sớm khi mà đồng hồ sinh học vẫn chưa sẵn sàng cho mọi hoạt động thể chất và tinh thần.
Ăn sáng vào lúc 6-7g cũng rất khó thực hiện vì nào là phải chuẩn bị cho công việc, nào là phải đưa con đưa cháu đi học cho kịp giờ, trăm thứ hầm bà lằng. Vì thế rất nhiều người đã lấy bớt thời gian làm việc đi ăn sáng lúc 8-9g, rất khó cho mọi người và cho cả nhà quản lý. Thời gian đâu mà ăn uống no nê như một anh nông dân như nhiều người khuyến cáo!
Trong một lần đi hội nghị tại Myanmar, chúng tôi thấy họ bắt đầu làm việc lúc 9g. Họ thức dậy lúc 6g, nấu ăn sáng tại nhà lúc 7-8g, sau đó mang theo cơm và thức ăn để ăn bữa trưa và tỉ lệ ngộ độc thực phẩm thấp hơn hẳn ở nước ta. Vậy thì tại sao người Việt không trở lại làm theo cách này như cách đây vài chục năm?
0 nhận xét