Chỉ 2 trong 10 người Việt sẵn sàng ngăn chặn cái ác
85/100 người dân được hỏi đều thừa nhận luôn bức xúc trước những thông tin về các hành vi tàn ác (cướp của, giết người, đánh nhau...) xảy ra gần đây nhưng chỉ ít người (20/100) nói rằng sẽ lên tiếng, hành động ngay để bảo vệ lẽ phải.
Người dân và đội phòng chống cướp giật bắt một thanh niên giật đồ tại ngã tư Lê Văn Sỹ - Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Kiên |
Đây là kết quả cuộc khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện với 100 người dân sống ở chín quận, huyện TP.HCM về suy nghĩ và hành xử của người dân trước các thông tin về tình hình tội phạm mà họ tiếp cận trong thời gian vừa qua thông qua báo đài và từ cuộc sống.
Hoang mang
khi làm việc tốt
Có vẻ như thông tin về các vụ án, tội phạm đang khiến nhiều người dân tỏ ra bi quan. Niềm tin lại càng xuống thấp hơn đối với những người đã trực tiếp chứng kiến hoặc là nạn nhân của các hành vi xấu. Có 21/100 người trả lời khảo sát cho biết từng là nạn nhân của những vụ cướp giật, lừa đảo... Đại đa số biết đến thông tin về tình hình tội phạm thông qua các kênh truyền thông đại chúng (96% ý kiến) hoặc truyền miệng (44% ý kiến).
Anh Nguyễn Văn Vi (24 tuổi, nhân viên văn phòng) kể chị bạn của anh đang cầm iPad ngồi trong một quán cà phê đông người, vậy mà bị tên cướp xông vào giật iPad rồi phóng lên xe máy cùng đồng bọn chạy mất. Chị bạn của anh choáng váng chỉ kịp tri hô lạc lõng vài câu mà chẳng thấy ai hỗ trợ bắt cướp. “Sự táo tợn của bọn cướp làm tôi rùng mình và hoang mang” - anh Vi bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Thủy, 22 tuổi, tâm sự: “Có lần mình giúp cụ già đi qua đường, nhưng chính bà ấy lại là người trộm ví tiền của mình. May là mình phát hiện và lấy lại được đồ. Bây giờ ra đường không biết người ngay, kẻ gian nữa. Thấy ai lạ tiếp xúc đều nghi ngờ”. Cùng với tâm lý sợ bị “lừa”, chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, 26 tuổi, chia sẻ: “Nhiều lúc tôi cũng phớt lờ các trường hợp thương tâm cần giúp đỡ vì có nhiều tình huống dàn cảnh xảy ra để cướp giật nên không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả”.
Tâm lý nghi ngại, sợ hãi cũng là lý do khiến 36% số người được hỏi cho biết sẽ tránh đi khi chứng kiến việc cướp giật, đánh nhau... kẻo bị vạ lây, nhất là khi việc đó không liên quan đến họ. Con số đông hơn, 50% ý kiến, chọn cách báo với cơ quan chức năng.
Chỉ có 20 người cho biết sẽ ra tay can thiệp để bảo vệ cái đúng. Nằm trong số người ít ỏi sẵn sàng làm “Lục Vân Tiên” khi thấy sự bất bình, anh Võ Tuấn Tú (Q.1, nhân viên ngân hàng) nói rằng: “Sẽ đứng xem tình hình và can thiệp nếu như có thể, còn nguy hiểm thì ứng biến khôn khéo”.
Ý kiến của 100 người - Đồ họa: Võ Tân |
Tăng cường
giáo dục ý thức
Trong số nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải hành vi tội ác, có ba lý do được những người trả lời khảo sát cho là cơ bản nhất. Đó là do hoàn cảnh xô đẩy (73% ý kiến), nhiễm phim/trò chơi/sách báo có nội dung bạo lực (56%) và do không làm chủ được bản thân (54%). Chị Bảo Uyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lý giải rằng hiện tượng trẻ hóa tội phạm một phần lớn là do thanh thiếu niên thừa năng lượng mà thiếu chỗ lành mạnh để giải phóng. “Đặc biệt là ở những vùng quê đang đô thị hóa, một miếng đất cho trẻ con đá bóng cũng không còn. Chúng đi học về chỉ biết chui vào tiệm net chơi game, và tôi chứng kiến không ít bạn trẻ hàng xóm quanh nhà lớn lên phải vào tù vì giết người, hiếp dâm...” - chị Uyên nói.
Có 27% số người trả lời khảo sát cho rằng người ta làm việc ác đơn giản là do bản tính ác. Tuy nhiên, con số nhiều hơn lại nhìn nhận từ góc độ tình hình an ninh trật tự chưa tốt (33%) và từ việc thiếu giáo dục và sự quan tâm của gia đình (56%).
Chính vì vậy, có đến 74% người tham gia khảo sát tin rằng việc giáo dục ý thức cá nhân ngay chính tại gia đình là giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn “cái ác” tràn lan. Ông Nguyễn Văn Phú (60 tuổi, Q.Thủ Đức) đề cao vai trò của phụ huynh trong việc này: “Cha mẹ nên chú ý đến giờ giấc hằng ngày của con, nhất là giúp con phân biệt ai tốt, ai xấu khi kết bạn”.
Ý thức tự trang bị kỹ năng bảo vệ mình và người xung quanh cũng được đề cao, theo ý kiến của 69% người được hỏi. Theo anh Nguyễn Đỗ Thuyên (Q.Bình Thạnh), đó là cách tốt nhất để ứng phó với tình trạng hiện nay, khi mà các lực lượng chức năng chưa thể giúp người dân yên tâm. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng ghi nhận nhiều đề nghị lực lượng chức năng tăng cường đi tuần tra và mở thêm những chốt an ninh để kịp thời can thiệp khi xảy ra vụ việc vi phạm an ninh trật tự.
* Anh Nguyễn Văn Vi (nhân viên văn phòng):
Bây giờ mà ra đường gặp trộm cướp thì chỉ có nước kêu trời. Bọn trộm cướp bây giờ táo tợn lắm. Vậy nên, giải pháp bây giờ là thân ai người nấy tự lo, mỗi người tự đề cao cảnh giác, hạn chế tiếp xúc kẻ lạ mặt.
* Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (26 tuổi):
Có lần tôi gặp một phụ nữ trung niên bán vé số khóc lóc vật vã ở lề đường và than thở với nhiều người là mình bị giật vé số. Nhìn cảnh đó, tôi cũng muốn giúp chị một ít tiền nhưng lại thôi vì nhớ đến một bài báo về hiện tượng dàn cảnh bị giật vé số để lừa tiền của người tốt.
Trên đường về, tôi cứ băn khoăn mãi biết đâu người phụ nữ đó cần giúp đỡ thật. Tốt xấu bây giờ lẫn lộn, nhiều khi mình cũng muốn làm việc tốt mà sợ lòng tốt bị đặt sai chỗ.
* Anh Năng Xuân Cường (sinh viên):
Tôi cũng từng chứng kiến nhiều vụ đánh nhau hay cướp giật trên đường. Những lúc ấy, nếu có thể thì tôi sẽ lên tiếng và can thiệp ngay, nhưng an toàn hơn thì vẫn nên báo với cơ quan chức năng.
Những hành vi phạm tội xảy ra, theo tôi, một phần là do người ta bị kích động nên không kiềm chế được bản tính ác trong người. Nhiều khi họ phạm tội cũng là do hoàn cảnh túng quẫn làm liều. Do vậy, nếu đời sống tốt hơn thì tình trạng này có thể được cải thiện.
|
0 nhận xét