Nhảy vào lửa cứu cha

Câu chuyện nhảy vào lửa cứu cha của Trần Vương Công Thành, sinh viên năm thứ ba ĐH Hàng hải TP Hải Phòng, gây niềm xúc động lớn đối với các y bác sĩ điều trị, bạn bè, người thân trong suốt những ngày qua…
Trần Vương Công Thành đang điều trị tại Viện Bỏng - Ảnh: Quỳnh Liên
Trần Vương Công Thành đang điều trị tại Viện Bỏng - Ảnh: Quỳnh Liên
Lửa trên bếp bắt với hơi gas xì ra từ đường ống nhanh chóng bùng lên dữ dội, Thành vội vàng lao vào bếp, đẩy cha ra ngoài cửa và hứng trọn ngọn lửa. Mất vài giây định thần, khi nhìn qua tấm kính tủ bếp, Thành biết mình còn sống. Dù bị phỏng nặng nhưng Thành vẫn lấy xe máy chở cha đến bệnh viện cấp cứu.
Khi đến viện, Thành mới cảm nhận được rõ những cơn đau đang cào xé da thịt, em lịm dần, lịm dần và ngất xỉu. Hai cha con nhanh chóng được đưa thẳng từ Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng lên Viện Bỏng quốc gia để cấp cứu.
Ngọn lửa khiến ông Lâm - cha của Thành - bị sém cả phần mặt, cẳng chân, cánh tay, riêng bàn tay phỏng hơi gas bị rụng từng mảng thịt. Còn Thành bị nặng hơn: sốc phỏng, phỏng 58% cơ thể, có những chỗ phỏng đến độ III, bị nấm phổi phải lọc máu.

“Khoảng ba ngày đầu mới vào viện Thành còn nói chuyện được, sau đó thường xuyên hôn mê, nhưng khi mở mắt dậy, tôi vẫn nghe con bập bẹ hỏi về ba nó. Khi biết ba đã ổn định, sức khỏe tốt hơn, thằng bé mới yên tâm ngủ tiếp
Bà Hà (mẹ em Trần Vương Công Thành)
“Giá như nó đừng cứu tôi”
Sau hơn một tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, tình trạng của ông Lâm đã ổn định, vết thương đã khô miệng, ông có thể ngồi dậy, tự xúc thức ăn, tự uống thuốc... không còn giống với tình trạng bất động như lúc ban đầu.
Tuy nhiên, khi nhắc đến vụ cháy vào ngày 27-10 vừa qua, khuôn mặt ông Lâm vẫn tỏ rõ sự sợ hãi. Ông Lâm kể buổi sáng hôm đó ông chuẩn bị nước cho hai cha con tắm thì nghe những tiếng xì xì và mùi gas nồng nặc, ông vội đi kiểm tra. Do nhà ông Lâm là đại lý gas, lúc đó ông chỉ nghĩ đến việc tháo bình gas ở bếp đưa ra bên ngoài.
Thế nhưng vì quá lúng túng nên ông cứ loay hoay, lúc đó tay bỏng rát mà ông không xoay trở được. Khi đó, nghe tiếng của Thành gọi khản giọng nhưng vì quá sợ hãi nên ông Lâm vẫn đứng như trời trồng. Trong nỗi hoảng sợ, ông chỉ kịp nhận ra ngọn lửa lớn bùng lên xung quanh mình, sau đó thì Thành vào ứng cứu.
Vào Viện Bỏng, hai cha con ở hai phòng khác nhau, tình trạng của Thành nặng hơn, do đó ban đầu phải ở phòng hồi sức cách ly, tránh nhiễm khuẩn ở tầng ba, trong khi ông Lâm khá hơn được chuyển xuống phòng thường dưới tầng một. Khi biết con bị phỏng nặng, có lúc bị hôn mê sâu tưởng chết, ông Lâm thấy đau đớn. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, ông liên tục trách móc bản thân vì mình mà con trai khổ sở.
“Lỗi cũng là tại tôi, giá như nó đừng vào cứu tôi thì đâu phải khổ như bây giờ” - ông Lâm nói mà nước mắt nhòe trên gương mặt bị biến dạng, lỗ chỗ vết cháy sém.
Nghị lực
Nhà neo người nên suốt một tháng nay, bà Hà - mẹ của Thành - một mình phải trông đến hai người bệnh, mặt mũi của bà vì thế mà gầy sọp, hốc hác. Thấy mẹ như vậy, nhiều lần chợt tỉnh giấc, Thành quay sang nhìn mẹ mà nước mắt vòng quanh, thều thào nói: “Mẹ ngủ đi!”. Bà Hà nhớ lại: “Khoảng ba ngày đầu mới vào viện Thành còn nói chuyện được, sau đó thường xuyên hôn mê, nhưng khi mở mắt dậy, tôi vẫn nghe con bập bẹ hỏi về ba nó. Khi biết ba đã ổn định, sức khỏe tốt hơn, thằng bé mới yên tâm ngủ tiếp”.
Đã được tháo ống xông, ống thở, tuy nhiên Thành vẫn chưa nói rõ, việc gắng gượng nói chuyện cũng khiến Thành nhanh mệt và đau tức ngực. Dù vậy, khi chúng tôi đến thăm, Thành cười rất tươi. Thành mong muốn ngay lúc này đứng được lên và xuất viện ngay vì hơn một tháng nằm bất động khiến em rất chán chường. Nhắc đến vụ cháy, Thành ôm hai tay trước ngực, tỏ vẻ run rẩy, sợ hãi, rơm rớm nước mắt xúc động vì vừa trải qua biến cố kinh hoàng.
Hơn một tháng nằm viện, trải qua bảy lần lọc máu, ba lần ghép da, điều trị nấm phổi... sức khỏe của Thành ổn định hơn, được chuyển sang phòng phục hồi chức năng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc điều trị di chứng phỏng sẽ diễn ra rất lâu dài.
Cô Vương Thu Giang, cô giáo chủ nhiệm của Thành, cho biết gia đình Thành thuộc diện khó khăn, mẹ bán hàng ăn sáng, còn cha con Thành thuê một căn nhà nhỏ ở quận Ngô Quyền vừa ở vừa kinh doanh gas, vừa chạy xe ôm. Vì sống tình cảm nên Thành được nhiều bạn bè yêu mến. Thấy Thành gặp hoạn nạn, nhiều bạn bè đã động viên tinh thần, quyên góp giúp em vượt qua khó khăn.
“Lúc biết Thành ở trong tình trạng hôn mê, phải lọc máu, mọi người sợ hãi vì nghĩ rằng như thế khó mà qua khỏi. Thế nhưng như có một phép mầu, Thành dần khá lên và đã qua được cơn nguy kịch. Ai cũng mong Thành sớm được ra viện, trở lại với giảng đường, thầy cô và bạn bè” - cô Giang nói.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.