Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc vụ “du hí hoàng hôn”
Đã có 530 ý kiến phản hồi của bạn đọc với rất nhiều lời bày tỏ sự bức xúc về câu chuyện đoàn cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” của Quảng Nam kể chuyện đi học... ở Nam Phi.
Chúng tôi giới thiệu một ý kiến trong số này.
Hẳn nhiều người không khỏi bức xúc khi đọc bài viết “Cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” kể chuyện đi học...” về 26 cán bộ hưu trí lẫn đương chức và người thân ở Quảng Nam đã đi “khảo sát, học tập kinh nghiệm” tại Nam Phi.
Càng bức xúc hơn với trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu rằng cho cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” đi học tập kinh nghiệm tại Nam Phi là “phải đạo”.
“Khảo sát, học tập kinh nghiệm” ở đây là học cái gì? Phó chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng Ban dân vận, trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam... đều không phải là những người thật sự có vai trò, trách nhiệm trực tiếp trong mục đích “đi khảo sát các cơ sở du lịch, dịch vụ, thương mại; học tập kinh nghiệm về công tác quy hoạch, xây dựng các đô thị, khu kinh tế, quản lý du lịch, bảo tồn thiên nhiên tại Nam Phi” (trích quyết định 2977/QĐ-UBND của tỉnh này).
Trong khi đó, người đang trực tiếp nắm trọng trách liên quan đến du lịch là ông Đinh Hài - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam - đã rút lui khỏi chuyến đi.
Trước Quảng Nam, có nhiều nơi tổ chức cho cán bộ đi tham quan học tập, mới đây nhất là hai đoàn cán bộ của một tỉnh miền Tây đi du lịch nước ngoài cũng với danh nghĩa “tham quan học tập”.
Nhiều tỉnh khác cũng có các đoàn cán bộ “đi tham quan học tập” kiểu này, trong đó rơi vào tỉnh mà tỉ lệ hộ nghèo còn khá cao, nhiều trẻ em ở độ tuổi đi học nhưng không được cắp sách đến trường do hoàn cảnh khó khăn, nhiều tân sinh viên phải nhờ có học bổng Tiếp sức đến trường mới được đặt chân vào giảng đường đại học.
Những tỉnh này hằng năm đều được trung ương chi một khoản tiền đáng kể để hỗ trợ trong việc chăm lo nhu cầu về an sinh xã hội. Trước tình hình ấy, lẽ ra lãnh đạo tỉnh phải biết “thắt lưng buộc bụng” để không sử dụng lãng phí ngân sách, tức là không chi tiêu lãng phí tiền thuế của dân.
Vì sao những chuyến đi “học tập” trá hình này lại được tổ chức?
Cái sự “hào phóng” được cả một tập thể lãnh đạo thông qua cho những chuyến đi ấy có phải là bởi tâm lý: bây giờ mình duyệt cho “các bác” sau này đến lượt mình “đàn em” cũng sẽ chấp thuận? Hay bởi hội chứng “con gà tức nhau tiếng gáy” lâu nay thường được đề cập?
Không chỉ cấp tỉnh, ngay cả cấp huyện, xã cũng đua nhau đi tham quan du lịch, nơi khác đi được thì cơ quan mình cũng phải đi. Đường sá xuống cấp, bệnh viện, trường học còn thiếu, nhiều việc khi hỏi đến đều trả lời rằng đang phải chờ kinh phí ở trên rót xuống.
Có phải vì đi trong nước chán chê nên nhiều nơi làm hẳn tour đi nước ngoài. Thế là những đồng tiền do người dân đóng thuế cứ tiếp tục “rơi rớt” một cách vô lý.
Tôi nghĩ Nhà nước nên quy định cụ thể và quản lý chặt chẽ hơn những chuyến đi công tác, học tập hay du lịch nước ngoài của cán bộ các tỉnh, thành phố, tuyệt đối không cho phép tổ chức những chuyến “du lịch trá hình” tốn kém vô ích.
Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ có bao nhiêu địa phương đã tổ chức các chuyến đi tương tự, cần xác định cụ thể trách nhiệm từng tập thể, cá nhân nhằm xử lý nghiêm minh.
Tri ân những đóng góp của lãnh đạo qua các thời kỳ có nhất thiết là phải mời đi du lịch đây đó mới xứng đáng? Sao không tri ân bằng cách tổ chức những buổi họp mặt, tặng những món quà giản dị, có ý nghĩa và quan trọng hơn là tấm lòng thành của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước?
Hãy dành khoản tiền “du hí” ấy cho những việc ý nghĩa hơn, như công trình xây dựng Đài tưởng niệm chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma, xây “nhà tình nghĩa” cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng... nhất là Tết Nguyên đán đang cận kề, vì đó mới là sự biết ơn sâu sắc nhất.
0 nhận xét