Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Đập nước “má khỉ” của Thái Lan
Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất hơn hai thập niên qua đang hoành hành khắp các vùng miền của Thái Lan. Tại khu vực sông Mekong, người Thái cũng đang hối hả chuẩn bị cho một trận chiến trường kỳ.
Hồ chứa nước Huai Luang ở tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái Lan đang khô hạn nghiêm trọng - Ảnh: Minh Trung |
Đợt khô hạn tại Thái Lan tính đến nay đã bước sang năm thứ hai. Năm ngoái, mùa mưa tận cuối tháng 7 mới đến và kết thúc sớm vào khoảng đầu tháng 10. Vùng đông bắc Thái Lan, nơi có con sông Mekong chảy vào từ Lào, đang là trọng điểm khô hạn nhất cả nước.
Cách đây khoảng hai tuần, chính quyền tỉnh Nong Khai - nơi giáp biên giới với Lào - công bố kế hoạch bơm thêm nước từ sông Mekong vào nội đồng để cứu lấy các hồ chứa đang cạn kiệt. Tin tức này gây không ít thắc mắc cho các nước ở hạ nguồn, trong đó có Việt Nam, về cách người Thái sử dụng nước sông Mekong ra sao.
Lần theo dòng Mekong
Khi nghe phóng viên Tuổi Trẻ trình bày hoàn cảnh khó khăn vì thiếu nước của hàng triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những doanh nhân người Thái gốc Việt ở hai tỉnh Udon Thani và Nong Khai tỏ ra rất xúc động. Và họ cũng nhiệt tình giúp chúng tôi đi tìm hiểu câu chuyện người Thái chiến đấu với khô hạn như thế nào.
Cùng với hai “hướng đạo” là cô Woramai và anh Dam, chúng tôi bắt đầu hành trình của mình từ cầu Hữu Nghị Thái - Lào vào một buổi sáng.
Chúng tôi bắt đầu chạy ngang dọc lên thượng nguồn và xuống hạ nguồn của con sông. Có một điều dễ nhận ra là vùng này khác hẳn với những khu vực khác ở đông bắc Thái. Trong khi tỉnh lân cận Udon Thani có những chỗ đến cỏ mọc cũng không nổi thì Nong Khai lại có những cánh đồng lúa và hoa màu xanh mướt.
Hỏi thăm những người dân sống ven bờ, chúng tôi được biết tất cả là nhờ nguồn nước dự trữ từ sông Mekong.
Xuôi về hạ nguồn hơn 10km trên tỉnh lộ dẫn đi huyện Phon Phisai, chúng tôi có chút nhẹ nhõm khi một người dân cho biết ông có nghe nói về những trạm bơm nước trên sông Mekong nhưng không chắc vị trí chính xác nằm chỗ nào.
Theo chỉ dẫn của vài người nữa, chúng tôi gõ cửa nhà bà Vasana Sutsongkham, trưởng thôn Hienngom “Bac”. Trao đổi một lúc bằng tiếng Thái với anh Dam, bà Vasana dắt chiếc xe máy ra và dẫn đường cho chúng tôi đến một vị trí cách đó hơn 1km.
Các công nhân gia cố một bờ đê bên hồ chứa Huai Luang, tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái Lan - Ảnh: Minh Trung |
Trạm bơm trên sông Mekong
Trước mặt chúng tôi là một đoạn bờ sông Mekong được gia cố bêtông cứng cáp, có bậc thang dẫn xuống mép nước. Ngay sát bờ là ba máy bơm nước được đặt nổi trên những chiếc phao lớn có mái che, một cái đã hư cũ và hai cái vẫn còn hoạt động.
Theo tiếng động cơ phát ra thì chỉ có một máy đang hoạt động vào thời điểm đó, cả hai máy được nối với ống dẫn nước bằng kim loại đường kính khoảng 300mm đi âm vào lòng đất.
Từ bờ sông đi vào trong hơn 300m chúng tôi thấy luồng nước phóng ra từ một cống ximăng lớn được xây kiên cố, nước từ đây chảy theo một đường dẫn để đi vào hệ thống thủy lợi của khu vực này.
Bà Vasana cho biết trên toàn tỉnh Nong Khai có 46 trạm bơm như vậy dọc theo sông Mekong và những cái cũ nhất đã hoạt động từ cách đây 36 năm, chỉ riêng năm nay tỉnh cho lắp đặt thêm bốn máy bơm mới.
Để giữ cho các hồ chứa luôn đủ nước, các trạm bơm này hoạt động suốt cả tháng (chỉ trừ một ngày rằm) và theo hai ca, từ 8g - 17g và từ 20g - 5g sáng hôm sau. Công suất của mỗi máy bơm là 900m3/giờ.
Theo bà Vasana, hai năm qua Thái Lan chịu cảnh hạn hán, tuy nhiên vùng này nhờ có sông Mekong nên nước dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu không thiếu. Cây lương thực chính ở đây là lúa và nông dân vẫn có thể trồng hai vụ một năm.
Đập nước “má khỉ” - sáng tạo của nhà vua
Chia tay bà Vasana, chúng tôi tìm đến Văn phòng Nông nghiệp tỉnh Nong Khai. Anh Vi Thun Sri Bun Lert - một công chức của cơ quan này - chỉ cho chúng tôi một mô hình sa bàn đặt gần bức tường và cho biết đó là một dự án thủy lợi đã triển khai từ tháng 8-2015. \
Đây cũng chính là thời điểm mà mùa mưa bắt đầu và nước sông Mekong dâng lên. Hiện dự án đã hoàn thành xong tại huyện Muong và đang tiếp tục triển khai ở địa phương lân cận.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej chính là người nghĩ ra cách xây dựng hệ thống thủy lợi này cách đây nhiều năm, theo lời anh Dam giải thích. Ông ví các đập nước như bên má của con khỉ, khi có nhiều thức ăn nó phồng hai bên má để tích trữ, lúc thiếu nó lại nhả ra để ăn.
Sông Mekong cũng vậy, khi nước của nó tràn đầy, tại sao không tìm cách trữ lại để sử dụng vào lúc khô hạn? Các nhà làm thủy lợi và nông nghiệp của Thái Lan đã dựa vào ý tưởng này để thiết kế nên hệ thống trữ nước và tưới tiêu cho các vùng miền của Thái Lan.
Theo quan sát từ sa bàn, người Thái cho đào một con kênh dẫn nước trực tiếp từ sông Mekong. Đến một vị trí thích hợp họ đào rộng ra (hoặc kết hợp với một ao hồ tự nhiên có sẵn) thành một “má khỉ” để giữ nước lại. Khối lượng nước tích lại được tính toán đủ cho một số lượng gia đình nhất định trong khu vực đó dùng để sinh hoạt và tưới tiêu trong một năm (ví dụ: 30 gia đình/90ha, 18 gia đình/65ha...).
Cứ thế, họ đào tiếp đường dẫn nước đến một khu vực khác và xây “má khỉ” thứ hai, ở mỗi đường nước ra vào đều có cửa đập chặn lại để điều tiết khi cần thiết.
Anh Vi Thun Sri Bun Lert cho biết chính quyền ở Bangkok chỉ đưa ra chính sách chung và cấp tiền để chống hạn hán, nhưng triển khai cụ thể như thế nào là tùy điều kiện từng địa phương. Cơ quan phụ trách nông nghiệp và thủy lợi chịu trách nhiệm chính trong công tác này.
Bên cạnh đó, tất cả những hoạt động này diễn ra luôn dưới sự giám sát của nhân dân và cơ quan cấp cao hơn. Cơ quan Nông nghiệp tỉnh Nong Khai mỗi ngày phải báo cáo họ đã làm được những gì ít nhất năm lần qua mạng xã hội!
Rời Nong Khai trở về Udon Thani vào buổi chiều nhưng trong đầu chúng tôi vẫn còn nhiều suy nghĩ.
Người Thái đã làm tốt công việc thủy lợi từ nhiều năm trước và đang tất bật hoàn thiện hơn trước nguy cơ dòng nước Mekong bị chặn từ trên thượng nguồn. Trong khi đó, nông dân Việt Nam ở tận cuối hạ nguồn chỉ biết trông chờ vào lượng nước ít ỏi xả ra từ đầu nguồn mà không biết về được bao nhiêu, và tương lai thì sao?
Thái Lan giảm lúa, bỏ mía... để sống với hạn hán
Chúng tôi gặp được tỉnh trưởng Udon Thani, ông Chalyavoot Jarntorn, trong buổi trưa nắng gắt ngày 4-4 nhờ sự giới thiệu của chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam, ông Hồ Văn Lâm.
Ông Chalyavoot bày tỏ sự cảm thông với nông dân Việt Nam và đã tiết lộ một số thông tin về tình hình chống hạn, những thay đổi trong chính sách nông nghiệp của Thái Lan trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Chalyavoot, nhờ có hệ thống thủy lợi và các đập chứa nước mà tình hình nông nghiệp tại Udon Thani chưa đến mức nguy cấp tuy năng suất có giảm, năm vừa rồi lúa ở vùng này chỉ bị thiệt hại từ 5-10%.
Để đối phó khô hạn, ông tỉnh trưởng đã chỉ thị đào thêm 1.000 ao chứa nước và dùng bao cát dựng lên 1.200 đập chắn để giữ nước cho nông nghiệp. Những con đập này chỉ tạm thời và người ta sẽ dỡ bao cát để trả lại dòng chảy tự nhiên vào mùa mưa.
Về nông nghiệp, chính quyền Udon Thani và các tỉnh khác của Thái Lan đã khuyến cáo người dân nên chuyển đổi cây lúa, cây mía... sang các giống cây khác chịu hạn hơn như cây sắn. Người nông dân theo thói quen cứ thấy nước là gieo lúa (thường vào tháng 5-6), nay chính quyền khuyến cáo họ chỉ nên trồng lúa từ tháng 8 đến tháng 11.
Về lâu dài, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích lúa, tập trung cho cây trồng có giá trị cao vì lúa phải cạnh tranh với Việt Nam, Lào... trong khi lại không mấy giá trị về trị giá giao thương. Vì thế diện tích lúa tại tỉnh Udon Thani đã giảm từ 1,9 triệu rai (hơn 300.000ha) năm ngoái xuống còn 1,6 triệu rai (hơn 266.000ha) trong năm nay.
Về chính sách chống biến đổi khí hậu nói chung, ông Chalyavoot cho biết Chính phủ Thái Lan đã thành lập một hội đồng chuyên trách về thiên tai. Hội đồng này mỗi tháng họp 1-2 lần để kiểm tra và đôn đốc công việc nhằm kịp thời giúp đỡ các địa phương. Khi hết hạn hán, họ sẽ kiểm tra tất cả hồ chứa xem có đủ nước không, nếu thiếu sẽ phải bổ sung cho đủ...
Trước thắc mắc của phóng viên, ông Chalyavoot khẳng định Udon Thani không lấy nước trực tiếp từ sông Mekong vì đây là con sông quốc tế, đoạn này lại nằm giữa Thái và Lào nên luôn chịu sự kiểm soát, tỉnh thay vào đó dẫn nước từ những đập chứa khác.
Thái Lan trước đây từng cân nhắc kế hoạch dẫn nước về sâu hơn các tỉnh phía nam nhưng sau đó hủy bỏ do quá tốn kém, không hiệu quả cộng với việc trồng lúa không mang lại giá trị cao.
|
0 nhận xét