Ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục ra khơi

Tàu về bờ, cá bán hết.
 Ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình không còn lo chuyện bán cá nữa, chỉ còn lo vươn khơi bám biển…
Ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục ra khơi
Sau khi bán hết cá, ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) chuẩn bị lưới để tiếp tục ra khơi - Ảnh: Lam Giang
Ngày 2-5, có mặt tại cảng cá Nhật Lệ (Quảng Bình), chúng tôi chứng kiến ngư dân trên tàu QB 91755 TS đang kéo lưới lên tàu chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới.
Tàu cập bờ, 
bán cá nhanh
Chủ tàu là anh Nguyễn Văn Tó, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, cho biết tàu anh mới cập cảng lúc 1g sáng 2-5 với số lượng 8,5 tấn gồm các loại cá ngừ, nục gai, sim...
Đến 9g30 toàn bộ số cá đưa về cảng đã được Công ty TNHH Đức Hiếu ở phường Phú Hải và tiểu thương ở chợ cá Đồng Hới mua hết.
Anh Tó cho biết tàu vừa cập cảng đã được cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Quảng Bình xác nhận nguồn gốc, kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để nhanh chóng giải phóng cá trên tàu.
Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết từ ngày 30-4 đến nay, số tàu đánh bắt hải sản xa bờ đã về bến là 12 chiếc, với sản lượng 112 tấn. Tất cả đã được các doanh nghiệp, bà con tiểu thương trong và ngoài tỉnh thu mua hết. Sắp tới mỗi ngày sẽ có khoảng 10-15 tàu tiếp tục về bờ.
Các cơ sở thu mua đặt tại cảng Nhật Lệ, cảng sông Gianh vẫn chờ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho ngư dân. Riêng UBND TP Đồng Hới sẽ thành lập thêm các điểm mua và bán hải sản trên địa bàn, tại các chợ đầu mối hàng hóa lớn là Đồng Hới, Nam Lý, Cộn...
Có mặt tại cảng cá Nhật Lệ, ông Đinh Minh Chất - phó giám đốc Sở Công thương Quảng Bình - cho biết hiện nay ở tỉnh một số tàu xa bờ đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ trước, nên khi số tàu này về cảng là có ngay bạn hàng thu mua.

Các tàu chưa có bao tiêu từ trước thì sở sẽ tìm bạn hàng. Ông Chất nói thêm: “Ngoài chuyện bán hải sản, còn chuyện quan trọng ở thời điểm bây giờ là giá cả thu mua. Bởi ngư dân đang lo ngại tàu về nhiều sẽ bị ép giá, mua rẻ... Vì vậy lực lượng quản lý của sở vừa phải kiểm soát chất lượng hải sản vừa luôn túc trực để bảo đảm cho ngư dân không bị ép giá...”.
Ra khơi thôi!
Có sự hỗ trợ từ nhiều phía như vậy nên ngư dân Quảng Bình không còn phải lo lắng, bức bối theo chuyện bán cá nữa. Bây giờ họ chỉ còn tính chuyện ra khơi.
Anh Nguyễn Văn Hậu, ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, cho biết hơn nửa tháng qua anh buồn thối ruột khi phải neo tàu ở lạch Roòn, không thiết tha gì với chuyện ra khơi vì có đi biển về cũng không bán được sẽ lỗ vốn.
Anh Hậu háo hức: “Nhưng từ giờ thì yên tâm ra biển rồi. Chuẩn bị xong nước nôi dầu đèn là anh em lại kêu nhau lên tàu ra Hoàng Sa, Trường Sa thôi”.
Ông Phạm Đình Tiến, chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết cả xã có hơn 300 tàu đánh bắt xa bờ, hiện hầu hết bà con đang chuẩn bị ngư cụ, sửa chữa tàu để ra khơi.
Ở TP Đồng Hới, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - chủ tịch UBND xã Bảo Ninh - cho biết sáng 2-5 đã có 10 tàu của ngư dân trong xã ra vịnh Bắc bộ. Ở huyện Quảng Trạch, ông Phạm Văn Dũng - chủ tịch UBND xã Quảng Phú - vui mừng thông báo những ngày qua đã có gần 70 tàu lần lượt ra khơi...
Ngư trường đánh bắt với các tàu công suất trên 200CV là Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 và vùng đánh cá chung ở vịnh Bắc bộ... Các tàu nhỏ hơn đánh bắt ở vùng biển cách bờ 17 hải lý, là vùng được khuyến cáo an toàn cho hải sản.
Chiều 2-5, chúng tôi tìm về Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nơi có hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ và ven bờ đang chuẩn bị ra khơi.
Đến đầu xã, tiếng loa phóng thanh tuyên truyền rộn ràng thúc giục người dân ra khơi bám biển vì đã có đội thu mua cam kết mua hết cá, mực... cho bà con khi tàu cập bờ.
Dù chưa đến giờ xuất bến nhưng trên bờ đã rộn ràng kẻ tiễn, người đi chúc nhau một chuyến ra khơi đầy may mắn.
Ông Nguyễn Trọng Việt, một chủ tàu, cho biết: “Đã mấy ngày nằm bờ nhớ biển lắm, nghe thông tin các chủ doanh nghiệp, cơ sở thu mua cam kết mua cá, mực...cho ngư dân nên chúng tôi quyết ra khơi bám biển”.
Tiễn chồng ra tàu đi biển, bà Nguyễn Thị Dương cho chúng tôi biết gia đình bà có hai con tàu đánh bắt xa bờ được đầu tư hơn 2 tỉ đồng. Hai con tàu này đã nằm bờ nhiều ngày vì ảnh hưởng từ vụ cá chết nên không dám ra khơi.
“Mấy ngày nay UBND xã và cả trên tỉnh xuống cam kết với bà con sẽ bán được hàng nếu ngư dân ra khơi. Dù giá cả thu mua mấy ngày nay chưa trở lại bình thường so với thời gian trước đây nhưng bán được hàng là chúng tôi ra khơi thôi. Nằm bờ mãi lấy gì chi tiêu và trả công cho bạn biển” - bà Dương nói.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy hải sản Hà Tĩnh, sau những ngày thực hiện chính sách, chi cục phối hợp với Sở Công thương Hà Tĩnh đã thu mua gần 100 tấn cá, mực... cho ngư dân. Ông Hoàng cũng cho biết hiện nay tại các cảng cá luôn có cơ quan liên ngành trực để thu mua thủy hải sản cho ngư dân 24/24 giờ.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.