Dũng cảm đấu tranh với chính mình!
Trong
một xã hội mà mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn, kẻ lưu manh, xấu xa thì nắm
quyền lực, người tốt thì bị phân biệt đối xử, không có chỗ đứng trong xã hội. Thách
thức lớn nhất của người trẻ hiện nay là phải tự tìm đường đi, tự gạn lọc những
giá trị sống. Trên con đường chưa thành hình, họ không tránh khỏi sự cô độc,
hoài nghi xen lẫn tin tưởng.
Những bạn trẻ yêu thích bộ phim Ba chàng ngốc (3 idiots) hẳn ấn tượng với nhân vật
Ranchoddas Shamaldas Chanchad. Trong bộ phim này số đông cho rằng cuộc sống là
một cuộc đua, kẻ chiến thắng là kẻ mạnh đạp đổ được những kẻ yếu, việc học
hướng tới sự giàu sang, địa vị, thiên đường Mỹ. Chàng ngốc Ranchoddas lại cương
quyết học tập, và với chàng làm việc cần phải có sự say mê, con người phải được
tự do ngụp lặn cùng niềm yêu thích sáng tạo của riêng mình. Triết lý sống của
Ranchoddas là “hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Chính vì
việc lội ngược dòng và xui giục bạn bè theo mình, anh đã chịu nhiều tai họa, bị
các giáo sư, bố mẹ của bạn anh khinh ghét. Nhưng cuối cùng lòng quả cảm, sự
kiên định với quan niệm sống của Ranchoddas đã chiến thắng.
Dẫu sao câu chuyện về Ranchoddas cũng chỉ là một sự sáng
tác. Lòng dũng cảm do người nghệ sĩ tưởng tượng ra dễ dàng hơn so với trong đời
thực. Song cũng vì vậy, tinh thần quả cảm của người trẻ trong cuộc sống thực tế
càng cần, càng đáng quý.
So với thế hệ trẻ của 40-50 năm về trước, người trẻ hiện nay
gặp khó khăn hơn nhiều trong việc xây dựng tinh thần quả cảm. Cha anh ta sống
trong một thời đại mà mọi giá trị tốt - xấu, sang - hèn khá rạch ròi, lý tưởng
cao đẹp nhất được coi là sự hi sinh cho độc lập dân tộc. Một khi tìm được lý
tưởng sống, tinh thần quả cảm cũng giống như được đặt trên đòn bẩy sẽ bật lên
mạnh mẽ.
Còn ở xã hội ngày nay, mọi giá trị trở nên nhập nhằng, vàng
thau lẫn lộn. Cái xấu và những con người xấu xa lại lên ngôi, còn những người
sống tốt, chính trực thì bị coi thường, hắt hủi. Chế độ chính trị lạc hậu, phi
dân chủ đã không tạo cơ hội cho cái tốt phát triển mà ngược lại xã hội CS đã
bóp chết cái tốt, và khuyến khích cái xấu phát triển. Lý thuyết cộng sản và
thực tế vênh nhau, giáo lý của những kẻ cầm quyền khi khác xa với những việc họ
làm. Để bảo vệ điều tốt đẹp, giá trị đạo đức của dân tộc, thế hệ trẻ phải dũng
cảm sàng lọc và thẩm định mớ giá trị kia. Đồng thời phải đối mặt với một éo le:
điều tốt nhất cho mỗi chúng ta, cho mọi người dân chưa hẳn đã phù hợp với xã
hội CS.
Muốn thế, người trẻ phải dũng cảm hoài nghi và dũng cảm tin
tưởng. Hoài nghi là sự trăn trở, luôn đặt câu hỏi, tìm kiếm đúng sai trong mỗi
hiện tượng, xu hướng của xã hội, không ba phải, không nhắm mắt chạy theo thời
thế, số đông. Quá trình hoài nghi giống như quá trình “dậy thì” tư tưởng, khiến
người trẻ rơi vào hàng loạt trạng thái cô độc, hoang mang, thất vọng, trống
rỗng, chán nản. Nên để hoài nghi họ phải có lòng dũng cảm. Người biết hoài nghi
nhưng không dũng cảm dễ bỏ cuộc, cứ nghe theo cho an toàn. Nhưng nếu kiên trì
tìm câu trả lời, sẵn sàng đối mặt sẽ có niềm tin vững chãi vào cuộc sống.
Sự tin tưởng cũng cần lòng dũng cảm. Nhiều người trẻ chọn
lối sống, ứng xử, cách ăn mặc, nghề nghiệp của mình không hẳn vì tin rằng đó là
chọn lựa đúng đắn mà nhiều khi chỉ vì mốt, áp lực gia đình hoặc nhằm hướng tới
những giá trị bề ngoài. Họ có thể nhận thức được đúng sai nhưng không đủ niềm
tin vào bản thân, không đủ can đảm đi ngược xu hướng xã hội. Nên có người mê sư
phạm nhưng lại chọn kinh tế vì dễ xin việc, lương cao; hay chỉ giỏi nghề, hợp
làm thợ nhưng cố kiếm một tấm bằng đại học cho bằng vai phải lứa với bạn bè. Có
người biết xấu hổ khi bỏ tình yêu để chạy theo con gái của sếp nhưng vẫn chặc
lưỡi “thôi kệ, xã hội thiếu gì kẻ như mình”...
Tìm được niềm tin đã khó, giữ được niềm tin càng khó hơn. Muốn
dũng cảm chống lại những giáo lý CS và thể chế chính trị lạc hậu. Thế hệ trẻ
cần dũng cảm đấu tranh với chính mình để vượt qua nỗi sợ hãi dấn thân đấu tranh
vì một xã hội dân chủ tiến bộ. Ấy phải chăng mới là lòng quả cảm?