Bài học đầu tiên của tôi về đấu tranh – Kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Berlin năm 1990 |
Trước khi
sang lao động tại CHDC Đức(cũ), đoàn chúng tôi được ký hợp đồng về làm việc tại
nhà máy láp giáp xe ô tô IFA tại Postdam, cách thủ đô Berlin khoảng 40km. Đoàn
chúng tôi gồm có con em và cán bộ thuộc Bộ giáo dục, cán bộ của báo Nhân dân, đài
truyền hình VN, cựu chiến bình ở Campuchia.
Chiếc máy bay
IL 86 chở chúng tôi hạ cánh xuống Berlin vào sáng sớm một ngày cuối tháng 10
năm 1989. Người phiên dịch đã chờ sẵn và đón chúng tôi lên xe bus. Lên xe, mọi
người đều mệt mỏi và thiêm thiếp ngủ. Chừng khoảng 2 tiếng sau, gần như đồng
loạt mọi người bừng tỉnh. Vẫn thấy ngồi trên xe bus, một người trong nhóm chúng
tôi hỏi người phiên dịch là tại sao nơi chúng tôi đến chỉ cách sân bay khoảng
40km, mà đi tới 2 tiếng vẫn chưa tới. Anh ấy nói là tới đón chúng tôi và đưa về
làng Winten, của tỉnh Dresden, sát ngã 3 biên giới với Ba Lan và Tiệp Khắc cũ.
Chúng tôi đều buồn bã, vì đang háo hức được làm việc gần thủ đô, và sẽ có nhiều
cơ hội để đi thăm thủ đô hàng tuần .
Tới đầu giờ
chiều, chúng tôi được đưa về một làng quê hẻo lánh. Chúng tôi được ở trong một
chung cư mới xây dựng, 6 người một căn hộ. Thực phẩm gồm thịt gà, bò, bánh mì,
hoa quả đều có sẵn trong trong tủ lạnh và trên bàn ăn. Tất cả mọi thứ đều hoàn
hảo.
Ngay buổi tối
hôm đó, những cựu cán bộ của báo Nhân dân và đài THVN đã mời tất cả chúng tôi
xuống hội trường của chung cư để họp. Họ cầm trong tay bản hợp đồng(nhóm chúng
tôi không được cầm hợp đồng), và nói là chúng ta đã bị sứ quán VN tại Berlin lừa
và đánh tráo. Theo hợp đồng, chúng ta sẽ về ngoại ô Berlin, nhưng họ đã cho
chúng ta về đây, và đưa một đoàn khác về đó. Chúng ta muốn về Berlin, chỉ có
cách là đấu tranh: gửi thứ khiếu nại lên ĐSQ và cương quyết không đi khám bệnh,
không đi học tiếng Đức.
Nhóm cựu cán
bộ báo ND và đài THVN đồng lòng đấu tranh với phương châm: một là về Berlin,
hai là về Hà Nội. Nhóm chúng tôi là con em của Bộ giáo dục, phần lớn là những
người trẻ, nên không dám. Nhóm cựu chiến binh thì họ nói chỉ tuân lệnh cấp
trên, nên họ không đấu tranh.
Một tuần sau,
vào buổi chiều khi chúng tôi đi học tiếng Đức về thì thấy cả khu chung cư im
lặng( những ngày trước đó, nhóm cựu cán bộ luôn làm náo động khu chung cư suốt
cả ngày). Chúng tôi nói với nhau, chắc là họ bị bắt đưa về Hà Nội rồi.
Khi lên tới
cửa phòng, chúng tôi thấy họ để lại mảnh giấy với lời nhắn “tạm biệt anh em,
chúng tôi được xe bus tới đón đi, chưa biết đi đâu, hẹn 2 ngày sau liên lạc
lại.”
Buổi tối hai
ngày sau đó, người bảo vệ chung cư gọi chúng tôi xuống nghe điện thoại. Tôi vừa
nhấc điện thoại đã nghe tiếng cười sảng khoái và một anh cựu cán bộ nói: “chúng
tao đấu tranh đã được về Postdam theo đúng hợp đồng, người dân Đức cũng đang
đấu tranh để thay đổi chế độ, bọn sứ quán VN không dám đàn áp đâu. Anh em hãy
dũng cảm đấu tranh để đòi quyền lợi của mình. Chúc thành công và hẹn gặp nhau ở
Berlin.”
Nhóm chúng
tôi mời nhóm cựu chiến binh cùng họp để quyết định xem có nên đấu tranh hay
không. Nhóm chúng tôi có gần 30 người, đều là thanh niên và một số cán bộ bất
mãn chế độ, nên rất háo hức được về Berlin. Nên chúng tôi quyết định đấu tranh,
không đi học tiếng Đức, gửi thư khiếu nại lên SQ và ở nhà chờ quyết định của
họ. Nhóm cựu chiến binh thì từ chối đấu tranh.
Trước đó,
chúng tôi được thay ga, chăn và phát tiền ăn hàng tuần. Nhưng từ hôm đấu tranh,
bị cắt tất cả mọi thứ. Cũng may, là mọi người đều có người thân và bạn bè đang
làm việc ở Đức, nên được họ giúp đỡ. SQ nhiều lần cử cán bộ xuống thuyết phục
chúng tôi không nên đấu tranh và chấp nhận ở lại đó, vì ở nhà máy IFA ở Postdam
không còn chỗ cho chúng tôi. Chúng tôi cự tuyệt lời khuyên của họ, và cương
quyết yêu cầu họ phải tìm một nhà máy khác ở Berlin cho chúng tôi.
Hơn một tháng
đấu tranh và chờ đợi, cuối cùng SQVN đã tìm được một nhà máy ở ngay trung tâm
Berlin chịu nhận chúng tôi.
Chúng tôi tới
Berlin trong niềm vui của người chiến thắng và niềm vui chung với người Đức khi
bức tường Berlin sụp đổ. Chúng tôi được đón mùa Giáng Sinh vui vẻ đầu tiên ở
Berlin.
Đó là bài học
đầu tiên của tôi về đấu tranh khi gặp phải bất công.
0 nhận xét