Cuốn album của cô Phấn

Cô Đinh Thị Kim Phấn là giáo viên tiểu học, ngụ quận 1, TP.HCM, nay đã về hưu. Cô nhận phụ trách lớp học chữ dành cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Cô Kim Phấn (đứng, bìa trái), các tình nguyện viên và lớp học “trọc đầu” - Ảnh: M.H.
Cô Kim Phấn (đứng, bìa trái), các tình nguyện viên và lớp học “trọc đầu” - Ảnh: M.H.
“Khi đến với lớp, được học, được chơi với cô và bạn bè mới là lúc bệnh nhi sống trong tuổi thơ thực có
Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn
Nhiều người thắc mắc tại sao buổi học nào cô Phấn cũng chụp ảnh học trò, chỗ đâu mà để cho hết. Cô bảo: “Mỗi em nhỏ đều có những câu chuyện và ước mơ riêng. Tâm hồn trẻ thơ và nghị lực sống tới giây phút cuối cùng đáng quý quá nên phải được lưu lại”.
Cô Phấn tranh thủ chụp ảnh lúc bệnh nhi múa hát, tập viết, trò chuyện với bạn bè, tâm điểm là những biểu cảm ngộ nghĩnh, ánh mắt và nụ cười hồn nhiên. 
Kết thúc buổi học, cô sắp xếp ảnh theo thư mục ngày tháng rõ ràng, ghi chú tỉ mẩn. Cô tổng hợp ảnh, viết lại nhật ký và ước mơ của mỗi bệnh nhi. Những ngày lớp đông vui quá, số ảnh lên cả hơn 300 tấm. Album ảnh hiện giờ ước tính lên đến cả 1.000 GB.
Ngày bệnh nhi qua đời, cô lấy cuốn tập đi học ra, kiểm tra ngày tháng đến lớp và tìm lại ảnh của các em theo tên thư mục.
Gom lại, mỗi bệnh nhi có một quyển album riêng cho mình từ lúc bắt đầu đi học cho đến ngày kết thúc. Kèm theo đó, sách vở, tranh vẽ, thiệp, thư của các em cũng được tập hợp để gửi về tận nhà cho cha mẹ như một di vật vô giá.
Cô Phấn nhớ rõ hành trình sống của bệnh nhi từ thời gian vào viện, buổi đầu tới lớp, thời điểm phẫu thuật, tình trạng chuyển biến xấu, ngày nhận bằng khen và ngày mãi mãi rời xa cô. Album ảnh cũng như cuốn sổ để cô theo dõi bệnh tình của học trò.
Cứ thế, câu chuyện về các học trò đi qua đời cô Phấn “sống lại như in trong ký ức, thuộc hơn cả cửu chương”, mở ảnh đến đâu, cô kể chuyện đến đó.
Ví như Phan Anh Trường, ngày về Bình Định thăm mộ em (tháng 5-2014), cô Phấn mang theo bộ ảnh và sách vở. Mẹ của Trường lặng người đi.

Nhìn khoảnh khắc con từng vui sống, mẹ Trường bán vé số ở chợ Bến Thành lại ước mơ có tiền để quay lại chính phòng bệnh, giường bệnh của con để giúp các bệnh nhi khác. 
Hay Hồ Khương Đằng (mất tháng 9-2013), một cậu bé sau khi phải phẫu thuật cắt dần tứ chi nhưng luôn lạc quan học tập, vui chơi tới ngày cuối cùng. Bộ ảnh của em đã chạm tới cảm xúc sâu thẳm của người xem. Đó là nụ cười và ánh mắt đập tan mọi đau đớn, quằn quại của bệnh tật.
Thấy cô Phấn chụp lại ảnh của con mình đang học, anh Nguyễn Ngọc Hậu (Tiền Giang) tâm sự: “Nhìn những tấm ảnh, trong đầu tôi chỉ nhói lên một ý nghĩ rằng mọi khổ đau rồi cũng qua, những khoảnh khắc cuộc sống quý giá sẽ làm động lực để bước tiếp. Cảm ơn cô Phấn và lớp học chữ đã viết tiếp sự học dang dở của con và giúp cha mẹ như chúng tôi lưu lại những bức ảnh quý giá”.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.