Hàng trăm tiểu thương ngỡ ngàng vì "trát" đòi nợ thuế
Hàng trăm tiểu thương chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) vừa bất ngờ nhận được “trát” đòi nợ từ Chi cục Thuế quận 1 với số tiền từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng.
Hàng trăm tiểu thương chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) bức xúc vì đột nhiên nhận được thông báo nợ thuế - Ảnh: A.H. |
Số tiền không lớn nhưng đã gây bức xúc với nhiều tiểu thương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các tiểu thương này đều khẳng định họ rất bất ngờ vì từ trước đến nay họ không nợ thuế.
Không biết nợ khi nào
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, bán vải tại chợ Tân Định, kể vừa nhận được thông báo nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp từ Chi cục Thuế quận 1. Thông báo ghi “căn cứ vào dữ liệu tại cơ quan thuế về tình hình kê khai và nộp thuế, tính đến 31-7 số tiền bà Tâm chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước là hơn 1,768 triệu đồng”.
Trong đó cơ quan thuế tách ra làm hai khoản. Một khoản là tính đến 30-6, trong khoản này số tiền thuế, tiền phạt là 0 đồng nhưng tiền phạt chậm nộp là 898.829 đồng. Còn một khoản là từ 1-7 đến 31-7, trong khoản này cơ quan thuế liệt kê số tiền thuế, tiền phạt là 840.000 đồng, tiền chậm nộp là 30.150 đồng.
“Thông báo không rõ ràng vì chỉ ghi là khoản nợ tính đến 30-6 nhưng không rõ là tính từ thời điểm nào. Trong khi từ trước đến nay lúc nào tôi cũng nộp đầy đủ và đúng hạn”, bà Tâm bức xúc.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Bà Nguyễn Anh Loan, bán vải tại mặt A chợ Tân Định, nói mấy chục năm kinh doanh luôn đóng thuế sau ngày 20 hằng tháng, thế nhưng cũng nhận thông báo phạt 68.906 đồng.
“Trong thông báo gửi cho tôi, cơ quan thuế yêu cầu tôi phải nộp ngay số tiền trên vào ngân sách vì đây là số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế. Tôi rất sốc khi nhận thông báo này”, bà Loan cho hay.
Điều kỳ lạ là hai sạp cạnh nhau, cùng mặt bằng và chung sở hữu của một gia đình, luôn nộp thuế một lần nhưng số tiền phạt lại khác nhau như trường hợp sạp 330 của bà Nguyễn Thị Thu Tâm và sạp 328 của bà Nguyễn Dương Thùy Phương.
Trong khi bà Phương bị phạt 3,768 triệu đồng thì bà Tâm bị phạt 1,768 triệu đồng. Tương tự, sạp của bà Trần Thị Chính và ông Võ Thành Lực tuy chung một chủ nhưng mức phạt cũng khác nhau. Ông Võ Thành Lực chỉ bị phạt 2.522 đồng, còn bà Chính bị phạt đến 527.765 đồng.
Bà Vũ Thị Lệ Trinh, tiểu thương tại chợ Tân Định, nói nếu tiểu thương có nợ thuế hoặc bị phạt thì cơ quan thuế phải thông báo ngay, sao lại để đến bây giờ mới thông báo. “Chúng tôi mong cơ quan thuế có giải thích rõ ràng”, bà Trinh nói.
Do bức xúc, nhiều hộ đã đến trực tiếp Chi cục Thuế quận 1 yêu cầu giải thích. Chị Út, bán tạp hóa tại chợ Tân Định, nói cán bộ thuế giải thích với chị là khoản nợ của chị chỉ hơn 40.000 đồng, lại phát sinh khá lâu nên chị “thông cảm” đóng giúp.
“Tôi đã nói rằng dù số tiền đó không lớn nhưng nó ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Mặt khác, một mình tôi bị thì không sao chứ cả chợ ai cũng bị phát sinh nợ thì phải xem xét lại”, chị Út bức xúc.
Nhiều tiểu thương chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) bất ngờ vì nhận được thông báo nợ thuế - Ảnh A.H. |
Do thay đổi phần mềm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh, cục phó Cục Thuế TP.HCM kiêm chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, cho rằng gần đây ngành thuế chuyển sang phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS).
Trước đây do quản lý phân tán nên có những khoản mà hộ kinh doanh nộp chậm nhưng hệ thống chưa ghi nhận và tính tiền chậm nộp, nay hệ thống mới tự động cập nhật. Do vậy những khoản nợ mà cơ quan thuế thông báo cho tiểu thương là khoản nợ đã có từ rất lâu chứ không phải mới đây.
Số nợ hệ thống ghi nhận trên địa bàn quận 1 rất lớn, có đến 20.000 trên tổng số 28.000 doanh nghiệp, hộ cá nhân hệ thống ghi nhận nợ. Riêng chợ Tân Định có 657 trên tổng số 800 hộ có thông báo nợ thuế.
Tuy nhiên theo ông Minh, cơ quan thuế cũng xác nhận không phải khoản nợ nào hệ thống ghi nhận cũng đúng, bởi nhiều khoản nợ là nợ ảo hoặc do sai sót trên hệ thống.
“Vừa qua Chi cục Thuế quận 1 đã phát hành đến 20.000 thông báo nợ. Việc thông báo nợ này không nhằm mục đích “cưỡng chế” như cách hiểu của tiểu thương, doanh nghiệp mà nhằm để đối chiếu, so sánh giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, qua đó làm sạch hệ thống. Từ đó để chương trình TMS đi vào thực chất vì vừa qua sai sót rất nhiều”, ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Phan Văn Dũng, chi cục phó Chi cục Thuế quận 1, cho rằng do biết trước có sai sót nên ban lãnh đạo Chi cục Thuế đã quán triệt đến cán bộ thuế là khi phát thông báo phải đồng thời tiếp thu hết phản ảnh của người dân, doanh nghiệp và điều chỉnh ngay. Thực tế vừa qua cơ quan thuế đã điều chỉnh nhiều trường hợp rồi.
Thế nhưng có thể vì lý do nào đó mà tiểu thương chưa phản ảnh ngay. Sau khi nghe bức xúc từ tiểu thương, ngay tuần tới cơ quan thuế sẽ trực tiếp tới chợ để gặp và giải thích, đồng thời tiếp thu và rà soát lại số liệu.
Mẫu chung nên không điều chỉnh được (!?)
Về bức xúc của người dân liên quan đến từ ngữ trong thông báo nợ thuế, ông Lê Duy Minh, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết đã ghi nhận phản ảnh này nhưng do đây là mẫu chung của hệ thống nên không điều chỉnh được.
|
0 nhận xét