La mắng trước lớp chỉ làm mất mặt học trò
Warren Eng (người Singapore), hiện đang là Hiệu trưởng trường Quốc tế ERC - Việt Nam kể lại một kỉ niệm không thể nào quên thời trung học.
Thầy và trò thích thú khi thảo luận nhóm - Ảnh: Khoa Nguyễn |
Khi học lớp 6, trong một tiết học, Warren đang rất cố gắng, hết sức tập trung hoàn thành bức vẽ một cái cây của mình. Thầy giáo lúc này bước đến, cầm bức vẽ lên trước lớp và nói: “Em vẽ không đẹp. Em không bao giờ trở thành họa sĩ được”.
Với Warren, đó là một cú sốc rất lớn với cậu bé lớp 6 yêu vẽ.
Warren từ bỏ hẳn việc vẽ và mãi rất lâu sau đó, đến hơn khi hơn 20 mấy tuổi, khi đã chín chắn và cứng rắn hơn rất nhiều, ông mới dám cầm lại bút màu để vẽ. Và bây giờ, tuy đã gần 40 tuổi rồi, ông nói mình vẫn cảm thấy tổn thương bởi lời nhận xét của người thầy thuở trước. Mỗi khi cầm cọ, ông không tránh khỏi sự ngại ngùng.
Theo ông Warren, việc la mắng, phê bình học sinh trước lớp chỉ có thể giải quyết, chấm dứt hành động ngay giây phút đó nhưng về dài lâu thì còn có thể mang hậu quả xấu. Ở trường hợp của ông, Warren nói nếu thầy giáo nói riêng và góp ý chân thật thì Warren đã dễ dàng chấp nhận rằng vẽ không phải thế mạnh, nhưng cũng không sợ hãi nó đến thế.
Nhớ mãi cậu học trò ít nói
Trong con đường làm giáo dục của mình, Warren cho biết có không ít trường hợp giải quyết thành công các mâu thuẫn, vấn đề học sinh - giáo viên nhờ phương pháp nghệ thuật trong khen chê.
Câu chuyện về cậu học trò ít nói khiến ông nhớ mãi. Trước đây tại lớp học của Warren có một cậu học trò hay im lặng rất ít phát biểu hay nói chuyện với các bạn.
Warren và các giáo viên hoàn toàn có thể phê bình sự im lặng, thụ động của cậu học trò trước lớp nhưng ông đã chọn cách khác.
“Tôi bắt đầu tìm hiểu, bắt chuyện, làm quen để hiểu tại sao thì biết được một trong những lí do là khi ở trường cũ cậu hay bị bạn bè chê bai, chọc ghẹo nên thiếu tự tin” - Warren kể.
Warren biết được bạn này rất giỏi bóng bàn, cùng sở thích với ông. Thế là sau giờ lên lớp, ông chủ động cùng cậu học trò ấy chơi thể thao, cùng tâm sự về cuộc sống, gia đình như thế nào, ý nghĩa cuộc đời…
Cậu sinh viên mở lòng và bớt cô độc. Sau 6 tháng, phụ huynh đến trường và chia sẻ niềm vui khi cậu này đã hoàn toàn khác, về nhà vui vẻ, nói chuyện với bạn bè…
Vừa kể Warren vừa khoe, mới tuần trước, cậu học trò ấy gọi điện thoại qua viber từ Ấn Độ cho Warren, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ tình hình làm việc, áp lực công việc ra sao làm cho ông rất vui.
Cậu ấy hiện đang làm ở vị trí quản lý chiến lược, phát triển cho một công ty lớn đa quốc gia tại (Singapore, Ấn độ, Việt Nam…). Với Warren, đây là câu chuyện ý nghĩa nhất trong sự nghiệp giáo dục của ông.
Khoanh tay, nhìn chằm chằm, học sinh tự khắc “ngọ nguậy”
Giảng viên người Mỹ Paul Sorensen cho biết: “Văn hóa Châu Á rất coi trọng sĩ diện một người. Theo tôi việc la mắng học sinh trước lớp chỉ làm mất mặt, chứ không giúp được gì cho họ. Ví dụ khi có học sinh nào cư xử không phải trong lớp, tôi chỉ im lặng và khoanh tay, nhìn chằm chằm vào họ thì tự khắc họ sẽ… nhột, “ngọ nguậy” và hiểu mình đang cư xử không đúng”.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm, ở đất nước ông, những giáo viên tốt khi muốn đưa ra bất kì nhận xét, khen chê nào với học trò đều phải chỉ rõ chi tiết điểm hay, điểm dở ở đâu. Điều này làm cơ sở cho học sinh có thể nhận ra điểm mạnh, yếu và tự cải thiện bản thân tốt hơn.
Victor Burrill, thạc sĩ người Anh, chia sẻ phương pháp giáo dục qua triết lí lợi ích và hậu quả ở nước ông: “Chúng tôi phân tích cho học trò những điểm lợi và những hậu quả không tốt. Ví dụ như nếu bạn không đến lớp, không học bài, bạn sẽ không đủ khả năng để thi. Đơn giản chúng tôi chỉ dạy học sinh hiểu về lợi ích và kết quả”. Phương pháp này hướng học sinh tự chịu trách nhiệm hành vi của mình từ đó sẽ tự hình thành nhận thức làm điều gì là tốt nhất.
Theo Victor, cách nói áp đặt “bạn phải làm thế này”, “bạn không được làm cái kia”… vô cùng hạn chế ở nước ông.
“Phương châm giáo dục của tôi là phải khen trước tập thể, còn cho những ý kiến, nhận xét không tích cực thì nên gặp riêng. Chê công khai mặt tốt là giải quyết ngay vấn đề, nhưng có thể gây sốc cho học trò, dẫn đến phản ứng tiêu cực về sau vì lúc này các em chưa chín chắn nên còn nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các đóng góp tiêu cực” - Warren chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông, cách khen cần phải đúng thời điểm, đúng lý do, đúng hiệu quả tính chất công việc, thì mới thực sự có tác dụng cổ vũ học sinh tư duy, phát triển. Một điều quan trọng hơn hết chính là dù khen hay chê đều phải làm rõ với trò là tại sao, tốt hay xấu ở điểm nào chứ không thể chung chung được.
0 nhận xét