Lại đề xuất tách kỳ thi “hai trong một”

Đa số ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đề nghị Bộ GD-ĐT nên tách hai kỳ thi độc lập trở lại.
Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Văn Lang - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Văn Lang - Ảnh: Như Hùng
Hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện các trường ĐH, THPT, các chuyên gia giáo dục đã kéo dài bất thường từ 8g30 đến 13g chiều 28-10.
Dù ghi nhận quyết tâm của Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi “hai trong một” sớm hơn hai năm so với lộ trình, nhưng bất ngờ đa số ý kiến từ các chuyên gia tại hội thảo lại đề nghị Bộ GD-ĐT nên tách hai kỳ thi độc lập trở lại khi kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã lộ rõ bất cập vì phải cố gò mình cho hai mục tiêu không thể đồng nhất: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Trường đòi tự chủ, bộ nói “đã giao”
PGS.TS Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông - chỉ ra hai điểm không logic trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015.
Thứ nhất, các trường đã được thực hiện nhiều phương án tuyển sinh khác nhau, có trường dùng kết quả thi THPT quốc gia, có trường sử dụng kết quả học tập THPT... nhưng bộ vẫn khăng khăng đưa ra điểm sàn một cách vô ích, không cần thiết, không còn ý nghĩa của điểm sàn.
Thứ hai, bộ đã thiết kế quy trình tỉ mỉ cho tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng lại tự động tham gia vào quá nhiều khâu của quá trình đó, nên cuối cùng phải tự nhận “không lường hết”, gây hoang mang, lo lắng, bức xúc cho xã hội, thí sinh, nhà trường.

“Nguyên nhân có thể do Bộ GD-ĐT quá cầu toàn, đặt yêu cầu quá cao nhưng lại thiếu tin tưởng vào địa phương, vào các sở GD-ĐT, các nhà trường nên ra sức làm thay cơ sở”- ông Dụ nhấn mạnh.
Trong khi đó, từ góc nhìn của người làm giáo dục phổ thông, PGS Văn Như Cương - chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh - cho rằng nguyên nhân cho mọi rắc rối, bất cập của kỳ thi THPT quốc gia, của tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua chính là do Bộ GD-ĐT đã “ôm” hết mọi việc - mà đáng lẽ phải giao cho cơ sở đào tạo - một cách rất vô lý.
Nếu nói công việc từ A đến Z của giáo dục phổ thông là từ giáo dục mầm non, phổ thông, thi tốt nghiệp THPT thì hầu như bộ giao hết cho sở, cho trường, nhưng lại “chừa ra phần Z”, còn công việc từ A đến Z của giáo dục ĐH là đầu vào, xây dựng chương trình, đào tạo, tốt nghiệp, cấp bằng thì bộ giao cho các trường tự chủ hầu hết, nhưng vẫn cố “nắm lấy phần A”.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh ông “không đồng tình với ý kiến của PGS Văn Như Cương”, khi PGS Văn Như Cương cho rằng bộ đã ôm đồm quá nhiều việc.
Theo ông Hùng, bộ đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường và thực tế nhiều trường đã thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình bằng cách lập đề án tuyển sinh riêng không chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia mà có thể tuyển sinh qua học bạ.
Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - cũng cho rằng bộ đã giao tự chủ tuyển sinh cho các trường từ năm 2013 khi các trường không bị ép buộc chỉ dùng kết quả kỳ thi quốc gia cho tuyển sinh đầu vào.
PGS.TS Bùi Thiện Dụ - Ảnh: Trường Xuân
   
    
     
      Bộ GD-ĐT quá cầu toàn, đặt yêu cầu quá cao nhưng lại thiếu tin tưởng vào địa phương, vào các sở GD-ĐT, các nhà trường nên ra sức làm thay cơ sở
PGS.TS Bùi Thiện Dụ - Ảnh: Trường Xuân
Bộ GD-ĐT quá cầu toàn, đặt yêu cầu quá cao nhưng lại thiếu tin tưởng vào địa phương, vào các sở GD-ĐT, các nhà trường nên ra sức làm thay cơ sở
PGS.TS Mai Văn Trinh - Ảnh: Trường Xuân
   
    
     
      Việc nói ghép hai kỳ thi thành một là cách nói không trọn vẹn, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi
PGS.TS Mai Văn Trinh - Ảnh: Trường Xuân
Việc nói ghép hai kỳ thi thành một là cách nói không trọn vẹn, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi
“Không phải kỳ thi hai trong một”
Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT khi có quá nhiều ý kiến nhận định và chất vấn kỳ thi THPT quốc gia đã không dung hòa nổi hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
PGS.TS Bùi Thiện Dụ đề xuất giải pháp tốt nhất là bộ không nên cố nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Theo đó, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên thuần túy là kỳ thi cuối cấp do các trường, cụm trường THPT tổ chức dưới sự phụ trách của sở, phòng GD-ĐT. Còn tuyển sinh ĐH, CĐ giao cho các trường tự chủ dù chỉ là “tự chủ tương đối”, vì vẫn phải tuân theo các tiêu chí do chính Bộ GD-ĐT đặt ra với điểm sàn duy nhất chính là bằng tốt nghiệp THPT.
“Xã hội cần yên tâm rằng các trường phổ thông sẽ làm tốt việc đó vì chúng ta đã giao cho họ công việc còn lớn hơn nhiều là đào tạo cả 12 năm học, tại sao lại không tin họ sẽ làm tốt một kỳ thi cuối khóa”- ông Dụ lập luận.
Trước những ý kiến cho rằng kỳ thi “hai trong một” đã bị ghép lại một cách gượng ép, không hiệu quả của các chuyên gia giáo dục, ông Mai Văn Trinh khẳng định việc nói ghép hai kỳ thi thành một là “cách nói không trọn vẹn, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi”.
Theo ông Trinh, sau 12 năm học THPT cần có thang đánh giá để xem học sinh đứng ở đâu, cần kết hợp đánh giá quá trình học tập, kiểm tra để xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH, CĐ thì có căn cứ để trường tự chủ tuyển sinh.
“Do đó, kỳ thi quốc gia không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng không phải tuyển sinh ĐH, CĐ và càng không phải kỳ thi hai trong một”- ông Trinh nhấn mạnh.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.