Số phận một bản di chúc
Bản di chúc được cụ C. làm ngay tại bệnh viện, chỉ 2 giờ trước khi cụ qua đời đã khiến các con của cụ đưa nhau đến tòa nhờ phân xử.
Phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp thừa kế theo di chúc được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. Tài sản tranh chấp là căn nhà trên mảnh đất rộng gần 100m2 tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Thế nhưng khối tài sản ấy không được nhắc đến nhiều, mà vấn đề được nhắc đi nhắc lại suốt phiên tòa là một buổi chiều tại Viện Truyền máu - huyết học trung ương - nơi bản di chúc được lập hai giờ trước khi người lập di chúc qua đời.
Đại diện bị đơn trình bày lý do kháng cáo: “Buổi chiều hôm ấy bố tôi hấp hối, sức khỏe yếu. Cuối tuần bệnh viện lại không có bác sĩ trực nên tôi xin cho bố tôi về nhà.
Khi bố tôi nôn ra máu, tôi mang bô ra nhà vệ sinh đổ, khi vào lại thì thấy người cùng phòng bảo có người vào dựng bố tôi dậy, bảo ký vào giấy tờ gì đó. Khi xe của bệnh viện đưa bố tôi về đến nhà, tôi tháo bình oxy trả cho bệnh viện thì bố tôi ra đi.
Bản di chúc được ký trong tình trạng bố tôi hấp hối, không còn minh mẫn, không hợp pháp, vì vậy tôi không chấp nhận…”.
Người lập bản di chúc cách đây hơn bốn năm là cụ V.V.C.. Cụ C. có ba người con với người vợ đầu tiên, nhưng hai người con lần lượt mất năm 1975 và 2005. Sau khi ly hôn với người vợ đầu, cụ C. kết hôn với người vợ thứ hai nhưng không có con ruột, chỉ có một con trai nuôi.
Tháng 8-2010, cụ C. nhập viện vì bệnh suy tủy xương và viêm gan C. Ngày 7-8-2010, cụ ký tên vào bản di chúc giao lại ngôi nhà trên mảnh đất rộng gần 100m2 ở huyện Đông Anh cho con gái của người vợ đầu quản lý làm nơi thờ cúng mà không được quyền bán hay sang nhượng.
Cũng trong ngày này, cụ C. qua đời. Gần một tháng sau khi cụ mất, người con gái khởi kiện người con nuôi của cụ, yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì cho rằng sau khi cụ C. mất, người con nuôi đã gây sức ép, buộc chị ruột của cụ C. (người được cụ nhờ giữ giấy chứng nhận) phải đưa sổ đỏ cho mình và khư khư giữ sổ mà không chịu thực thi bản di chúc.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Anh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thực hiện theo di chúc cụ C. để lại…
Không đồng tình phán quyết của tòa, bị đơn kháng cáo. Cũng giống như ở phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều không đến tòa mà ủy quyền cho người đại diện tham gia.
Nguyên đơn ủy quyền cho luật sư, bị đơn ủy quyền cho vợ mình - là người ở bệnh viện chăm sóc cụ C. những ngày cuối đời.
Trình bày trước tòa, bị đơn đưa ra rất nhiều lý lẽ: “Bố tôi ốm nặng không còn minh mẫn, tôi trông bố 24/24 giờ, bố tôi nhờ văn phòng công chứng lập di chúc tại sao tôi không biết? Có người cùng phòng ở bệnh viện xác nhận việc bố tôi bị ép ký vào di chúc, chẳng lẽ tòa vẫn chấp nhận?”…
Đáp lại rất nhiều lý lẽ của bị đơn, nguyên đơn chỉ nói ngắn gọn: “Di chúc được lập hợp pháp, có công chứng và người làm chứng rõ ràng, đề nghị tòa tuyên theo đúng pháp luật”.
Tòa đặt vấn đề người xác nhận nói lúc ký vào bản di chúc không ai đọc lại nội dung cho cụ C. nghe, nếu không đọc nội dung thì tại sao người bệnh cùng phòng lại biết đó là bản di chúc?
Tòa công bố giấy tờ của bệnh viện thể hiện hôm ra viện cụ C. tỉnh táo, tiếp xúc bình thường, vì vậy không thể nói cụ C. không minh mẫn khi lập bản di chúc. Vì những lý lẽ ấy, tòa tuyên bác kháng cáo của bị đơn, y án sơ thẩm.
“Tôi sẽ kháng cáo lên TAND tối cao. Tôi không thể nào để mất đất dễ dàng như vậy…” - bị đơn nói sau khi rời khỏi phòng xử.
Có lẽ trước khi qua đời, cụ C. không thể ngờ được rằng tài sản do cụ để lại lại là khởi nguồn chuỗi ngày “đáo tụng đình” của các con, mà chưa hẳn sau phiên tòa phúc thẩm này đã chấm dứt…
|
0 nhận xét