Khi nhà giáo “mổ xẻ” chuyện lạm thu
Cuộc họp nóng lên với những chia sẻ của ông Phạm Ngọc Thạch: “Ngày xưa thấy thầy giáo ở đâu là vòng tay cúi chào, bây giờ hình ảnh thiêng liêng ấy đang bị tổn thương vì chuyện tiền bạc”.
Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) là một trong nhiều trường được xác định là lạm thu - Ảnh: B.D. |
Trước việc liên tiếp xảy ra tình trạng lạm thu ở nhiều trường học, sáng 13-11 giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch đã phải triệu tập các phòng giáo dục, các trường lớn ở tỉnh Gia Lai để bàn thảo việc chấm dứt tình trạng phụ huynh còng lưng đóng góp những khoản phí bất hợp lý.
Cuộc họp nóng lên với những chia sẻ của ông Phạm Ngọc Thạch: “Ông bà ta xưa có câu “Nho - y - lý - số”. Ngày xưa người ta tôn kính nhà giáo lắm, thấy thầy giáo ở đâu là vòng tay cúi chào nhưng bây giờ hình ảnh thiêng liêng ấy đang bị tổn thương vì chuyện tiền bạc”.
“Tôi đi họp HĐND tỉnh, người ta “chửi” tôi ghê lắm, họ kêu tránh xa thầy giáo ra. Tôi hỏi vì sao thì họ nói là đứng gần sợ... lây virút. Mà virút gì các thầy ở đây biết không? Là virút... lạm thu đấy
|
Ông Phạm Ngọc Thạch |
Sờ đâu sai đó
Báo cáo trước các nhà giáo về công tác thanh tra, kiểm tra thu chi tài chính ở các trường học trên địa bàn tỉnh, ông Phan Văn Của - chánh thanh tra Sở GD-ĐT Gia Lai - nói: “Năm học 2014 - 2015 chúng tôi tổ chức thanh tra 12 trường học thì phát hiện nhiều trường thu sai. Đầu năm học này (2015 - 2016) sở liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của các cơ quan báo chí, các đơn tố cáo lạm thu ở nhiều trường. Qua thanh tra bước đầu, tất cả các đơn vị được thanh tra đều phát hiện có sai phạm và bị đề nghị xử lý”.
Ông Của cho biết trong các sai phạm liên quan đến những khoản thu ngoài ngân sách (lạm thu) các trường đều chủ yếu rơi vào hai trường hợp chính: các khoản đóng góp “trên tinh thần tự nguyện” của cha mẹ học sinh và những khoản nhà trường được các tổ chức, cá nhân gửi tài trợ.
Dù sở đã có công văn hướng dẫn, quy định rõ ràng nhưng vẫn xảy ra các khoản thu rất khó hiểu như: thu tiền cắt tỉa cây cảnh, thu tiền mua khăn mặt, chậu rửa cho học sinh, thu tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất... Ám ảnh nhất đối với phụ huynh hiện nay là cụm từ “hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, quỹ khen thưởng”.
“Có trường tổng quỹ khen thưởng lên đến 200 triệu đồng, nhà trường đã thu rồi hội phụ huynh còn thu nữa. Chưa hết, Đoàn thanh niên cũng thu mà cùng chung một khoản: quỹ khen thưởng” - ông Của nói.
Cá biệt có nhiều trường tổng các khoản thu mà phụ huynh phải đóng lên tới 40 khoản, trong đó có khoản nghe qua hết sức vô lý như “thu tiền bồi dưỡng cho công an làm thêm ngoài giờ, giúp bảo vệ an ninh trường học”.
“Nói thật anh em chúng ta đẻ ra nhiều khoản thu quá, đè nặng lên đầu phụ huynh khiến lòng dân ta thán” - ông Của nói. Cũng theo ông Của, khi phát hiện sai phạm về thu chi sai quy định, các trường giải thích là “phụ huynh tự nguyện đóng góp” nhưng tìm hiểu mới biết cụm từ “tự nguyện” này mang rất nhiều nghĩa.
“Đúng là phụ huynh đồng ý đóng góp nhưng cách tổ chức lấy ý kiến cũng chưa dân chủ, nhiều phụ huynh chịu áp lực vì con cái học cùng lớp với con em có điều kiện, hoặc gật đầu theo quán tính, gật đầu đồng ý đóng góp vì... sĩ diện chứ không hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Các khoản thu cộng dồn lại là gánh nặng rất lớn lên các bậc cha mẹ có con em theo học” - ông Của phân tích.
“Tiền bạc là danh dự
của nhà giáo”
Nghe báo cáo về chuyện lạm thu xảy ra ở nhiều nơi, ông Phạm Ngọc Thạch đứng lên bục nói trong tâm tư: “Tôi nói thật với anh em ở đây chúng ta là nhà giáo với nhau cả. Cái nghề mình thiêng liêng lắm, dính đến chuyện tiền bạc là danh dự cũng không còn. Tôi đi họp HĐND tỉnh, đại biểu họ “chửi” tôi ghê lắm. Họ nói là các ông nhà giáo bây giờ cứ nhặt được cái gì là nhặt, ôm được cái gì là ôm, không tha không thả cái gì. Tôi xấu hổ lắm. Mà các đồng chí ở đây nghe thấy có buồn không chứ riêng tôi thì thấy người ta nói đúng. Vì trường nào cũng thu tiền rất nhiều, nhiều khoản thu không chấp nhận được!”.
Chia sẻ ở góc độ những người trực tiếp đề ra các khoản thu, đại diện các trường và các phòng giáo dục đều nói rằng dù đã có công văn, tinh thần hướng dẫn của sở, của tỉnh, của bộ rồi nhưng khi áp dụng vào thực tế để tổ chức thu các khoản ngoài ngân sách thì quả thật... quá khó.
Thầy Đặng Đình Chiến - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP Pleiku) - phát biểu: “Sở yêu cầu đầu tư cái gì cũng làm tờ trình gửi lên, nhưng không lẽ cái gì cũng phải xin? Cái một đồng, hai đồng nếu mà gửi đơn lên xin thì thời gian chờ đợi chắc... muốn xỉu! Như thế thì buộc phải có các khoản thu của phụ huynh để tạo kinh phí, quan trọng là mình làm thế nào cho đẹp mắt, đừng có dính dáng tư lợi, đừng làm điều gì khuất tất thì phụ huynh hiểu và họ sẵn sàng chia sẻ”.
Lấy ví dụ về chuyện huy động phụ huynh trên tinh thần “tự nguyện đóng góp”, đại diện một trường học tại huyện Đức Cơ kể: “Trường tôi dạy mấy chục năm rồi mà không có cổng. Mấy năm trước thấy khó coi quá, trường mời phụ huynh họp rồi xin tổ chức đóng góp. Vì phải tuân theo hướng dẫn là “không cào bằng, không áp đặt mức huy động” nên trường kêu gọi phụ huynh góp tự nguyện. Vậy là góp đi góp lại mãi vẫn chỉ được mấy triệu, không đủ xây cái trụ nên kế hoạch xây cổng bị hủy bỏ”. Đại diện nhiều trường học cũng nói rằng nguồn kinh phí cấp xuống các trường hiện nay quá thấp, trong khi các khoản chi cho hoạt động thường xuyên, nước nôi, hội hè... khá nhiều khiến nhà trường không biết xoay xở vào đâu nên đành phải huy động phụ huynh.
Trong sáng thì nhất định phụ huynh
sẽ ủng hộ
Ông Huỳnh Minh Thuận - phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai - nói rất chia sẻ với tình thế của các trường. Ông Thuận nói việc lạm thu xảy ra ở các trường học trong thời gian qua đã vô tình gây ảnh hưởng chung đến hình ảnh của sở cũng như tâm huyết của các trường.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, để chấm dứt tình trạng lạm thu, các trường phải cân nhắc kỹ và tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng phụ huynh, tâm tư và đời sống của từng em để tính toán mức thu hợp lý, trường hợp quá khó khăn thì phải miễn thu. Chủ trương chung là huy động xã hội hóa, không trông đợi hết vào ngân sách nhưng trên tinh thần hợp lý, kiên trì và trong sáng thì nhất định phụ huynh sẽ ủng hộ.
“Tôi đem câu chuyện lạm thu đó rồi đi vào các vùng sâu, vùng xa để tự mình đối chiếu, suy nghĩ. Ở những nơi đó học sinh đi học khổ lắm, cơm không đủ no, thầy cô vận động được một cháu đến lớp là mừng... muốn chết. Anh em đồng nghiệp mình ở đó khổ lắm, học trò mình đói, dân họ cũng nghèo mà dồn sức cho học hành. Còn ở những nơi có điều kiện một chút thì lại lạm thu. Làm nhà giáo thấy cảnh như thế sao không buồn cho nổi?” - ông Thạch chia sẻ.
|
0 nhận xét