Môn Sử có bị khai tử - học sao cho khỏi ngán?
Câu chuyện môn học
lịch sử nên tồn tại độc lập hay tích hợp tiếp tục làm dấy lên nhiều mối quan tâm về cách dạy sử và học sử sao cho hiệu quả.
Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu ý kiến của phụ huynh,
học sinh và các nhà chuyên môn.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM chọn mua sách sử - Ảnh: Như Hùng |
“Tôi nghĩ môn sử sẽ rất hấp dẫn học sinh nếu các thầy cô giáo giảng dạy bằng nhiều hình thức khác nhau, cho học sinh thấy được những cái hay, cái thú vị của sử chứ không chỉ những ngày, tháng, năm... của sự kiện này hay sự kiện kia. Môn sử sẽ còn hấp dẫn hơn nếu chúng tôi được làm bài kiểm tra hay thi cử bằng cách viết tiểu luận, thuyết trình, đóng kịch... chứ không phải học thuộc lòng rồi viết ra giấy như hiện nay
|
* GS Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):
Không nên giới hạn trong bốn bức tường
Tôi có xem sách giáo khoa lịch sử đang sử dụng cho vài nước như Pháp, Trung Quốc, thấy họ không viết sách giáo khoa theo lối dàn trải, nặng nề như ta. Mỗi thời kỳ, tùy theo yêu cầu của lứa tuổi học sinh, học chọn một số sự kiện, thành tựu tiêu biểu nhất để khắc họa sâu vào nhận thức của học sinh, còn tính hệ thống của lịch sử thì giới thiệu nhẹ nhàng bằng sơ đồ... rất dễ hiểu có tính minh họa cao. Nội dung đến hình thức đều tạo nên sự hấp dẫn, yêu thích của thế hệ trẻ.
Còn ở ta, như nhận xét của nhiều nhà sử học, sách giáo khoa lịch sử phổ thông gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt học sinh học. Sách giáo khoa vẫn trình bày dàn trải, la liệt các sự kiện, rất nặng nề, nhàm chán. Xét về mặt kiến thức, sách giáo khoa lịch sử vừa thừa lại vừa thiếu, thừa những cái không cần thiết, thiếu một số nội dung cơ bản, tiêu biểu.
Yêu cầu giáo dục lịch sử không dừng lại ở kiến thức mà làm sao để kiến thức thấm sâu vào nhận thức của học sinh, biến thành hiểu biết của chính các em một cách có hứng thú. Mỗi sự kiện lịch sử không còn là một mảng của quá khứ khô cứng với những niên đại, con số, diễn biến nặng nề mà là một bộ phận của lịch sử sống động qua bài giảng của thầy cô, qua giao lưu với học sinh.
Dạy lịch sử không giới hạn trong sách giáo khoa và bốn bức tường của lớp học mà cần mở rộng các hình thức như tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm, du khảo, dã ngoại... Giáo dục lịch sử trong trường phổ thông cần sự kết hợp với cả môi trường giáo dục của gia đình, xã hội, của các phương tiện thông tin đại chúng...
Để việc giáo dục lịch sử ở cấp phổ thông có vị thế xứng đáng, đó phải là môn học độc lập bên cạnh các môn toán, ngữ văn... Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần rà soát để đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên... để có định hướng cho môn học này.
* Ông Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc):
Không phải là độc lập hay tích hợp
Tôi cho rằng bản chất vấn đề hiện nay không phải tranh luận để môn sử độc lập hay tích hợp vào với môn khác. Cái chính - quan trọng hơn là cần xem lại nội dung chương trình và cách dạy sử trong trường phổ thông hiện nay. Ví dụ: Tại sao môn sử làm cho học sinh chán? Tại sao việc giảng dạy môn sử chỉ tập trung vào mục tiêu kiểm tra, thi cử? Tại sao môn sử không tạo được sự hứng khởi cho người học?...
Ai cũng hiểu mục tiêu của giáo dục là xây dựng kiến thức, tri thức, kỹ năng để người học có thể sống trong thời đại hôm nay. Thế thì môn sử cũng phải đáp ứng những yêu cầu đó chứ không thể chỉ dạy cho học sinh những sự kiện và ý nghĩa của thời quá khứ.
Chúng ta đang tham khảo và học hỏi nước ngoài về cách dạy sử. Thế thì chúng ta cũng nên học tập họ về cách thiết kế môn học này. Ví dụ như ở Úc, bậc tiểu học họ dạy sử cho học sinh bằng những vấn đề rất gần gũi và thiết thực, vừa tầm tri thức của trẻ như lịch sử gia đình: cha mẹ là người sinh ra con, ông bà là người sinh ra cha mẹ... Lên cấp cao hơn thì họ yêu cầu học sinh phải tự tìm hiểu vấn đề trước khi giáo viên môn sử truyền tải kiến thức bài mới. Tức là họ yêu cầu học sinh học sử một cách chủ động chứ không áp đặt các em phải học thuộc lòng trong sách giáo khoa...
Sao lại mắng thằng bé!
Con gái tôi vừa học hết lớp 12 ở VN cách đây vài tháng và giờ đang học đại học tại Mỹ. Học kỳ này, môn lịch sử Mỹ như một môn học bắt buộc trong số các môn chung cho mọi sinh viên của trường.
Thật ra, việc học lịch sử Mỹ cho học kỳ đầu tiên trên đất Mỹ chẳng phải là điều mà con bé mong muốn. Do chậm chân (vì chưa quen cách đăng ký môn học ở Mỹ), vuột mất cơ hội học các môn đúng ngành của mình, nên đành phải chọn học trước các môn phụ, trong đó có môn lịch sử Mỹ. Khi phải đăng ký môn này vì không còn môn nào khác, con bé cứ bực mãi vì không đúng ý nguyện.
Học miễn cưỡng, vậy mà chỉ mới gần một học kỳ thôi mà tôi thấy con đã hiểu biết rất nhiều về lịch sử nước Mỹ. Không chỉ là biết những sự kiện, mà là hiểu những vấn đề của nước Mỹ (người da đen, người nhập cư, giải phóng phụ nữ, quyền con người, kỳ thị chủng tộc, vai trò của nước Mỹ trong hai cuộc thế chiến, vị trí nước Mỹ hiện nay trên thế giới...).
Sao chỉ mới có một thời gian ngắn mà tiến bộ như vậy? Con gái nói con phải làm bài rất nhiều: trắc nghiệm kiểm tra kiến thức sau mỗi chương, viết bài luận sau khi học xong một giai đoạn lịch sử, và quan trọng hơn cả là phải thảo luận về bài học, tự đưa ra quan điểm và lập luận, chứng cứ lịch sử để bảo vệ quan điểm của mình.
Con gái tôi có thích môn học ấy không? Không, nó không thích, học là do bị bắt buộc thôi. Con bé kêu học môn này vất vả quá, môn phụ mà tốn rất nhiều thì giờ, phải đọc rất nhiều sách báo để vô lớp thảo luận và viết bài, trong khi tiếng Anh của con thì chưa giỏi. Nhưng rõ ràng tôi thấy con gái cũng rất hào hứng khi nói lên một vấn đề nào đó mà nó quan tâm và có quan điểm riêng. Ví dụ, việc sở hữu súng ở Mỹ, nên hay không nên? Và để bảo vệ quan điểm của mình khi tranh luận, con bé tự thấy có nhu cầu phải tìm và đọc rất nhiều.
Vậy hồi ở VN, con gái tôi có thích môn sử không? Ồ không, nói chung là không thích, vì “con ghét mấy môn học thuộc lòng lắm”. Nhưng riêng năm lớp 11, có một dạo tôi thấy con và một nhóm bạn suốt ngày học nhóm tại nhà tôi, bàn bạc, tìm thông tin trên mạng, kể cả những thông tin bằng tiếng Anh mà chúng phải dùng Google để vừa dịch vừa đoán, làm PowerPoint, lên cả YouTube lấy thêm phim tư liệu nước ngoài, rất chủ động và hào hứng. À thì ra tổ của con bé được phân công lên thuyết trình về Chiến tranh thế giới thứ hai, và con bé nhà tôi làm trưởng nhóm.
Và thật là kinh ngạc, lần đầu tiên tôi thấy con đem sách giáo khoa lịch sử ra đọc và hỏi tôi về các chi tiết và câu chữ trong bài học để có thể hiểu cặn kẽ hơn, “lỡ khi thuyết trình có đứa hỏi”. Bài thuyết trình ấy, tổ của con bé được 9 điểm, riêng con được điểm 10 vì là nhóm trưởng và có nhiều đóng góp (một tay con làm slide, chọn phim tư liệu, và là nhân vật chính để trả lời các câu hỏi trong phần thảo luận). Học kỳ ấy, điểm thi học kỳ môn sử của con bé cũng được 10 điểm, vì “con khỏi cần học cũng thuộc luôn, vì lúc làm thuyết trình đã đọc kỹ lắm rồi”.
Tôi đùa: “Điểm sử giỏi như vậy thì sau này thi khối C luôn nha” (con bé cũng có khiếu về môn văn), nhưng con le lưỡi, lắc đầu, sợ mấy cái môn đó lắm mẹ ơi. Rồi con bé kể cho tôi nghe câu chuyện của cậu bạn cùng lớp bị cô mắng thậm tệ như thế nào khi đưa ra một câu hỏi lệch lạc. Đó là hồi học về sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu (trong môn sử thế giới), cậu bạn trong lớp (một cậu con trai lúc ấy mới hơn 16 tuổi) có giơ tay hỏi: “Thưa cô, sao mấy nước theo CNXH toàn là nước nghèo vậy cô?”.
Một câu hỏi theo tôi là rất ngây thơ và là một thắc mắc tự nhiên của một cậu bé có quan sát và quan tâm đến các vấn đề của thế giới. Không có hàm ý gì cả. Nhưng, thật lạ là cô giáo lại mắng cậu bé rồi nói sang chuyện khác mà không trả lời câu hỏi của cậu bé.
Con bé tôi khi kể lại còn bình phẩm thêm: “Bạn hỏi như vậy vì bạn thắc mắc thật mà. Cô phải trả lời chứ, trả lời sao cũng được chứ sao lại mắng bạn ấy?”.
Sao lại mắng thằng bé? Tôi làm sao trả lời được câu hỏi đó của bọn trẻ!
|
0 nhận xét