Nhiều sinh viên phản ứng chuyện đi xa lâu phải khai báo

Đề xuất nam trong độ tuổi từ 18 đến 25 đi khỏi địa phương 15 ngày thì phải khai báo của đại diện Công an TP.HCM về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2015, lập tức bị nhiều sinh viên phản ứng.
Phạm Văn Huy (21 tuổi, ĐH Luật TP.HCM) - Ảnh Minh Huyền
Phạm Văn Huy (21 tuổi, ĐH Luật TP.HCM) - Ảnh Minh Huyền
Phần lớn bạn trẻ phản đối qui định này vì tính chất phiền hà và không khả thi trong công tác quản lý.
Theo bạn Phạm Văn Huy (21 tuổi, ĐH Luật TP.HCM), qui định này trái với luật cư trú (trích điều 32, khoản 2, luật Cư trú năm 2006: 2. Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng).
"Mặc dù mục đích đưa ra là để tránh tình trạng trốn đi khám sức khỏe, trốn nghĩa vụ quân sự nhưng trái với pháp luật thì không hợp lý. Giả sử nếu thực hiện thì cũng không khả thi đối với cơ quan chức năng và phiền hà cho người dân” - Huy bày tỏ.
Sao làm thủ công như vậy?
Bạn Võ Anh Vũ (21 tuổi, ĐH KHXHVNV TP.HCM) đặt câu hỏi: “Đâu thể quản lý một cách thủ công như vậy. Điều này trái với tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính. Chỉ cần một xã có hơn 100 thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, mỗi người đi khỏi địa phương theo một kiểu thì thêm nặng nề cho bộ máy chính quyền. Nói chung, không giải quyết được gì”.

Một độc giả tên Iu Khach trên TTO chia sẻ: “Không lẽ sinh viên đi thực tập 3-4 tuần như ở trường đại học cũng phải lên trường xin giấy rồi qua Công an khu vực thông báo? Nếu Công An khu vực bận đi công tác tỉnh hay đang nghỉ phép vài ba hôm chắc phải ngồi nhà đợi, khỏi đi thực tập. Rồi thanh niên đi xa nhà học nghề, đi xin việc (chưa chắc tìm được) thì cứ chốc chốc phải về sở tại xin phép? Kiểu này thì thật là phiền, cứ như trăm dâu đổ đầu tằm thôi!”.
Ở góc nhìn khác, độc giả Nguyễn Văn Phát  phân tích: "18-25 tuổi là tuổi lao động tạo ra sản phẩm làm giàu cho đất nước, trụ cột gia đình. Nếu cứ phải 15 ngày xin tạm vắng, tiền xe mất phải mấy trăm ngàn, vài ngày xin nghỉ ở công ty thì ai sẽ thay thế vào vị trí dây chuyền đó. Chắc phải nghỉ việc mất”. 
Còn bạn Phan Bảo Ngọc (20 tuổi, ĐH KHXH&NV): “Đề xuất trên hoàn toàn không hợp lý. Mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn khi đi khỏi địa phương có 15 ngày cũng phải khai báo, hơn nữa thủ tục hành chính giấy tờ của nước mình rất lằng nhằng, rối rắm, không biết chừng đi có 15 ngày mà làm cái giấy khai báo mất cả 1 tháng”.
Bạn trẻ đề xuất
Đỗ Trường (SV năm 2, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường CĐ Phát thanh truyền hình II) - Ảnh: Mỹ Nương
Đỗ Trường (SV năm 2, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường CĐ Phát thanh truyền hình II) - Ảnh: Mỹ Nương
Không đồng ý với phương thức trên, các bạn trẻ đã đề xuất những phương án giúp cho công tác tuyển chọn và kêu gọi công dân nhập ngũ được diễn ra theo đúng qui định của pháp luật.
Cho rằng khoảng thời gian 15 ngày là không hợp lý, bạn Đỗ Trường (20 tuổi, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường CĐ Phát thanh truyền hình II) nêu: “Theo tôi nên là 6 tháng vì đó là thời gian có thể quản lí được".
Theo Tuấn Khanh (20 tuổi, ĐH Sư Phạm), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân của thanh niên hiện nay còn kém, phần còn lại chính là do chính sách của nước ta còn khá nhiều bất cập.
Bạn Khanh đề xuất: "Thay vì hai năm thì nhà nước nên chia thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thành những khoảng ngắn và xen kẽ trong thời gian thanh niên còn đang đi học. Điều này sẽ làm cho học sinh, thanh niên luôn có ý thức về nghĩa vụ của mình với đất nước, được rèn luyện và trau dồi các kĩ năng thường xuyên và đồng thời giảm được phần nào ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ các chiến sĩ trong thời gian dài như hiện nay”.
Nhiều bạn đọc cũng ý thức nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng không được từ chối. “Nước ta phải làm như các nước Thái, Hàn Quốc... cứ đến tuổi là đi nghĩa vụ 2 năm, bất cứ con cháu ai, ca sĩ, diễn viên, dân thường... đều không được hoãn. Sẽ phạt nặng nếu không đi nghĩa vụ”, độc giả Hàn Phong nhấn mạnh.
8 năm trời không thoải mái!
Bản thân học sinh chúng tôi trong tương lai đi làm thêm, đi học, đi công tác hay đi du lịch mà cứ 15 ngày phải khai báo, vì lý do nào đó như thích quá một thắng cảnh mà đi lố thời gian qui định phải về trình báo thì thật sự không thoải mái tí nào.
Tuổi trẻ thích tự do, khám phá, đi đây đi đó, kể cả đi du lịch hay đi làm thì cũng không muốn bị gò bó. Thời gian là của riêng, đôi chân phải đi nhiều, sao có thể bị quản lí như vậy trong suốt 8 năm trời được.
Giả sử có hàng ngàn bạn trẻ đi như thế thì không biết chỗ nào mà giải quyết cho hết các trường hợp. Tưởng tượng cảnh đi khắp nơi xin con dấu chứng nhận đi đâu, làm gì để trình cho cơ quan chức năng thôi cũng thấy xã hội bát nháo cả lên
LÊ CAO HOÀNG (17 tuổi, quận 10)
Minh Huyền ghi

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.