Phân luồng và
câu chuyện thầy - thợ
Làm thợ chịu quá nhiều thiệt thòi. Người thợ đã không có tiếng lẫn không có cả miếng. Và như vậy thì làm sao hi vọng sự phân luồng trong giáo dục thành công?
Trong một chuyến du lịch Úc, tôi đến thăm một người bạn Việt kiều được xem là dân trung lưu khi hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá cao. Ngày cuối tuần, anh chồng đánh trần ra lát gạch cho hàng hiên rộng vài chục mét.
Anh cười và bảo: “Dân bên này là vậy, cuối tuần thường lao vào làm việc nhà, vừa cho khỏe người vừa tiết kiệm.
Như cái hàng hiên này, nếu tôi thuê thợ cũng mất hơn 2.000 đô. Trong khi đó, mình ra tiệm mua gạch, vữa, rồi người ta cho mượn máy cắt, hướng dẫn tỉ mỉ làm trong một ngày là xong, chỉ tốn vài trăm”.
Ai có người quen ở Mỹ, Úc, Canada... hẳn đều biết ở mấy nước ấy, đụng đến việc thuê thợ hồ, thợ điện, thợ ống nước... là “phỏng tay”, nên trừ phi cái gì khó quá thì mới thuê thợ, còn không là chủ nhà nai lưng làm tất. Chính vì vậy, mấy ông Việt kiều khi về nước thường bảo đàn ông trong nước quá sướng, hở tí là thuê thợ.
Nhưng, quý ông trong nước thì bảo thuê thợ làm mấy việc như sửa ống nước, điện, sơn nhà... vừa chất lượng vừa tạo việc làm cho người ta. Chưa kể, xét về bài toán kinh tế thì thuê thợ lợi hơn nhiều.
Ví dụ tiền công thuê thợ bây giờ chỉ khoảng 200.000 - 250.000 đồng/ngày, chẳng là bao so với thu nhập của một người trung lưu trong xã hội.
Cụ thể một người trung lưu thu nhập bình quân phải 500.000 - 600.000 đồng/ngày, vậy thì việc gì phải bỏ một ngày công 500.000 đồng để làm cái việc chỉ tốn 200.000 đồng mà mình không rành.
Tôi kể những câu chuyện đó là nhằm tham gia thêm về câu chuyện phân luồng trong giáo dục VN mà Tuổi Trẻ mở ra cả tuần qua. Và trong đó, tôi rất tâm đắc với bài viết “Phân luồng và ba rào cản” trên số báo ngày 14-11.
Theo đó, tác giả cho rằng rào cản thứ nhất là từ phía gia đình, khi trong tập quán, suy nghĩ của nhiều người VN, việc con em mình không thể học chữ “chính thống” là điều khó chấp nhận, đáng xấu hổ.
Rào cản thứ hai là từ chính bản thân học sinh, và rào cản cuối cùng là trách nhiệm của người thầy, của nhà trường, của cả ngành giáo dục.
Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung một rào cản thứ tư cho nó hoàn chỉnh, đó chính là vai trò quản lý của Nhà nước đối với xã hội, qua những câu chuyện nêu trên. Ngay bản thân tôi cũng như mọi người khác, làm sao chịu được chuyện con em mình chuyển qua phân luồng học làm thợ?
Bởi làm thợ chịu quá nhiều thiệt thòi, từ chỗ không có danh phận trong xã hội (xin hãy nói thẳng với nhau như thế, chứ đừng sáo rỗng bảo rằng nghề nào cũng như nhau) cho đến cả không có được sự đảm bảo về vật chất.
Câu chuyện ở các nước phát triển là một bằng chứng cho chúng ta thấy những người thợ hồ, thợ ống nước, thợ điện... họ có thu nhập cao chẳng kém gì các vị giáo sư, tiến sĩ. Nghĩa là, trong xã hội họ có thể không được tiếng nhưng cũng được miếng để đảm bảo cho cuộc sống ngon lành.
Còn ở ta hiện nay, người thợ đã không có tiếng lẫn không có cả miếng. Và như vậy thì làm sao hi vọng sự phân luồng trong giáo dục thành công?
Tôi xin kể thêm một câu chuyện có thật này, và cũng là mẫu số chung chứ không riêng biệt: Một cậu học trò của tôi có học lực trung bình kém. Với em, tốt nghiệp THPT là đã nỗ lực hết mức, nên tôi khuyên em nên kiếm một nghề gì đó mà mình cảm thấy phù hợp để học.
Em bảo rằng ba mẹ em không đồng ý, bắt học đại một đại học tư nào đó cũng được, miễn là phải có cái bằng cử nhân. Bởi, có bằng cử nhân thì ba em mới “chạy” được cho một chỗ ăn trắng mặc trơn, chứ theo học nghề thì suốt đời khó ngóc đầu lên được!
Đấy, muốn phân luồng thành công, nào chỉ có trách nhiệm của ngành giáo dục!
0 nhận xét