Sân bay Tân Sơn Nhất "tệ" từ trong ra ngoài
Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống wifi miễn phí có cũng như không; loa phát thanh phát liên tục, gây ô nhiễm tiếng ồn; nhà vệ sinh chưa đáp ứng được yêu cầu...
Sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ |
Đó là một số nhận định được Cục Hàng không đưa ra trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT về chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo Cục Hàng không, CHK Tân Sơn Nhất hiện đã khai thác vượt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, năm 2015 lượng khách là 26 triệu người.
Ngoài nhà ga nội địa, các khu vực bay cũng quá tải trong các khung giờ cao điểm tại đầu đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ, thiếu sân cho tàu bay đỗ lại qua đêm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế về chất lượng dịch vụ của Tân Sơn Nhất.
Về việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, Cục Hàng không cho rằng Tân Sơn Nhất còn có các tồn tại: hệ thống wifi miễn phí của nhà ga có tốc độ quá yếu, chất lượng sóng còn thấp và gần như không sử dụng được; tần suất phát thanh trong các nhà ga hành khách còn cao, gây ô nhiễm tiếng ồn; chất lượng nhà vệ sinh trong các khung giờ cao điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Các tồn tại này cần phải được cải thiện.
Cũng theo Cục Hàng không, Tân Sơn Nhất chưa có biển chỉ dẫn hoặc chỉ dẫn chưa cụ thể về hệ thống nhà hàng dẫn đến việc hành khách không biết hoặc không thuận tiện trong việc tìm và lựa chọn nhà hàng tại sân bay.
Thực phẩm và món ăn trong một số nhà hàng còn hạn chế, nghèo nàn về số lượng, một số thực phẩm có chất lượng chưa tương xứng với giá. Dịch vụ ăn uống chưa phục vụ được nhu cầu của hành khách đi các chuyến bay sau 23g.
CHK cần nâng cao năng lực cung cấp, chất lượng dịch vụ ăn uống, đa dạng hóa mặt hàng; hiệp thương để giá cả phù hợp với chất lượng; cần thiết thay nhà cung cấp dịch vụ.
Cục Hàng không đánh giá nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất không đáp ứng các yêu cầu về diện tích mặt bằng đối với khu vực làm thủ tục, không gian lưu thông tối thiểu, khu vực chờ tại cửa ra tàu bay cho hành khách vào giờ cao điểm theo thực tế khai thác của nhà ga.
Có hiện tượng ùn ứ hành khách tại khu vực làm thủ tục hành khách đi của hãng VietJet vào giờ cao điểm.
Nguyên nhân là khu vực làm thủ tục an ninh hàng không cho hãng VietJet chỉ có 3 cửa soi chiếu an ninh (trong đó có 1 cửa dành cho hành khách diện ưu tiên), hệ thống chỉ dẫn chưa phù hợp và diện tích dành cho hành khách xếp hàng tại khu vực làm thủ tục an ninh hàng không nhỏ, bố trí chưa hợp lý.
Khu vực cách ly ga đi trong nước có nhiều ghế ngồi bị bong rách đệm gây mất mỹ quan và ảnh hưởng chất lượng dịch vụ hành khách, cần được khắc phục.
Về tình trạng lộn xộn ở khu vực đậu xe của nhà ga nội địa, Cục hàng không cho biết nguyên nhân là ở khâu tổ chức điều hành dịch vụ taxi tại Tân Sơn Nhất chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, việc dừng đỗ tùy tiện của xe ưu tiên tại làn ưu tiên là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc trước cửa nhà ga nội địa. Việc không chấp hành quy định dừng đỗ xe không quá 3 phút của xe thuộc các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng do thiếu chế tài xử lý.
Cục Hàng không đề nghị CHK phối hợp các đơn vị chức năng kiên quyết xử lý tình trạng xe của các tổ chức nhà nước, xe ưu tiên dừng đậu quá thời gian quy định tại khu vực nhà ga nội địa.
Còn tại nhà ga hành khách quốc tế, Cục Hàng không chỉ ra một số thiếu sót như chưa có quầy nước uống miễn phí, chưa có sóng wifi, thiếu dịch vụ ăn uống thiết yếu tại khu vực khách chờ nối chuyến tại sảnh đến nhà ga hành khách quốc tế. Cần bố trí ngay các dịch vụ trên.
Tại nhà ga quốc tế còn tồn tại về biển chỉ dẫn hành khách nhỏ và ở vị trí chưa thuận tiện, nhân viên hỗ trợ hành khách còn thiếu, quầy thu đổi ngoại tệ không phục vụ được hành khách đi các chuyến bay sau 23g.
Khoảng các giữa khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh và an ninh hàng không tương đối hẹp, không đủ diện tích cho hành khách xếp hàng tại khu vực thủ tục an ninh hàng không vào giờ cao điểm
Ngoài các yếu tố ở CHK, Cục Hàng không cho rằng giao thông tiếp cận Tân Sơn Nhất vượt tải, vượt công suất do giờ cao điểm các chuyến bay trung với giờ tan tầm, giờ mưa trong ngày cũng góp phần ảnh hưởng chất lượng dịch của Tân Sơn Nhất.
“CHK Tân Sơn Nhất thiếu sự nghiên cứu, cập nhật, học hỏi và áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiên tiến trên thế giới trong công tác quản lý, vận hành, khai thác; chưa có bộ phận chuyên trách và chưa có quy trình, quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát nội bộ đối với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ”- ông Võ Huy Cường - phó Cục trưởng Cục Hàng không - chỉ ra một trong những nguyên nhân về mặt chủ quan.
Ngoài việc khắc phục những bất cập trên, Cục Hàng không đề nghị CHK Tân Sơn Nhất cần tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của hành khách sử dụng dịch vụ tại CHK theo hình thức lấy ý kiến trực tiếp của hành khách; nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ tại CHK.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về công tác bảo đảm chất lượng dịch vụ hàng không; chấn chỉnh thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên hàng không còn chưa đúng mực, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm.
0 nhận xét