Tại sao luật sư của Tân Hiệp Phát có biên bản hỏi cung?
"Tại sao phía bị hại lại có biên bản hỏi cung? Tại sao tài liệu đó lại lọt ra ngoài? Biên bản đó nằm trong hồ sơ tố tụng đã làm lộ bí mật điều tra" - Luật sư của bị cáo Minh đặt vấn đề.
Giây phút bị cáo Minh được gặp con trai - Ảnh: Hoàng Điệp |
Sáng 18-12, phiên tòa xét xử ông Võ Văn Minh vì nhận 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát để đổi chai Number One có ruồi tại TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục phần tranh luận.
Phần tranh luận thực sự nóng khi luật sư bảo vệ cho ông Võ Văn Minh và luật sư của Công ty Tân Hiệp Phát, Viện kiểm sát đưa ra các ý kiến của mình.
Tranh luận căng thẳng
Luật sư Nguyễn Tấn Thi - bảo vệ cho bị cáo Võ Văn Minh đã đứng lên phản đối khi luật sư bảo vệ của Công ty Tân Hiệp Phát công bố bút lục ghi lời khai của ông Minh trong khi tranh luận với quan điểm buộc tội ông Minh.
Luật sư của Tân Hiệp Phát cho rằng ông Minh đòi tiền công ty là vì quyền lợi bản thân để đòi tiền Tân Hiệp Phát chứ không bảo vệ người tiêu dùng khi thấy sản phẩm không đạt chất lượng.
Tranh luận lại, luật sư Thi cho rằng luật sư bảo vệ phía bị hại không phải là cơ quan công tố thì không có quyền buộc tội đối với bị cáo.
Người bảo vệ quyền lợi nguyên đơn dân sự, là người thiệt hại và yêu cầu thiệt hại, người bảo vệ này chỉ có quyền thu thập những tài liệu liên quan đến vấn đề thiệt hại đó.
"Tại sao phía bị hại lại có biên bản hỏi cung, tại sao tài liệu đó lại lọt ra ngoài, biên bản đó nằm trong hồ sơ tố tụng đã làm lộ bí mật điều tra", luật sư của bị cáo Minh nói.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi - Ảnh: H.Điệp |
Tuy nhiên, phần phản đối này của luật sư Thi đã không được hội đồng xét xử chấp thuận. Chủ tọa phiên tòa khẳng định luật sư của của Tân Hiệp Phát có quyền bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Trước đó, khi thực hiện bài bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh, luật sư Phạm Hoài Nam cũng cho rằng ngay từ đầu, khi nhân viên Tân Hiệp Phát gặp anh Minh thì biên bản ghi rõ là chai nước còn nguyên. Nhưng sau đó chai nước lại bị kết luận và đã bị mở, vậy thì ai mở chai nước này?
Tranh luận lại ý kiến này, đại diện VKS cho rằng nhân viên của Công ty Tân Hiệp Phát chỉ quan sát bên ngoài nên đưa ra ý kiến chủ quan, còn việc biết chai nước có bị phá không thì phải có cơ quan giám định kết luận.
Về quan điểm cho rằng bị cáo Minh gây thiệt hại cho Tân Hiệp Phát, luật sư Thi khẳng định bị cáo Minh có quyền đưa thông tin về sản phẩm lỗi, yêu cầu bồi thường và yêu cầu xin lỗi, yêu cầu thu hồi sản phẩm theo luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Hoặc bị cáo Minh cũng có quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Việc báo chí đăng tải thế nào, thì luật báo chí đã quy định, Minh hoàn toàn không có quyền xuất bản thông tin đến với bạn đọc. Do vậy, nếu báo chí kiểm định thông tin và đăng lên thì thiệt hại ấy cũng không do lỗi ông Minh.
Luật sư Thi cũng trích lục hồ sơ cho thấy, đơn tố giác tội phạm của Tân Hiệp Phát là sai, bởi khi tiếp xúc với Minh xong, nhiều chứng cứ cho thấy phía công ty không hề lo sợ bị thiệt hại nếu ông Minh đưa thông tin chai nước ngọt có ruồi ra ngoài…
Theo luật sư, thực sự nếu Tân Hiệp Phát bị thiệt hại, đó chính bởi việc các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin về việc anh Minh bị bắt. Nguyên nhân thiệt hại này của công ty không phải do Minh đe dọa, Minh đăng báo.
Đại diện VKS tại tòa - Ảnh: Thanh Tú |
"Tôi bị Tân Hiệp Phát cài bẫy"
Bào chữa cho mình, bị cáo Võ Văn Minh cho rằng mình bị cài bẫy khi Tân Hiệp Phát vừa hẹn giao tiền vừa báo công an.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng việc công an thụ lý vụ việc, điều tra thế nào hoàn toàn là nghiệp vụ.
“Theo đó, kể từ khi nhận được tin báo thì có quyền xác minh, và nếu có căn cứ thì thụ lý. Cơ quan điều tra có thể dùng nghiệp vụ để xác minh, còn việc phát hiện tội phạm thế nào là nghiệp vụ cơ quan điều tra, và tôi không giải thích” - đại diện VKS phát biểu.
Còn một loạt các vấn đề khác liên quan đến mối quan hệ nhân quả của thiệt hại, việc VKS chấp nhận các cuộc ghi âm giữa nhân viên Tân Hiệp Phát và Minh (dù Luật Hình sự không công nhận sử dụng) các hành vi của nhân viên Tân Hiệp Phát thỏa thuận, rồi báo công an đưa khách hàng “đòi tiền” vào tù đều không được VKS tranh luận lại.
Bị cáo Võ Văn Minh - Ảnh: Thanh Tú |
Nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử vào nghị án, ông Võ Văn Minh nói thấy mình không có lỗi. Hành vi của ông sai phạm của ông đến đâu, mong hội đồng xét xử xem xét công tâm.
Tòa đã tuyên bố vào nghị án. 14g chiều 18-12, tòa sẽ tuyên án.
Luật sư của Tân Hiệp Phát được dự khi lấy cung ông Minh
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh (bị Viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù vì cưỡng đoạt tài sản 500 triệu của Công ty Tân Hiệp Phát), các luật sư đã cho rằng 3 cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang đã vi phạm tố tụng, có bằng chứng cho thấy ông Minh bị “gài bẫy”.
Đại diện VKS tại phiên tòa - Ảnh Hoàng Điệp |
Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã phản bác hầu hết các ý kiến này của luật sư và khẳng định rằng hành vi của ông Minh đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Về ý kiến của luật sư cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, làm lộ bí mật điều tra khi cơ quan quan điều tra cho cho luật sư của Công ty Tân Hiệp Phát dự cung trong các buổi lấy cung Võ Văn Minh, đại diện VKS cho rằng đây không phải bị lộ bí mật, và pháp luật cũng không cấm việc điều tra viên cho luật sư khác dự cung.
Luật sư cũng đặt vấn đề: điều tra viên Trần Trí Tâm là người nhận đơn tố cáo của Tân Hiệp Phát (ngày 23-1-2015), rồi cũng chính ông Tâm đi bắt Võ Văn Minh (27-1) và sau đó mới có quyết định phân công làm điều tra viên chính (ngày 4-2-2015), như vậy khi đi bắt Võ Văn Minh thì điều tra viên hoạt động với tư cách gì?
Tại sao tin báo tố giác tội phạm lại không phải do PC46 bắt mà lại là điều tra viên (PC45)? Như vậy có đúng quy trình không?
Về ý kiến này, đại diện VKS cho rằng nếu các luật sư thấy cần phải khiếu nại thì hoàn toàn có thể yêu cầu Thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh Tiền Giang trả lời, và thực tế, cơ quan điều tra công an tỉnh Tiền Giang đã có văn bản trả lời về vấn đề này.
Thứ 3, VKS khẳng định Võ Văn Minh không phải là người tiêu dùng để có thể có quyền đòi thương lượng.
Thực tế, Minh và chị gái là người mở quán bán hàng, trong đó có bán nước giải khát của Tân Hiệp Phát. Như vậy, Minh không thể là đối tượng người tiêu dùng có thể bị đe dọa sức khỏe giống như những người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm và có thể bị thiệt hại từ sản phẩm.
VKS cũng cho rằng về mặt pháp lý, hành vi của Võ Văn Minh là uy hiếp, đòi tiền của Tân Hiệp Phát, và trong quá trình điều tra, truy tố, Minh đã thừa nhận mọi hành vi vi phạm của mình, và nhận thức được rõ việc mình làm là sai trái.
Mọi lời khai của Minh là phù hợp với bằng chứng và phù hợp với lời khai của những người làm chứng, do đó, VKS thấy có đủ căn cứ để buộc Minh tội cưỡng đoạt tài sản.
0 nhận xét