Tấn công đồng loạt Jakarta qua lời kể của nhân chứng

- Cảnh sát Indonesia cho biết các vụ tấn công khủng bố bằng súng và bom ở Jakarta có vẻ như bắt chước kiểu hành động của những kẻ thực hiện vụ tấn công Paris cách đây đúng hai tháng.
Cảnh sát Indonesia đấu súng với những tên khủng bố - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Indonesia đấu súng với những tên khủng bố - Ảnh: Reuters
“Chúng tôi căm ghét những kẻ khủng bố. Họ tấn công anh chị em chúng tôi, họ tấn công cả những người Hồi giáo và những người không theo đạo Hồi. Họ không chiến đấu vì đạo Hồi hay bất cứ ý thức hệ nào mà họ chiến đấu để chống lại loài người nói chung
Nhà báo MARDIYAH CHAMIM
Khoảng 16g ngày 14-1, người phát ngôn cảnh sát Jakarta Muhammad Iqbal cho biết chiến dịch tiêu diệt những kẻ tấn công ở khu vực quanh trung tâm mua sắm Sarinah ở Jakarta đã kết thúc. Cảnh sát đã kiểm soát được tình hình trong khu vực này.
“Chúng tôi tin rằng không còn kẻ tấn công nào nữa ở quanh khu trung tâm mua sắm Sarinah. Chúng tôi đã giành quyền kiểm soát” - Hãng tin AP dẫn lời ông Iqbal.
Theo thông tin từ cảnh sát, năm tên khủng bố đã bị tiêu diệt, trong đó ba tên bị diệt khi tấn công trong một nhà hát, hai tên khác thiệt mạng do kích bom liều chết gần một chốt cảnh sát và hai tên bị bắt sống.
Trong số hai thường dân thiệt mạng có một người quốc tịch Canada và có khoảng 20 người bị thương, trong đó có năm cảnh sát.

IS lên tiếng
Tổng thống Joko Widodo đã rút ngắn chuyến thăm thành phố Cirebon, miền Tây Java để trở về thủ đô Jakarta giám sát tình hình. Ông yêu cầu cảnh sát Indonesia không được sợ sệt cũng như tùy tiện suy đoán ai là kẻ đứng sau cuộc tấn công.
“Chúng ta không được sợ hãi, chúng ta phải đánh bại hành động khủng bố kiểu như thế này” - tổng thống Indonesia kêu gọi. Ông cũng nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ tấn công khủng bố để giám sát tình hình và động viên dân chúng.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng nhanh chóng lên tiếng cho rằng những thành viên của mình đã thực hiện các vụ tấn công đồng loạt lúc 10g30 ngày 14-1 ở Jakarta.
Trong khi đó, theo Reuters, cảnh sát trưởng thủ đô Jakarta, ông Tito Karnavian khẳng định: “Tổ chức IS đứng sau vụ tấn công này”. Vị cảnh sát trưởng cũng chỉ ra một cái tên là Bahrun Naim, một tên khủng bố người Indonesia đang hoạt động tại Syria, đã “chuẩn bị vụ khủng bố này gần đây”.
Kiểu cách khủng bố này khiến người ta nhớ lại vụ khủng bố đồng loạt ở Paris hôm 13-11-2015 với những kiểu tấn công gồm kích bom liều chết và bắn vào chỗ đông người.
Trong vụ tấn công ở quán cà phê Starbucks tại tầng trệt tòa nhà Skyline, theo chuẩn tướng Anton Charliyan - người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Indonesia, hai tay súng đã bắt hai người nước ngoài làm con tin, gồm một người Canada và một người Algeria. Người Canada sau đó đã bị sát hại và người Algeria bị thương.
Ông Charliyan cho biết cảnh sát đã vô hiệu hóa bốn thiết bị nổ, trong đó có một thiết bị được tìm thấy tại quán cà phê Starbucks.
Ngay sau đó quản lý chuỗi cà phê Starbucks tại thủ đô Jakarta tuyên bố đóng cửa hết cho đến khi “có lệnh mới”. Nhóm khủng bố còn tấn công rạp chiếu phim trong tòa nhà Skyline như kiểu bên Paris tấn công nhà hát Bataclan.
Số vũ khí thu được từ những kẻ khủng bố - Ảnh chụp lại màn hình
Số vũ khí thu được từ những kẻ khủng bố - Ảnh chụp lại màn hình
Người Indonesia 
yêu hòa bình
Trả lời Tuổi Trẻ, anh Mardiyah Chamim, nhà báo làm việc cho tờ Tempo Media, kể lại: “Tòa nhà tôi đang làm việc cách hiện trường vụ nổ bom chỉ vỏn vẹn khoảng 200m.
Sáng nay (14-1), tôi nghe âm thanh chát chúa từ tiếng nổ bom liên hồi, tổng cộng khoảng 6, 7 lần. Khung cảnh hỗn loạn, nhiều tiếng la hét, nhiều khuôn mặt hoảng sợ, run rẩy. Hoàn hồn sau vụ nổ, tôi thầm cảm ơn thượng đế vì mình vẫn còn sống.
Tòa nhà đặt trong tình trạng báo động, không ai được phép ra ngoài. Tôi nhìn ra bên ngoài và trông thấy những gã đàn ông cầm súng chạy xung quanh. Cảm giác bất an ập đến đất nước thanh bình này.
Ký ức ám ảnh về những vụ đánh bom kinh hoàng khác như ở Bali và khách sạn Marriott lại hiện về. Sau đó tôi liền gọi điện cho gia đình và bạn bè để hỏi thăm. Mọi người đều an toàn. Tâm trí tôi hướng về những nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ bom và những người thân của họ”.
Indonesia có hơn 200 triệu người theo Hồi giáo (dân số Indonesia là 250 triệu), chiếm 13% số tín đồ toàn cầu. Tuy nhiên, Indonesia không phải là một “quốc gia Hồi giáo” theo hình mẫu các nước Trung Đông, nơi luật đạo Hồi có ảnh hưởng sâu rộng trong chính trường, xã hội và đôi khi được cho là hơi khắc nghiệt.
Một biểu hiện rõ ràng nhất là trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2009, các đảng phái theo Hồi giáo hà khắc nhận được rất ít phiếu bầu trong khi các đảng chủ trương ôn hòa lại được ủng hộ rộng rãi.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Indonesia được tôn sùng bởi một nhóm thiểu số. Các nhóm phiến quân chống đối Chính phủ Indonesia tiêu biểu là Jema'ah Islamiyah (Thánh đoàn Hồi giáo), một phân nhánh của Al Qaeda, thường là chủ mưu các vụ tấn công khủng bố tại Indonesia trước đây.
Vụ chết chóc nhất xảy ra hồi năm 2002 tại khu nghỉ mát Bali với 202 người thiệt mạng, trong đó có 164 du khách quốc tế.
Tháng 11-2015, cảnh sát Indonesia bắt giữ chín nghi phạm khủng bố IS với các tài liệu lên kế hoạch thực hiện một màn “tấn công đồng diễn” tại thủ đô Jakarta.
Vài năm trở lại đây, người ta ước tính có khoảng 150-200 người Indonesia đến Syria chiến đấu cho IS. Nhiều kẻ trong số đó đã hồi hương và cảnh sát cũng dự báo khả năng chúng âm mưu tấn công khủng bố ngay tại quê nhà.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.