Formosa và bài học đắt giá

 Nguyên nhân chính gây ra chết cá đã được tìm kiếm, xác định trên cơ sở xem xét, tìm dấu vết trong mẫu cá chết, môi trường biển, trầm tích, san hô... Từ đó tìm được dấu hiệu có các chất gây chết cá trong đó.
Formosa và bài học đắt giá
Vì Formosa gây ra vụ cá chết nên tàu thuyền, chài lưới của ngư dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải nằm bờ - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Chúng ta tìm được nguyên nhân gây chết cá sau hai tháng kể từ khi xảy ra vụ việc, theo chúng tôi là khá nhanh. Vì có những vụ việc tương tự trên thế giới có thể mất tới vài năm mới tìm ra được nguyên nhân.
Chúng tôi biết dư luận xã hội rất sốt ruột, muốn có thông tin sớm. Nhưng là những nhà khoa học, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình là phải xác định được nguyên nhân một cách chắc chắn. Đồng thời phải có chính kiến, bằng chứng cụ thể, chặt chẽ về khoa học vì không loại trừ tình huống có thể phải kiện tụng ra tòa quốc tế.
Tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết mới là bước đầu. Chúng tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu để xác định ai là người gây ra nguyên nhân. Đây là vấn đề phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng và đánh giá chính xác.

Chúng tôi đã đưa ra những kịch bản giả định, những tình huống như thế nào có thể khiến cá chết với quy mô như vậy, xác định những độc tố có trong cá, trong nước biển thì trên bờ, nơi nào có những chất đó.
Chúng tôi cũng nghiên cứu xem xét trên địa bàn bốn tỉnh miền Trung, qua sàng lọc các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất... Qua đó xác định các chất có trong cá và biển là những chất đặc thù của ngành sản xuất thép với quy mô lớn.
Vào thời điểm cá chết hàng loạt, một số cơ sở sản xuất của Formosa, cụ thể là xưởng luyện cốc, nơi phát sinh nguồn gây ô nhiễm lớn, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, một số hệ thống xử lý chất thải của họ còn đang trong giai đoạn hiệu chỉnh công nghệ.
Trong quá trình vận hành thử có thể xảy ra trục trặc, sự cố, trong trường hợp này là hóa chất độc hại dùng để tẩy rửa, vệ sinh súc rửa đường ống... Nếu họ thực hiện việc quản lý chất thải nguy hại đúng quy trình chuẩn sẽ không gây hại. Cụ thể là phải thuê công ty chuyên về xử lý chất thải độc hại và có công nghệ xử lý được cấp phép.
Sau khi biết nguyên nhân, các chuyên gia đưa ra những yêu cầu Formosa cam kết xử lý. Chúng tôi cũng xác định họ không cố ý, hoàn toàn do trục trặc trong đợt thử nghiệm.
Trong kiểm tra, chúng tôi nhận thấy phần lớn các hạng mục công nghệ sản xuất thép của Formosa tốt, tuy nhiên công nghệ xử lý nước thải cần có cải tiến và phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.
Chúng tôi đã cùng với các cán bộ quản lý nhà nước về môi trường yêu cầu Công ty Formosa cải tiến và hoàn thiện công nghệ xử lý và giám sát chất lượng môi trường.
Chúng tôi còn chỉ ra một trong những nguồn gây ô nhiễm chính là do quy trình luyện cốc của Formosa, để khắc phục tình trạng này họ cần phải thay công nghệ dập cốc ướt thành dập cốc khô.
Hiện Formosa mới đang hoạt động trong giai đoạn 1. Khi đi vào hoạt động toàn bộ, công suất sẽ lớn hơn, cũng có nghĩa là sẽ phát sinh chất thải nhiều hơn. Sự cố vừa qua là bài học đắt giá nhưng chắc chắn từ bài học này thì công tác quản lý sẽ tốt hơn.
Formosa và bài học đắt giá
“Thành tích” phá hoại môi trường của Formosa
Theo trang Financial Times, tổng doanh thu của Formosa Plastics Corporation (Đài Loan) trong năm 2015 là 192 tỉ đôla Đài Loan (TWD), khoảng 5,9 tỉ USD, giảm khoảng 11% so với năm 2014.
Tuy nhiên, thu nhập sau thuế của công ty này trong năm 2015 vào khoảng 30,9 tỉ TWD (tương đương 1 tỉ USD), tăng mạnh so với thu nhập 17,9 tỉ TWD của năm trước đó.
Tập đoàn nhựa Formosa được thành lập từ năm 1954 và có bề dày thành tích vi phạm trong vấn đề môi trường. Ngoài giải thưởng “hành tinh đen” do Quỹ Ethecon, một tổ chức bảo vệ môi trường của Đức, trao năm 2009, Formosa còn bị chỉ trích phá hoại môi trường tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Trong bức thư gửi các lãnh đạo của Formosa mới đây, ngày 17-6, sau sự kiện tại Việt Nam, Ethecon tiếp tục chỉ trích hành động vô trách nhiệm và vô lương tâm của công ty Đài Loan trong thảm họa gây ra cho môi trường Việt Nam.
“Các hành động vì mục đích cá nhân của công ty là mối đe dọa cho toàn xã hội và môi trường” - Ethecon viết. Tổ chức này cho rằng Formosa phải chấm dứt ngay việc gây ô nhiễm môi trường, đền bù thiệt hại 
kinh tế và sức khỏe cho những người bị ảnh hưởng và quan trọng nhất là đưa những người chịu trách nhiệm ra trước công lý. Khi trao giải cho Formosa năm 2009, Ethecon dẫn ra nhiều ý kiến cũng như tình hình sức khỏe của các công nhân từng làm việc cho Formosa cũng như nông dân, ngư dân khu vực quanh nhà máy của Formosa.
Năm 1998, Formosa cố thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihanoukville, Campuchia. Theo Ethecon, cho tới hôm nay người dân Campuchia tại đây vẫn còn bị ảnh hưởng sau vụ xả chất thải của Formosa. Còn tại Đài Loan, Formosa nằm trong top 10 công ty gây ô nhiễm nhất và “đóng góp” đến 25% tổng lượng khí nhà kính của Đài Loan.
Tại Mỹ, Formosa nhiều lần bị phạt vì vấn đề thải chất ô nhiễm ra môi trường. Những năm 1980, Tập đoàn nhựa Formosa xả 63 tấn chất độc ethylene dichloride vào khu vực dân cư tại Texas, Mỹ. Năm 2009, các nhà khoa học tại Texas đo được một lượng lớn chất độc trong đất và không khí ở xung quanh nhà máy của Formosa...
Năm 2004, Nhà máy Formosa tại Illinois cũng phát tán chất gây ô nhiễm khiến toàn thể dân cư quanh vùng phải di tản. Tháng 9-2009, Formosa bị Sở Tư pháp Mỹ và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ phạt số tiền lên đến 13 triệu USD. Phần lớn trong số 13 triệu USD được nhà chức trách Mỹ dùng để cải thiện môi trường.
Khôi phục môi trường: không đơn giản
Thế giới có không ít ví dụ trong việc khôi phục thành công môi trường bị tàn phá hay giải quyết các vấn nạn liên quan, nhưng đây là những quá trình dài và có sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo nhằm đưa ra các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ môi trường.
Gần đây nhất tại Mỹ, vụ tràn dầu trên vịnh Mexico do vụ nổ giếng dầu của Tập đoàn BP năm 2010. Trong 87 ngày, lượng dầu khổng lồ phủ khắp mặt biển và các bờ biển quanh vịnh Mexico, gây thiệt hại không tưởng cho môi trường, kinh tế và du lịch.
Chi phí dọn dẹp trong năm năm sau đó lên đến 28 tỉ USD, theoTelegraph. Các bãi biển đến nay đã xanh tươi trở lại và số lượng các loài sinh vật bắt đầu tăng.
Báo cáo của BP không có bằng chứng cho thấy tác động về lâu dài lên các loài sinh vật nhưng giới khoa học cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian để nhìn thấy hết được hậu quả của thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.