Sao lại muốn sửa quy hoạch để dời ga Sài Gòn?
Có nên di dời ga Sài Gòn? Tại sao sử dụng ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) là ga trung tâm, cũng là ga cuối của nhiều tuyến, về lâu dài?
Ảnh chụp điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Văn Đang, P.11, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Theo các quyết định của Thủ tướng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 thì vẫn sử dụng ga Hòa Hưng là ga trung tâm, cũng là ga cuối của nhiều tuyến, về lâu dài.
Làm đường sắt trên cao hay đi ngầm đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng - Tân Kiên. Thêm ga Thủ Thiêm (Q 2), ga An Bình trong nội thành cho những tuyến đường sắt quốc gia khác.
Ý tưởng quyết định đúng đắn, tại sao lại sửa quy hoạch?
Di dời ga ra Bình Triệu hay Gò Vấp, Thủ Đức, Sóng Thần… đều không ổn do không còn là trung tâm, điểm tập trung người. Và lúc đó di dời hay trung chuyển người và hàng hóa đi kèm từ ga vào trung tâm sẽ rất nhiều, giao thông đường bộ lúc đó lại bị nghẽn.
Vả lại không thể do cầu Ghềnh (cầu đường sắt) bị sà lan đụng sập lại có ý tưởng di dời ga Sài Gòn ra thật xa. Vấn đề phải truy trách nhiệm ngành đường sắt trong vụ cầu Ghềnh là trong thời gian dài không nghiên cứu làm các trụ chống va cho trụ cầu và còn nhiều cầu nữa - tương tự. Nếu có trụ chống va, tai nạn tại cầu Ghềnh chắc chắn không nặng như đã xảy ra.
Ngoài ra, ùn tắc giao thông đô thị do đường sắt gây ra, chủ yếu do nút “giao bằng” giữa đường bộ - đường sắt. Nhiều chục năm nay, vấn đề này được “đưa lên và đặt xuống” nhiều lần, không lãnh đạo nào chịu giải quyết dứt khoát, có trách nhiệm với cư dân TP.HCM. Nói cách khác là tắc trách.
Nên thiết kế đường bộ xuyên ngầm qua đường sắt
Phương án khả thi nhất là giữ nguyên đường sắt trên đất.
Thiết kế đường bộ xuyên ngầm bên dưới qua đường sắt. Lý do đường bộ xuyên ngầm dễ làm, dễ phân luồng khi thi công. Có thể thi công nhanh bằng lắp ghép, thi công từng vị trí. Địa chất, địa hình, thiết bị … đều dễ đáp ứng. Đây là phương án khả thi, rẻ nhất, nhanh nhất.
Song song đó là làm rào chắn tuyến đường sắt “độc đạo Bình Triệu - Hòa Hưng”, cách ly khu vực dân cư để tăng tốc độ chạy tàu. Lúc đó sẽ bỏ các trạm gác, chắn barie thủ công, thêm biên chế, không an toàn… như hiện nay.
Cần lưu ý là quy hoạch hệ thống metro đến giờ, trong 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa có tuyến metro (và ga metro) đi gần các ga Bình Triệu, Thủ Đức, Gò Vấp. Tuyến metro số 2 đang triển khai đi cận ga Hòa Hưng và có ga metro tại khu vực đó.
Nếu di dời, thủ tục điều chỉnh quy hoạch sẽ mất nhiều thời gian, nhưng bản thân việc di dời đó, như đã nêu, là không hợp lý cộng với chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất cao.
0 nhận xét