Dời ga Sài Gòn ra Bình Triệu là tốt nhất
Ga Sài Gòn quá nhỏ cho một ga trung tâm nhưng 6 ha đủ cho một "khu đất vàng" xây cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại... là hai lý do mà TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng nên dời ra Bình Triệu. Còn bạn thì sao?
Nhiều ý kiến cho rằng ga Sài Gòn quá nhỏ không đủ năng lực phục vụ cho lượng hành khách khổng lồ - mục tiêu của ga trong tương lai. Trong ảnh: hành khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn - Ảnh: Hữu Khoa |
Việc di dời ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) ra Bình Triệu là điều nên làm hay không, cần phải có một cái nhìn toàn diện, đặc biệt là về kinh tế và xã hội đô thị..
Về nguyên tắc, bất kỳ dự án phát triển nào cũng đều cùng lúc mang lại điều tốt và điều xấu, không có dự án nào tuyệt đối là tốt, chỉ có điều khi cân đong đo đếm nếu thấy cái lợi nhiều hơn thì dự án cần thực hiện. Do vậy, khi xem xét trường hợp ga Sài Gòn cũng nên đặt trong bối cảnh như thế.
Ga Sài Gòn quá nhỏ
Một ga đầu mối giao thông ở một đại đô thị, nơi xuất phát của hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyến tàu mỗi ngày (tàu hỏa, tàu điện ngầm, kể cả tàu khách biển), phục vụ cho hàng triệu lượt người.
Ở Nga, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác, ga đầu nguồn ở các thành phố lớn bao giờ cũng là một tổ hợp kỹ thuật - kinh tế - xã hội. Ngoài phần kỹ thuật phục vụ cho việc đi lại như nơi bán vé, phòng khách, sảnh đợi, hệ thống đường ray, khu duy tu sửa chữa... thì còn các dịch vụ khác xung quanh như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đảm bảo phục vụ đầy đủ cho khách đi tàu.
Mỗi ga lớn trở thành điểm nút dịch vụ, tức là làm sao hành khách đến mỗi ga là có thể mua được hàng hóa phục vụ đời sống thiết yếu (đòi hỏi này cũng dành cho ga metro).
Ga Sài Gòn hiện nay quá nhỏ, chỉ 6ha, diện tích này hiện nay đủ cho phòng vé, sảnh đợi và bãi giữ xe, không đủ năng lực phục vụ cho mục tiêu mà ga Sài Gòn hướng tới là 5-7 triệu hành khách/năm và xa hơn nữa là cho hơn 10 triệu khách/năm, hàng triệu tấn hàng hóa.
Trong khi đó, ga Bình Triệu có diện tích 42ha hoàn toàn đủ cho việc xây dựng một tổ hợp giao thông và dịch vụ hiện đại, chưa kể Bình Triệu là đầu mối giao thông đường bộ thuận lợi đi về các hướng Đông - Bắc, Tây - Bắc và về miền Tây qua quốc lộ 1, quốc lộ 13 vào sâu nội ô qua đường Trường Chinh.
Còn việc làm đường sắt trên cao (Bình Triệu - Hòa Hưng) dài hơn 10km với khoảng bảy ga là một việc khá tốn kém, bởi không đơn giản chỉ là nhấc nó lên trên giá sắt mà còn phải đầu tư kỹ thuật phức tạp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sống xung quanh, không gây tiếng ồn.
Và hơn thế nữa là phải cắt xén hàng ngàn nhà dân dọc hai bên đường sắt để đảm bảo cho việc xây cầu bêtông làm bệ đỡ cho tàu chạy trên cao, rồi phải mở rộng thêm ra hai bên làm hành lang an toàn, làm lưới chắn rác, làm tường giảm tiếng ồn, trụ chắn khi tàu có sự cố.
Như thế chi phí rất lớn. Ngoài ra, một khối bêtông đen thui, lừng lững chạy dài hơn 10km qua bốn quận của TP là hình ảnh phản cảm, gây hạn chế tầm nhìn, bức bối, khó chịu.
TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung |
Dời ga Sài Gòn mang lại nhiều lợi ích
Việc xây ga Bình Triệu trở thành tổ hợp nhà ga trung tâm là điều hoàn toàn trong tầm tay. Mảnh đất ga Sài Gòn với 6ha nằm ở trung tâm quận 3 là đất vàng, bán đấu giá mảnh đất này đưa vào làm cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp hay trung tâm thương mại đều hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thêm nữa là khai thác nguồn lợi từ việc cải tạo con đường sắt dài chừng 10km sau khi đã bóc dỡ thành đường bộ đi qua hầu hết các ngã ba, ngã tư sầm uất với hai mặt tiền sẽ thu được một khoản tiền lớn đầu tư cho ga Bình Triệu.
Việc di chuyển ga Sài Gòn mang lại nhiều lợi ích lớn cho TP và người dân, sẽ tiết kiệm được chi phí thời gian dừng đứng đợi 26 chuyến tàu đi và về mỗi ngày (gồm 10 chuyến ngày và 16 chuyến đêm), giảm ùn tắc giao thông ở 14 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, giảm ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm rác do hành khách xả ra, không còn người chết vì tàu cán (vô tình hay cố ý tự tử)...
Xây nhà ga trung tâm ở Bình Triệu sẽ thuận lợi hơn cho hành khách. Những ai đã đi tàu mới biết hầu hết người đi tàu là ở vùng bên ngoài di chuyển vào ga Sài Gòn. Đặc biệt là vào các dịp lễ tết, hàng trăm ngàn công nhân ở các khu công nghiệp phía Bắc (Tây Bắc, Đông Bắc) và phía Nam TP đổ về ga Sài Gòn để về quê gây quá tải ở ga này...
Cuối cùng, Hòa Hưng không phải là một di tích lịch sử cần phải giữ vì nó được xây dựng mới vào năm 1983.
Cân nhắc về mọi phương diện, tôi cho rằng dời ga trung tâm ra Bình Triệu là phương án tốt nhất.
* Ông Đặng Ngọc Thành (nguyên tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt khu vực 3 và Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn):
Cần duy trì ga Sài Gòn ở trung tâm TP
Tôi thống nhất với quan điểm quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 là duy trì hoạt động ga Sài Gòn (quận 3) hiện hữu, không dời ra ga Bình Triệu (quận Thủ Đức).
Các nước như Pháp, Nhật, Thái Lan vẫn duy trì nhà ga đường sắt ở trung tâm TP và liên kết với các tuyến giao thông công cộng tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giảm ách tắc giao thông rất lớn
cho TP.
Ban đầu ga Sài Gòn đặt tại công viên 23 Tháng 9 (quận 1) là ngay trung tâm TP, rất thuận lợi cho hành khách đi lại, sau đó dời về ga Sài Gòn hiện nay cũng là vị trí thuận lợi. Vấn đề chính hiện nay là cần xây dựng tuyến đường sắt trên cao để không còn ùn tắc giao thông ở điểm đường bộ giao cắt với đường sắt.
Đừng lo thiếu vốn đầu tư xây dựng đường sắt trên cao từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn vì khi xây dựng tuyến đường sắt này Nhà nước có thể kêu gọi các nhà đầu tư mặt bằng bên dưới đường trên cao để có vốn bù đắp vốn đầu tư làm đường sắt.
|
0 nhận xét