“Thất bại trong việc bảo vệ sông Mekong”
"Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) nhiều khả năng không đến được ĐBSCL vì trước đó nó bị chặn lại ở Lào, Campuchia và Thái Lan".
Đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc cao nhất thế giới (292m) ở thượng nguồn sông Mekong bắt đầu hoạt động năm 2010. Theo các nhà hoạt động môi trường quốc tế, con đập này là “kẻ thủ ác” khiến sông Mekong hấp hối - Ảnh: AFP |
“Lượng trầm tích ở sông Mekong không chỉ bị ảnh hưởng bởi các con đập ở thượng nguồn mà còn bởi nạn khai thác cát bừa bãi ở VN. Tôi nghĩ việc ngăn chặn nạn khai thác cát từ sông Mekong phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của VN hiện nay |
Tom Fawthrop |
Tuyến bài “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” khép lại trên số báo này bằng cuộc trò chuyện với chuyên gia Tom Fawthrop, bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà...
Ông Tom Fawthrop (người Anh), một chuyên gia hàng đầu của Ủy hội sông Mekong (MRC), đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện về các vấn đề của sông Mekong gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL, cũng như đề xuất một số giải pháp.
Ông Tom Fawthrop trong lần đi thực tế ở công trường thủy điện Xayaburi - Ảnh tác giả cung cấp |
ĐBSCL đang trong giai đoạn nguy kịch
* Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)?
Ông Tom Fawthrop (người Anh) là nhà báo, nhà làm phim nổi tiếng về sông Mekong, đồng thời cũng là một chuyên gia hàng đầu của Ủy hội sông Mekong (MRC). |
- Ông Tom Fawthrop: Hai tác nhân chính gây ra tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn ở ĐBSCL là các đập thủy điện trên sông Mekong và tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng ta đều biết rõ biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới nên chúng ta có sự chuẩn bị để thích nghi nhưng chúng ta không thể nào thích nghi với các đập thủy điện.
Các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh việc xây dựng các đập thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Sự thiệt hại về môi trường là không thể tránh khỏi trừ khi các nước dừng hoạt động các đập thủy điện.
Theo tôi, ĐBSCL đang trong một giai đoạn nguy kịch, đe dọa đến tương lai của VN, cụ thể là nền nông nghiệp và sản xuất lúa gạo. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay không chỉ gây ra thiệt hại cho VN mà cho tất cả các nước phụ thuộc vào dòng sông này.
Nếu VN bị loại khỏi danh sách các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nó có thể gây ra một tác động lớn đến an ninh lương thực toàn cầu.
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn cũng sẽ gia tăng sự đói nghèo của các hộ nông dân nhỏ và ngư dân các nước sống dọc dòng sông Mekong, gây ra tình trạng mất ổn định dọc sông Mekong, có thể khiến hàng chục triệu người phải di cư vì tác động môi trường.
Các chuyên gia về sông Mekong ở VN từng kết luận rằng các con đập thủy điện sẽ ngăn chặn dòng chảy tự nhiên, lượng trầm tích và phá hủy sự đa dạng sinh học của con sông này. Các đập thủy điện sẽ khiến dòng chảy thay đổi. Hầu hết lượng phù sa và chất dinh dưỡng góp phần giúp ĐBSCL trở thành vựa lúa lớn của khu vực sẽ bị ngăn chặn bởi các đập thủy điện.
* Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng với lưu lượng 2.190m3/giây từ ngày 15-3 đến 10-4 xuống khu vực hạ lưu sông Mekong theo đề nghị của VN. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan về “nguồn nước hỗ trợ này”. Ý kiến của ông như thế nào?
- Trung Quốc đang kiểm soát dòng chảy của sông Mekong khi chiếm đến 16% lưu lượng nước. Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng nhiều khả năng không đến được ĐBSCL vì trước đó nó bị chặn lại ở Lào, Campuchia và Thái Lan. VN không nên trông đợi nhiều.
Ngoài ra, Trung Quốc gia tăng lượng nước xuống hạ lưu một phần để phục vụ lợi ích của nước này như cứu nạn các tàu chở hàng nước này bị mắc cạn ở khu vực phía bắc Thái Lan. Các tàu của Trung Quốc bị mắc cạn nhiều lần ở khu vực này, đặc biệt là vào tháng 3 hoặc tháng 4 khi mực nước sông xuống thấp.
Khi Trung Quốc đưa đập Tiểu Loan ở tỉnh Vân Nam vào hoạt động năm 2010, nhiều người dân và ngư dân ở khu vực phía bắc Thái Lan đã biểu tình, họ cho rằng đập thủy điện này là tác nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ.
Dĩ nhiên, Trung Quốc bác bỏ điều đó.
Đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) nhìn từ trên không đã góp phần hủy diệt sông Mekong - Ảnh: AFP |
Phải dẹp ngay nạn khai thác cát
* Vai trò của MRC như thế nào trong việc giải quyết các thách thức môi trường hiện nay, đặc biệt là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL?
- Hầu hết tài trợ từ các quốc gia phương Tây và các nguồn quyên góp khác cho MRC tập trung vào mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu hơn là đối phó với những hiểm họa to lớn hơn đến từ các đập thủy điện.
Rõ ràng MRC gồm 4 quốc gia thành viên Lào, Campuchia, Thái Lan và VN đã thất bại trong việc ứng dụng các giải pháp khoa học để bảo vệ dòng sông Mekong và ngăn chặn việc xây dựng các đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong.
Nhiều hội thảo khoa học do MRC tổ chức gần đây đều chú trọng giải đáp câu hỏi “làm thế nào để giảm tác hại do các con đập thủy điện gây ra?”. Tuy nhiên, các hội thảo này không thể tìm ra câu trả lời xác đáng. Nói theo một cách khác, khi các con đập thủy điện được xây dựng nên, bất chấp nỗ lực bao nhiêu chăng nữa, bạn vẫn không thể giảm tác hại của nó.
Hiệp định Mekong 1995 được thành lập để bảo vệ môi trường sông Mekong giữa các thành viên MRC. Nhưng vấn đề là một quốc gia vẫn được phép hành động đơn phương, bất chấp các quốc gia thành viên còn lại có hài lòng hay không. Khi Lào tiến hành xây thêm đập, có nhiều tiếng nói phản đối nhưng rốt cuộc nước này vẫn xây.
* Ông có góp ý nào cho VN để cứu ĐBSCL?
- VN cần phải chú ý đến các giải pháp của các nhà khoa học và chuyên gia ở ĐBSCL. Các nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ dự đoán rằng nếu các nước xây thêm đập thủy điện, ĐBSCL của VN có nhiều nguy cơ bị diệt vong trong tương lai.
MRC đã thất bại trong việc bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái tuyệt vời của dòng sông Mekong. Nếu VN lệ thuộc vào MRC để ngăn các con đập “phá hoại môi trường” thì rõ ràng kết quả sẽ không đạt được điều gì cả.
Theo tôi, VN cần phải tăng cường trồng thêm rừng đước để đối phó với nạn xâm nhập mặn và giảm các hoạt động xây dựng dọc sông Mekong. Ví dụ như khi thấy một người đang đuối nước, bạn không thể bàn về nguyên nhân khiến người này bị đuối nước, mà phải bàn về cách thức cứu người ấy. Điều này tương tự đối với dòng sông Mekong hiện nay.
Một giải pháp khác mà VN phải làm ngay là lập tức ngăn chặn việc khai thác cát từ sông Mekong để phục vụ các hoạt động xây dựng. Lượng trầm tích ở sông Mekong không chỉ bị ảnh hưởng bởi các con đập ở thượng nguồn mà còn bởi nạn khai thác cát bừa bãi ở VN.
Tôi nghĩ việc ngăn chặn nạn khai thác cát từ sông Mekong phải là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu của VN hiện nay.
Nguồn nước ngay dưới chân mình
Trong những ngày này, khi đi gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học để lắng nghe những giải pháp giải quyết vấn đề hạn, mặn cho ĐBSCL, chúng tôi chú ý đến ý kiến của ông Triệu Đức Huy - phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN-MT).
Ông Huy cho rằng: “ĐBSCL không thiếu nước. Tuy nhiên câu chuyện đặt ra là phải khai thác và sử dụng nguồn nước như thế nào cho thật hiệu quả, khoa học”.
Cụ thể, theo ông Huy, đó là nguồn nước ngầm tại khu vực ĐBSCL với trữ lượng rất lớn nhưng chưa được khai thác khoa học. Trong những ngày hạn, mặn gay gắt thì giải pháp khoan và khai thác nước ngầm để cung cấp cho cả vùng là hiệu quả nhất.
Trong những tháng mùa mưa, các cụm khai thác nước ngầm này có thể đóng lại và tạo thêm hồ chứa nhỏ để thu gom nước mưa nhằm tái tạo cho nguồn nước ngầm.
Ông Huy cho biết theo số liệu điều tra cơ bản tỉ lệ 1/200.000, khu vực ĐBSCL hiện có trữ lượng nước ngầm (khai thác an toàn) là trên 4,5 triệu m3/ngày. Trong khi đó các tỉnh trong khu vực mới khai thác nguồn nước này khoảng 1,9 triệu m3/ngày, còn hơn 2 triệu m3/ngày chưa khai thác.
Nhưng khai thác nước ngầm sẽ làm gia tăng khả năng cạn kiệt nguồn nước, khó phục hồi, tăng nhiễm mặn, gây sụt lún đất bề mặt? Trả lời về vấn đề này, ông Huy khẳng định: số liệu trên được điều tra, nghiên cứu bảo đảm cho việc khai thác nguồn nước ngầm nằm dưới ngưỡng phục hồi, không gây ra những hệ lụy.
“Kể cả đối với những tỉnh như Bến Tre, Cà Mau vẫn có thể khai thác nguồn nước ngọt ở tầng chứa nước sâu từ 400-500m. Khu vực ĐBSCL phân bố 8 tầng chứa nước ngọt với độ sâu từ vài chục đến 500m. Do đó câu chuyện đặt ra ở đây là phải có quy hoạch tài nguyên nước cho toàn vùng ĐBSCL. Từ đó có dữ liệu để phân bổ việc sử dụng nguồn nước ngầm cho hợp lý. Việc này Bộ TN-MT đang cho triển khai thực hiện” - ông Huy nói thêm.
Ông Huy cũng cho biết theo chỉ đạo của Bộ TN-MT, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đang triển khai cho Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam làm việc với các địa phương để có phương án khoan, khai thác nguồn nước ngầm. Chương trình được thực hiện tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Sắp tới sẽ được triển khai ở một số tỉnh thành khác trong khu vực.
“Trung tâm cũng đã cung cấp bản đồ phân bố nguồn nước ngầm với các chi tiết như tầng chứa nước, nước ngọt ở các độ sâu bao nhiêu, nơi nào... để Bộ TN-MT gửi đến cho từng tỉnh khu vực ĐBSCL biết nhằm khai thác một cách khoa học” - ông Huy nói.
|
0 nhận xét