Loạn “hướng dẫn viên” Trung Quốc

Khách Trung Quốc thường đi theo hệ thống khép kín, thậm chí đến nay hướng dẫn viên du lịch cũng là người Trung Quốc làm “chui”. Việc quản lý kín kẽ để thu lợi tối đa cho cộng đồng của họ.
Loạn “hướng dẫn viên” Trung Quốc
Một hướng dẫn viên người Trung Quốc đưa khách đến tham quan chùa Long Sơn (Khánh Hòa) - Ảnh: Tiến Thành
Không xuất hiện công khai rầm rộ như vài tháng trước vì các cơ quan chức năng đang kiểm tra gắt gao, các hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc làm “chui” đang dùng các mánh khóe khác để tiếp tục hoạt động tại Nha Trang (Khánh Hòa), 
Đà Nẵng...
Để hiểu rõ hơn công việc của những người này, 9g sáng 24-6, chúng tôi theo một xe chở du khách Trung Quốc của Công ty F đi tour city (tour đi tham quan, mua sắm trong TP Nha Trang).
Tự thuyết minh...
Người hướng dẫn là một thanh niên khoảng 30 tuổi, tên Guangxi, đi cùng anh ta là anh Tài, một người Việt làm phiên dịch cho Guangxi. Đón xong 35 khách Trung Quốc tại hai khách sạn trên đường Trần Phú, Guangxi nói với anh Tài đề nghị tài xế đưa đến một cửa hàng bán nệm, gối cao su trên đường Cao Thắng (P.Phước Long, TP Nha Trang).
Trong khi xe chạy, Guangxi cầm micrô giới thiệu về lịch trình tour hôm ấy là vừa đi tham quan các điểm danh lam thắng cảnh, vừa mua sắm tại “những cửa hàng uy tín nhất Nha Trang với những sản phẩm chất lượng cao nhất”.
Hôm ấy, Guangxi hướng dẫn khách xen kẽ vừa mua sắm tại các cơ sở nệm cao su ở đường Cao Thắng, ngọc trai ở đường Võ Thị Sáu (P.Vĩnh Nguyên), trầm hương ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.Phước Hòa), lụa tơ tằm ở bên hông bến xe phía bắc Nha Trang (P.Vĩnh Hòa), đồng thời tham quan các thắng cảnh nhà thờ Núi, tháp Bà Ponagar.
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, toàn bộ thời gian xe chạy, Guangxi là người cầm micrô thuyết minh. Đến các điểm mua sắm, Guangxi là người xuống xe đầu tiên, đưa du khách vào bên trong và được phát một thẻ đeo như những du khách khác.

Còn đến các điểm tham quan, Guangxi ngồi trên xe, giao nhiệm vụ mua vé, dẫn khách cho anh Tài. Tất cả bốn điểm mua sắm hôm ấy đều chỉ đón khách trên những chiếc xe du lịch lớn, không khách nào đi lẻ, đi xe máy vào được bên trong.
Tại cửa hàng tơ lụa LN, tất cả 35 du khách Trung Quốc và Guangxi đều được phát thẻ đeo, một nhân viên hỏi Tài để ghi tên của hướng dẫn viên và số lượng khách cụ thể.
Thấy tôi không có thẻ đeo nhưng đứng nghe một nam nhân viên người Trung Quốc giới thiệu về lụa tơ tằm ở đây, một cô lễ tân lại gần “đuổi khéo”: “Bên trong chỉ có vải lụa thôi, bán cho du khách Trung Quốc, nói toàn tiếng Hoa, anh không hiểu đâu”.
Trả lời câu hỏi vì sao không trực tiếp hướng dẫn khách, lại để Guangxi làm, anh Tài cho biết việc này là do công ty sắp xếp.
“Tụi em không có thẻ hướng dẫn viên quốc tế, có làm cũng không hợp pháp, mà năng lực dịch của mình cũng không đủ hướng dẫn hết cho khách. Công việc của em chỉ là phiên dịch, hỗ trợ cho Guangxi” - anhTài nói.
Loạn “hướng dẫn viên” Trung Quốc
Hướng dẫn viên người Trung Quốc (bìa trái) hướng dẫn khách tham quan nhà thờ Núi, Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Duy Thanh
Hướng dẫn viên Việt 
bị gạt ra ngoài
Ông Hải, tài xế xe chở khách Trung Quốc của một doanh nghiệp tại Nha Trang, cho hay hầu hết hướng dẫn viên Trung Quốc đi trên xe ông đều khuyên khách không nên mua hàng bên ngoài, chỉ mua hàng trong các địa chỉ mà công ty giới thiệu, thực tế là nơi “móc ngoặc” giữa công ty, điểm bán và hướng dẫn viên để ăn chia nhau.
“Một cây thuốc lá HN của VN mà hướng dẫn viên Trung Quốc bán đến 800.000 đồng, một vé tắm bùn chỉ 230.000 đồng thì được bán đến 250 tệ (khoảng 850.000 đồng), rồi nệm cao su, ngọc trai, trầm hương... không rõ nguồn gốc đều được giới thiệu là hàng chất lượng của VN” - ông Hải kể.
Theo quan sát của chúng tôi, tại những thắng cảnh du lịch mà khách Trung Quốc thường đến tại Nha Trang như Hòn Chồng, tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Núi... thì mỗi xe chở du khách Trung Quốc đến tham quan đều có một hướng dẫn viên Trung Quốc, một số xe có nhân viên người Việt hỗ trợ. Cả hai người này đều không đeo thẻ hướng dẫn viên theo quy định mà họ thường ăn mặc giống như du khách.
Trưa 19-6, quan sát tại tháp Bà Ponagar, chúng tôi phát hiện cứ mỗi khi đoàn khách Trung Quốc đến thì có một người đứng ra đếm khách vào cổng cùng nhân viên soát vé, khi khách qua hết người này trở về xe mà không đi cùng. Theo một nhân viên soát vé tại đây, người này chính là hướng dẫn viên người Trung Quốc.
N.Đ., nhân viên một công ty du lịch đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang, tiết lộ gần đây do sai phạm của các doanh nghiệp đưa khách Trung Quốc đến VN bị “lật tẩy” nên hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc lùi lại đằng sau, ít xuất hiện như trước.
“Bây giờ họ hướng dẫn chính trên xe trên đường đưa khách đến điểm du lịch, còn khi đến nơi thì khách tự tham quan hoặc giao cho người phiên dịch” - Đ. cho hay. Làm việc tại Nha Trang năm tháng, Đ. cho biết rất bức xúc và dự định chuyển việc.
“Chúng tôi được công ty thuê mỗi ngày 600.000 đồng với nhiệm vụ chính là làm “bình phong” cho các hướng dẫn viên Trung Quốc làm “chui”.
Nếu có đoàn kiểm tra đến, chúng tôi sẽ vào vai hướng dẫn viên và chấp nhận bị phạt vì chưa có thẻ hướng dẫn viên quốc tế, còn người hướng dẫn viên chính lúc ấy thì “hóa thân” là trưởng đoàn du khách (thường ở vị trí đầu tiên trong bảng danh sách du khách”.
Anh Nguyễn Việt Cường, một hướng dẫn viên quốc tế, cho rằng: “Toàn quốc có hơn 1.000 hướng dẫn viên quốc tế tiếng Trung được cấp thẻ, có thể di chuyển để bổ sung cho những “điểm nóng” như Nha Trang, nên không thể thiếu.
Từ đầu năm 2016 đến nay, các công ty đưa hướng dẫn viên Trung Quốc qua đây hoạt động “chui” ngày càng nhiều, đến nay có 600-700 người, và hướng dẫn viên VN bị gạt dần ra” - anh Cường cho hay.
Điều khiến nhiều người bức xúc hơn đó là những hướng dẫn viên du lịch “chui” này gần như không am hiểu gì về Nha Trang, về VN nhưng vẫn làm công việc hướng dẫn, dẫn đến tình trạng thuyết minh sai về địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội VN.
Hầu hết 
hoạt động “chui”
Theo ngành du lịch Khánh Hòa, chưa đầy sáu tháng đầu năm 2016, lượng du khách Trung Quốc đến địa phương này đã gần 200.000 lượt, vượt hơn 5 lần so với cùng kỳ 2015.
Bà Phan Thanh Trúc - phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho hay du khách Trung Quốc tăng trưởng rất “nóng” như vậy nhưng Khánh Hòa chỉ có 11 hướng dẫn viên quốc tế tiếng Trung, quá ít so với nhu cầu; phần lớn trong 27 doanh nghiệp đưa đón khách Trung Quốc đến Khánh Hòa phải điều hướng dẫn viên tiếng Trung từ nơi khác về, rất khó khăn cho công tác quản lý.
Mới đây, chỉ kiểm tra Công ty Silent Bay tại Nha Trang, Tổng cục Du lịch phát hiện có 64 người Trung Quốc đang làm việc cho công ty này với danh nghĩa chăm sóc khách hàng, nhưng đoàn kiểm tra nghi ngờ họ làm hướng dẫn viên du lịch trái phép.
“Trên thực tế có không ít công ty sử dụng trưởng đoàn là người Trung Quốc hướng dẫn cho khách, khi có đoàn kiểm tra thì báo cáo đó là phiên dịch” - bà Trúc nói.
Theo bà Trúc, đây là hành vi vi phạm pháp luật bởi VN không cho phép người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch.
Trong khi đó, theo ông Mai Xuân Trí - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Khánh Hòa, đến nay sở này chưa cấp phép lao động cho người Trung Quốc nào trong lĩnh vực du lịch, nên nếu có người làm việc trong hoạt động này đều là 
làm “chui”.
Khách Trung Quốc chủ yếu vào khách sạn 
có casino
Theo giám đốc một công ty lữ hành tại Đà Nẵng, khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng mỗi tuần gần 5.000 lượt và thường chọn vào ở và vui chơi tại khu casino do Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores đầu tư (có lãnh đạo là người Trung Quốc - chủ đầu tư khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng).
Cũng theo ông này, khách Trung Quốc thường đi theo hệ thống, khép kín từ khi xuống sân bay đến ở khách sạn, ăn uống, vui chơi. Việc quản lý kín kẽ để thu lợi tối đa cho cộng đồng của họ ở Đà Nẵng nên người địa phương không hưởng lợi nhiều, chỉ khi cần mới thuê xe của các doanh nghiệp lữ hành.
Các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc lách bằng cách thuê mượn dấu của các công ty lữ hành địa phương để hợp thức hóa, hoặc thuê hướng dẫn viên VN đi theo hợp thức hóa để “qua mặt” khi gặp thanh tra của cơ quan chức năng thì trình thẻ ra.
“Thực tế họ dùng người dẫn đoàn của nước họ kiêm luôn hướng dẫn viên. Điều này rất nguy hiểm vì không ai biết họ thuyết minh những gì” - vị giám đốc này cho biết.
ĐOÀN CƯỜNG
Đà Nẵng cảnh báo phát triển quá “nóng” du lịch
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cảnh báo việc phát triển quá “nóng” ngành du lịch nếu không được kiểm soát sẽ khiến Đà Nẵng khó phát triển bền vững.
Cụ thể, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, mỗi tháng Đà Nẵng có thêm khoảng 500 phòng khách sạn được đưa vào khai thác. Năm 2015, Đà Nẵng có 17.671 phòng khách sạn thì đến tháng 5-2016 đã có 20.166 phòng, chỉ trong 5 tháng qua Đà Nẵng đã tăng thêm 2.500 phòng khách sạn.
Trong khi đó, du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng hiện chiếm gần 40% khách quốc tế (năm 2015 trên 1 triệu lượt khách), vì vậy nếu có sự cố gì, khách Trung Quốc ngưng chắc chắn sẽ gây rủi ro rất lớn cho các chủ đầu tư xây dựng khách sạn.
Bên cạnh đó, số lượng khách Trung Quốc tăng quá nhanh cũng đang gây ra nhiều mặt trái. Ông Vinh dẫn chứng: vừa rồi nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung bức xúc, phản ứng dữ dội việc các đoàn du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng sử dụng “chui” hướng dẫn viên người Trung Quốc.
Đồng thời họ mua bán chỉ sử dụng đồng nhân dân tệ tại một số điểm bán hàng. Ông Vinh đặt câu hỏi: những hướng dẫn viên người Trung Quốc giới thiệu Đà Nẵng, về lịch sử nước ta như thế nào liệu ta có biết được không?
Ông tố thêm: một số tour Trung Quốc sang chỉ có giá... 0 đồng, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và điểm đến Đà Nẵng. “Chúng tôi đề nghị TP có giải pháp xử lý quyết liệt, chấn chỉnh ngay tình trạng trên để tránh những hệ quả rất xấu cho du lịch Đà Nẵng” - ông Vinh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 
26-6, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết vừa qua cơ quan này tập trung kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp hoạt động du lịch “chui” và doanh nghiệp VN tiếp tay bị phạt trên 200 triệu đồng, đề nghị công an trục xuất một số người. Sở cũng đã phát hiện một số người Trung Quốc giả dạng khách để làm hướng dẫn viên ở Đà Nẵng trái phép.
“Hiện còn vài trường hợp người Trung Quốc qua hoạt động hướng dẫn viên ở đây thì sở cùng các cơ quan chức năng đã nắm được, đang rà soát, xử lý. Còn doanh nghiệp lữ hành VN sử dụng hướng dẫn viên người Trung Quốc thì sở đã phát hiện và cảnh báo” - ông Cường khẳng định.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.