Từ 1-7, quan tham hạ cánh đừng mơ an toàn
Ngày 1-7-2016, Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực với một số quy định mới thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước nhằm tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, rõ nhất là việc các “quan tham” sẽ không còn được “hạ cánh an toàn”.
Trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm hai tội vào các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là: tội tham ô tài sản (theo khoản 3 và khoản 4, điều 353) và tội nhận hối lộ (theo khoản 3 và khoản 4, điều 354).
“Quan tham” sẽ
không còn ung dung
Với điều luật đã được bổ sung thêm này, người phạm tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ nếu thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghĩa là đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc.
Đây là một quy định mới, thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước nhằm tăng cường đấu tranh chống tham nhũng. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp chỉ sau khi về hưu mới phát hiện được sai phạm.
Trước đây, người có sai phạm thường cho rằng mình đã “hạ cánh an toàn”, đến lúc về hưu mới bung tài sản ra thì không ai làm gì được mình.
Khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực, những quan tham đã “hạ cánh” đang ung dung, nhởn nhơ ngồi hưởng thụ sau khi đã tham nhũng sẽ phải giật mình, sẽ như “ngồi trên đống lửa” với nỗi lo các “tay chân” của mình tố giác hành vi tham nhũng trước đây.
Quy định này cũng sẽ làm cho những người đang muốn thực hiện hành vi tham nhũng e sợ cho tương lai sau này của mình là đến khi đang an hưởng tuổi già, khi sức yếu mà vẫn phải ra đứng trước vành móng ngựa, để rồi họ không dám nghĩ, dám làm những hành vi mà xã hội gọi là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”.
Nói khác đi, việc một cá nhân về hưu hay dù ở cương vị nào, cao đến mấy mà vi phạm pháp luật cũng bị trừng trị nghiêm khắc sẽ đánh động, làm thức tỉnh những người khác để ngăn họ phạm tội.
Ông Cù Tất Dũng - Ảnh: T.G. |
Thu hồi tối đa tài sản tham nhũng
Trong Bộ luật hình sự 2015 cũng có điều khoản khuyến khích người phạm tội tham nhũng bị án tử hình khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước.
Điều 40, khoản 3, mục C của bộ luật này quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Điều luật này đã được thông qua với tỉ lệ tán thành chưa đến 70% và như vậy là có đến hơn 30% số đại biểu Quốc hội không tán thành.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng còn băn khoăn với việc những kẻ tham nhũng vẫn giữ lại được 25% số tài sản chiếm đoạt được cho người thân thụ hưởng mà vẫn không mất mạng.
Tuy nhiên, mục đích mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong cuộc chiến chống tham nhũng là phải xử lý nghiêm kẻ tham nhũng, đồng thời phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng để trả lại nguồn lực cho đất nước phát triển.
Cuộc chiến chống tham nhũng bị coi là thất bại khi không thu hồi được tài sản tham nhũng. Chúng ta không nên xem việc chống tham nhũng chỉ như một biện pháp mang tính hình sự nhằm trừng trị người phạm tội.
Nếu tử hình để mất đi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước, của nhân dân thì chi bằng chúng ta tạo cơ hội để tội phạm tham nhũng có khả năng tự cứu bản thân khỏi án tử hình.
Việc giảm bớt án tử hình cũng phù hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc ta, phù hợp với xu thế chung của thế giới và thể hiện được rằng xã hội ta đang văn minh hơn khi biết quý mạng sống của con người, ngay cả khi người đó đã gây tội ác.
Một xã hội văn minh sẽ dẫn đến các vấn nạn như tham nhũng, hối lộ, giết người, cướp của giảm dần. Còn về 1/4 số tiền tham nhũng còn lại, liệu vợ, chồng, con cái của những kẻ tham nhũng có ung dung hưởng lạc được không khi mà người thân của họ phải trả giá bằng mức án chung thân trong các trại giam?
Khuyến khích tố giác tội phạm
Bộ luật cũng quy định những người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ có sự hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ có cơ hội giúp thoát khỏi án tử hình.
Điều này sẽ khuyến khích được người phạm tội tố giác tội phạm tham nhũng vì thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy nhiều bị can, bị cáo thực hiện hành vi tham ô tài sản và nhận hối lộ không chỉ có một mình mà theo chỉ đạo, điều hành tập thể lãnh đạo đơn vị và có cả sự chỉ đạo của lãnh đạo ở cấp cao hơn.
|
0 nhận xét