DÂN CHỦ HIẾN ĐỊNH: Bài học ở Đông Âu cho Việt Nam ngày mai
Vào mùa thu năm 1989, trong vòng chỉ vài tuần lễ, Đông Âu đã thật
sự thay đổi bộ mặt chánh trị. Những chế độ ở đây được thiết lập sau Thế chiến
II dưới áp lực của Liên Xô đều sụp đổ. Tên nước được đồng loạt vứt bỏ tĩnh từ
“xã hội chủ nghĩa” hoặc “nhân dân”. Những nước này sau đó trở thành những
nước dân chủ pháp trị thật sự. Tự do, nhân quyền và những nguyên tắc về nền dân
chủ pháp trị được luật pháp tuyệt đối bảo đảm. Đường lối các quốc gia này chọn
để thật sự từ nay chấm dứt vĩnh viễn chế độ cộng sản cai trị từ nửa thế kỷ qua
rất ôn hòa bởi nhờ theo đường lối hiến định.
Hiến Thuyết hay quyết tâm của toàn dân thiết lập Dân Chủ.
Nhìn lại quá khứ, Việt Nam đã bao lần thay đổi chánh quyền nhưng
tới nay vẫn chưa có được một chế độ dân chủ bởi, hoặc thiếu quyết tâm của
toàn dân, hoặc bị các bạo lực khống chế sự thay đổi theo chiều hướng quyền lợi
của bạo lực ấy.
Để thấy Hiến Pháp phải giải quyết vấn đề dân chủ, tức phải thật sự thiết lập
dân chủ, thiết tưởng nên nhận định nguồn gốc của Hiến Pháp, tức muốn nói đến
Hiến Thuyết.
Hiến Thuyết bắt nguồn từ phong trào quần chúng Âu Châu xuất hiện
vào kỷ nguyên Ánh Sáng nổ lực thay thế những tập tục cai trị có sẳn thường mơ
hồ, không chính xác, bằng những bản văn nhằm giới hạn sự chuyên chế và độc tài
của các chế độ quân chủ. Họ đòi hỏi thể thức và sự thi hành Chánh quyền phải
được qui định rõ ràng trong một bản văn kiện nền tảng. Bản văn này cô đọng và
nói lên tinh thần của quần chúng chống lại chuyên chế để phác họa ra thế nào là
một chánh quyền pháp trị. Từ tinh thần này, một văn kiện hoàn chỉnh ra đời để
xác nhận chế độ pháp trị và văn kiện này cũng sẽ đổi mới theo sự diễn tiến của
xã hội dân sự.
Như vậy Hiến Thuyết là quyết tâm của dân chúng nhằm giới hạn quyền
lực của người cầm quyền. Bởi dân chủ không do nguồn gốc của quyền lực, mà dân
chủ thực hiện được là do sự kiểm soát liên tục và hữu hiệu của người bị trị đối
với người cai trị.
Tinh thần Hiến Thuyết mở ra cho dân chúng Pháp sau cách mạng 1789
quyền tham dự vào Chánh quyền và làm cho những quyền tự nhiên bất khả nhượng
của con người từ đó được tôn trọng.
Thay đổi Dân Chủ bằng đường lối Hiến Định: Kinh nghiệm của các
nước Đông Âu.
Các nước Đông Âu cũ, trong một khoảng thời gian ngắn, thay đổi
tiến lên dân chủ đều rất ôn hòa, chỉ trừ vài nước có đổ máu nhưng không trên
qui mô lớn, như Lỗ Ma Ni, Nam Tư và Albanie. Riêng Nam Tư, sau đó bạo loạn xảy
ra do xung đột sắc tộc và tôn giáo. Dân chúng từ bỏ mô hình Cộng Sản Xô Viết
bằng cách chọn lựa đường lối Hiến định để thiết lập Dân chủ.
Trong quá trình thực hiện sự thay đổi này, phần lớn các nước đều
sử dụng Quốc Hội cũ thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Dưới áp lực mạnh của các
lực lượng dân chủ, nhất là bằng đường lối thương thảo qua những “bàn tròn” giữa
Chánh quyền và phía đối lập, hoặc bằng những cuộc xuống đường hùng hậu. Quốc
Hội phải chấp nhận thay đổi thể chế. Trước tình thế mới này, Đảng cộng sản ở
các nơi ấy đành phải chịu từ khước vai trò độc quyền lãnh đạo theo Hiến Pháp Xô
Viết và đã phải tổ chức bầu cử tự do để thiết lập chánh quyền dân chủ pháp trị.
Ở Ba-Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, sự chuyển hóa dân chủ xảy ra
rất nhanh nhưng những biến cố này đã được thai nghén và nuôi dưỡng qua một quá
trình rất lâu dài. Trái lại, ở Lỗ Ma Ni, ở Albanie, ở Đông Đức, biến cố xảy ra
rất nhanh và rất hung hãn. Nhưng dù biến cố đã xảy ra trong trường hợp nào đi
nữa thì tất cả cũng đều thay đổi tận gốc hệ thống chánh trị ở những nơi ấy,
nghĩa là thay đổi bản chất Hiến pháp. Thật thế, chúng ta thấy Hiến pháp theo mô
hình Xô Viết trước kia chỉ là một tài liệu tuyên truyền chánh trị nhằm che dấu
thực tế quyền lực của giới cầm quyền, thì sau khi thể chế cũ bị bãi bỏ, nay trở
thành một bản văn pháp lý nền tảng làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chánh
trị và xã hội quốc gia. Nghĩa là một Hiến Pháp giả tưởng (Constitution-fiction),
qua biến cố hiến định, đã thật sự trở thành một văn kiện nền tảng, thực hữu, có
sức mạnh xây dựng thể chế pháp trị.
Các nước Đông Âu cũ, sau khi thay đổi, thiết lập Hiến Pháp mới
nhằm hai mục tiêu cùng một lúc: vừa đặt định những luật pháp mới thay thế hệ thống
luật pháp cũ, vừa dùng luật pháp mới ngăn chặn chế độ cộng sản để vĩnh viễn
không có thể trở lại.
Đường lối Hiến Định: Tu chính Hiến Pháp hoặc thiết lập Hiến Pháp
mới.
Sự chuyển hóa Dân chủ ở các nước thuộc khối Cộng Sản Đông Âu cũ
đều dựa trên hai cách: hoặc thực hiện sự thay đổi trong khuôn khổ pháp lý hiện
hành hoặc bằng sự thay đổi khuôn khổ pháp lý ấy. Thí dụ như trường hợp nước
Lettonie thuộc Liên Xô cũ. Ý thức trách nhiệm trước nhân dân và căn cứ trên lời
tuyên bố ngày 4 tháng 5 năm 1990 về sự tái lập nền độc lập của Cộng Hòa
Lettonie, căn cứ trên kết quả thăm dò ý kiến nhân dân ngày 3 tháng 3 năm 1991
và sự kiện do cuộc đảo chánh Liên Xô ngày 19 tháng 8 năm 1991, Quốc gia hiến
định và tất cả các định chế thuộc Liên Xô cũ không còn tồn tại, Hội Đồng Tối
Cao Cộng Hòa Lettonie quyết định:
“Công bố Lettonie là một Cộng Hòa Độc Lập và Dân Chủ, chủ quyền
thuộc toàn dân Lettonie và qui chế Quốc Gia Lettonie do Hiến Pháp ngày 15 tháng
2 năm 1922 xác định ”.
Còn Hung Gia Lợi thì chủ trương tu chính tuần tự Hiến Pháp. Phần
các nước còn lại chọn giải pháp với Hiếp Pháp mới.
Điều đáng ghi nhận là tất cả các nước, sau khi thay đổi theo dân
chủ, để đoạn tuyệt với quá khứ, đều nỗ lực chinh phục quốc tế thừa nhận đó là
những quốc gia dân chủ pháp trị, cam kết tôn trọng nhân quyền và được gia nhập
vào Cộng Đồng Âu Châu. Đối với chánh phủ của các nước thuộc Đông Âu cũ, bầu cử
tự do, Hiến Pháp mới là con đường mở ra cho họ hội nhập vào cộng đồng các quốc
gia dân chủ.
Hiến Pháp là công cụ chuyển hóa Dân Chủ ôn hòa và hiệu quả hơn
hết.
Tất cả các bản Hiến Pháp mới, nghĩa là đã tu chính hoặc mới hoàn
toàn, đều lên án để hủy bỏ những nguyên tắc nền tảng vốn là cơ sở pháp lý của
hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa cũ như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, sự tập
trung quyền lực quốc gia vào một đảng duy nhất.
Trong Hiến Pháp Cộng Sản, như Hiến Pháp của Cộng Sản Hà Nội 1992,
cả với những sửa đổi, bổ sung, chánh quyền được qui định là thuộc Quốc Hội do
dân bầu, nhưng vì Hiến Pháp qui định vai trò của Đảng CS lãnh đạo toàn diện xã
hội nên hệ thống bầu cử phải tôn trọng tính cách ưu đẳng của Đảng Cộng Sản đứng
trên cả toàn xã hội. Do đó, Quốc Hội chỉ hiện nguyên hình là một cơ cấu ghi
nhận để thi hành những Nghị Quyết của Đảng Cộng Sản. Tức một cơ quan quyền lực
cao nhứt vỗ tay hoan nghênh đảng cộng sản!
Trên thực tế, chính Đảng Cộng sản mới thật sự lãnh đạo trực tiếp
Chánh quyền quốc gia.
Khi thay đổi Dân chủ bằng đường lối hiến định thì hệ thống độc tài
cũ phải bị xóa bỏ. Những cuộc bầu cử giả tạo bị thay thế bằng những cuộc bầu cử
thật sự, tự do thật sự. Một Đảng cầm quyền vĩnh viễn không còn nữa. Nhiều Đảng
tranh nhau phát biểu và thể hiện nguyện vọng của dân chúng. Nhưng Đảng phái
trong thể chế dân chủ không thể khống chế Nhà Nước và công quyền. Thí dụ như
Hiến Pháp Hung Gia Lợi 1989 qui định rõ: “Các đảng phái không được quyền hành
xử trực tiếp công quyền nên không một Đảng nào có quyền điều khiển một cơ quan
nào của Nhà nước hết cả”.
Các Đảng phái phải biệt lập với công quyền. Luật Pháp xác định
chức năng và việc làm của mỗi người trong Đảng phái cũ để kể từ nay họ trở
thành công chức Chánh quyền.
Về Hiến Pháp, nhìn chung thì Hiến Pháp của các nước đã thay đổi
theo Dân chủ trong Mùa Thu năm 1989, đều có những qui định, ở phần đầu, rất cụ
thể để xác định tính chất dân chủ của chế độ. Như đại để:“Không có một thành phần nào
trong dân chúng, không có Đảng phái nào, hoặc tổ chức nào, cơ chế nào, hoặc cá
nhân nào, có thể tự dành cho mình quyền hành sử chủ quyền quốc gia ”.
(Hiến Pháp Bulgarie, Điều I, Chương I ).
Hiến Pháp Lỗ Ma Ni, nước thay đổi khá bất ổn, qui định rõ thể chế
dân chủ: “Lỗ-Ma-Ni là một Nhà Nước pháp
trị (Etat de droit), dân chủ và xã hội (social chớ không phải socialiste),
trong đó nhân phẩm, nhân quyền và tự do công dân, sự nẩy nở tự do của con người
và công lý được luật pháp bảo đảm như những nguyên tắc tổng quát”.
Những thay đổi chánh trị, rồi hiến chế đã xảy ra ở các nước Cộng
Sản thuộc khối Đông Âu cũ, từ những năm 1989 đến 1994, đã được ghi đậm nét
trong lịch sử của thế kỷ 20, thế mà trước đó không có ai đã có thể dự kiến.
Những bản Hiến pháp này có những ưu điểm, đó là những bản văn tương đối hoàn
chỉnh nói lên rõ rằng quyết tâm của phong trào quần chúng ở Đông Âu hướng về
sức mạnh của con đường Dân Chủ hiến định. Họ đã tuyên dương để thực thi những
quyền căn bản bất khả nhượng của con người và sự bảo đảm những quyền này bằng
Tòa án Tối cao. Đó là những văn kiện đầu tiên để xây dựng thế kỷ 21 của loài
người.
Kết luận
Dù dưới khía cạnh nhận xét nào, các bản Hiến Pháp này cũng đều
toát ra một sự thật hiển nhiên là không giống những bản Hiến Pháp của những năm
1918-1920, cũng không giống những bản Hiến Pháp do Liên Xô dựng lên sau năm
1945. Trái lại, những bản Hiến Pháp của các nước vừa phục hồi nền Dân chủ này
đều hàm chứa một tinh thần chung dựa trên niềm tin của con người và ý chí muốn
rằng những đòi hỏi của dân chúng từ nay được dựa trên những nguyên tắc giản dị
và không thể bị tráo trở, luôn luôn hướng về sự duy trì Hiến Pháp và phúc lợi
cho mọi người.
© Nguyễn Văn Trần