Nhân Quyền là gì?(PHẦN I)
TÓM LƯỢC VỀ
QUYỀN CON NGƯỜI
Ấn phẩm của Chương trình Thông
tin Quốc tế,
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng
3/2008
TÓM TẮT PHỔ QUÁT VỀ QUYỀN CON
NGƯỜI
Sâu
thẳm trong tư duy và tâm hồn của nhân loại là niềm tin chắc chắn rằng mỗi người
và tất cả mọi người đều có các quyền, trong đó có quyền tự do không bị áp bức,
quyền tự do lựa chọn và không phải chịu những hành vi tàn bạo. Theo bản năng,
hầu hết mọi người đều cảm nhận như vậy, ngay cả khi họ không tin là có thể dễ
dàng giành được những quyền đó. Trong suốt chiều dài lịch sử, hầu hết các xã
hội chỉ trao những quyền đó cho một số ít người may mắn. Châu Âu thế kỷ XVIII
xuất hiện khái niệm “luật tự nhiên” – dựa trên một trật tự chung – trao những
quyền đó cho tất cả mọi người. Triết lý đó có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc Cách
mạng Mỹ năm 1776, và những khái niệm
trong
Hiến pháp Mỹ, một văn kiện cho đến nay vẫn điều chỉnh mọi bộ luật của Mỹ. Tất
cả các quốc gia văn minh đều nỗ lực xác định và ủng hộ nhân quyền. Ở đâu cũng
vậy, cốt lõi của khái niệm này là giống nhau, đó là: nhân quyền là các quyền mà
mỗi con người đều có đơn giản là vì họ là con người. Nhân quyền là của mọi
người và bình đẳng cho mọi người. Nhân quyền cũng là những quyền bất khả xâm
phạm. Các quyền này có thể bị trì hoãn – một cách chính đáng hay sai trái, ở
nhiều nơi nhiều lúc – song ý tưởng về các quyền cố hữu không thể bị phủ nhận.
Nếu mất đi những quyền này, con người sẽ không còn là con người nữa.
TIẾN BỘ QUA CÁC THẾ KỶ
Theo
truyền thống, tất cả các nhóm người từ các bộ lạc sinh sống nơi núi rừng tới
người dân thành thị đều có các quan niệm về công lý, sự bình đẳng, phẩm giá và
sự tôn trọng. Tuy nhiên, quan niệm rằng con người – đơn giản bởi vì họ là con
người – có những quyền bất khả xâm phạm nhất định, có thể dùng để bảo vệ bản
thân họ trong xã hội và trước những kẻ cai trị vẫn là quan niệm của thiểu số
trong kỷ nguyên trước năm 1500. Nhiều xã hội tiền hiện đại cho rằng người cai
trị có nghĩa vụ cai quản một cách hợp lý và vì lợi ích của mọi người. Tuy
nhiên, người ta cho rằng nghĩa vụ này xuất phát từ mệnh lệnh của Đấng Tối cao
hoặc xuất phát từ truyền thống, chứ không dựa trên khái niệm các quyền của cá
nhân mà người dân thường có thể dựa vào để bảo vệ bản thân trước những kẻ cai
trị bất công.
Lý thuyết dành cho một số người
Người
đầu tiên được cho là đã phát triển một lý thuyết toàn diện về nhân quyền là
triết gia người Anh John Locke (1632-1704). Locke cho rằng người dân hình thành
nên các xã hội, các xã hội hình thành nên các chính phủ để đảm bảo quyền được
hưởng các quyền “tự nhiên”. Locke định nghĩa chính phủ là một “khế ước xã hội”
giữa kẻ cai trị và người bị trị. Ông cho rằng công dân chỉ có nghĩa vụ trung
thành với những chính phủ bảo vệ các quyền của họ. Thậm chí những quyền này có thể
được ưu tiên hơn so với những đòi hỏi và lợi ích khác của chính phủ. Tính hợp
pháp của chính phủ chỉ có được nếu tôn trọng và bảo vệ một cách có hệ thống các
quyền của công dân.
Tuy
nhiên, lý thuyết của Locke cũng có những hạn chế. Mặc dù cách viết của ông hàm
ý các quyền này có tính phổ quát, nhưng thực ra ông không xét tới quyền của tất
cả mọi người. Trọng tâm thực sự của ông là bảo vệ quyền của nam giới châu Âu,
những người có sở hữu tài sản. Trong khi đó, phụ nữ, những người bản địa, người
hầu, lao động được trả lương không được công nhận là những người được hưởng đầy
đủ các quyền. Dù vậy, những tư tưởng của Locke và những người khác cùng thời
với ông là một bước đột phá quan trọng.
Mở rộng các quyền con người
Rất
nhiều cuộc đấu tranh chính trị lớn trong hai thế kỷ qua liên quan đến việc mở
rộng một loạt quyền được bảo vệ. Xu hướng này bao gồm mở rộng quyền bầu cử cho
mọi công dân, cho phép người lao động được đấu tranh đòi tăng lương và cải
thiện điều kiện làm việc, và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử vì giới tính và
chủng tộc. Trong tất cả các cuộc đấu tranh này, các nhóm bị áp bức đã sử dụng
các quyền tự do hạn chế của họ để đấu tranh đòi sự công nhận pháp lý đối với
các quyền cơ bản vẫn bị phủ nhận. Trong mỗi cuộc đấu tranh, cốt lõi của lập
luận đưa ra là “chúng ta” chứ không chỉ “các anh” mới là con người. Điều đó có
nghĩa là tất cả chúng ta đều có các quyền cơ bản giống nhau, được nhà nước tôn
trọng và quan tâm như nhau. Việc những lập luận này được chấp nhận đã dẫn tới
những thay đổi chính trị xã hội cấp tiến trên toàn thế giới.
Trên
toàn cầu, chế độ nào phủ nhận các quyền con người cơ bản của công dân, chế độ
đó sẽ không ổn định lâu dài. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của
Liên Xô chính là công dân ở khối các nước cộng sản càng ngày càng không thể
chấp nhận thực tế là các quyền con người được quốc tế công nhận bị phủ nhận một
cách có hệ thống. Ở Nam và Trung Mỹ, các chính quyền quân sự áp bức đã sụp đổ
trong những năm 1980. Ở châu Á và châu Phi, tự do hóa và dân chủ hóa diễn ra
không suôn sẻ nhưng đó là một thực tế. Ví dụ Hàn Quốc và Nam Phi là hai quốc
gia điển hình đã đạt được những tiến bộ về nhân quyền. Bài học trong thời gian
qua cho thấy ở đâu người dân có cơ hội lựa chọn, ở đó họ chọn các quyền con
người được quốc tế công nhận. Mặc dù còn khó khăn, trở ngại, nhưng chúng ta
đang sống trong một thế giới mà ngày càng ít các chính phủ dám tước bỏ của
người dân quyền tự do lựa chọn đó.