Nhân Quyền là gì?(PHẦN V)
CÁC
TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ VÀ CÁC QUỐC GIA: NHỮNG VAI TRÒ ĐỐI LẬP NHAU
Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ cũng rất quan
trọng đối với nền chính trị nhân quyền quốc tế. Các tổ chức Ân xá Quốc tế,
Americas Watch, Liên minh các quyền Tự do Dân sự Mỹ và một số tổ chức khác đóng
vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về chính sách Trung Mỹ những năm
1980. Ở cả Bắc Mỹ và châu Âu, các tổ chức phi chính phủ đóng một vai trò lớn
trong các cuộc tranh luận quốc gia về lệnh cấm vận đối với Nam Phi trong những
năm 1980.
Các tổ chức phi chính phủ – với tư cách tư nhân – có
thể hoạt động mà không chịu sự kiểm soát chính trị của chính phủ. Hơn nữa, do
không có những tham vọng chính trị lớn có thể xung đột với các mục tiêu nhân quyền
nên các tổ chức phi chính phủ thường ở vị trí thuận lợi hơn khi nêu ra những
quan ngại về nhân quyền. Do tính chất phi đảng phái và hoạt động có tiêu điểm,
nên đôi khi các tổ chức phi chính phủ có thể nêu lên những vấn đề nhân quyền
trong phạm vi một quốc gia mà các tổ chức khác không làm được, điển hình ở
những quốc gia mà hoạt động chính trị độc lập bị đàn áp và xã hội dân sự yếu.
Những
điểm mạnh và yếu
Tuy nhiên, sức mạnh của các tổ chức phi chính phủ có
giới hạn. Họ phải dựa vào sức mạnh của việc công khai các
vụ vi phạm và tính thuyết phục. Rất nhiều quốc gia đã
sử dụng quyền hạn để ép thành viên các nhóm nhân quyền địa phương thành những
nạn nhân mới. Một số quốc gia cấm tài trợ bên ngoài cho các tổ chức phi chính
phủ, hoặc đặt ra những quy định đăng ký hoạt động phiền phức nhằm cản trở công
việc của họ. Các quốc gia có chủ quyền có hầu hết những điểm mạnh và điểm yếu
giống các tổ chức phi chính phủ. Các quốc gia phải điều hòa nhiều lợi ích khác
nhau trong chính sách đối ngoại của họ. Các chính phủ có xu hướng xây dựng
chính sách đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia của họ, và điều này có nghĩa
là việc ủng hộ nhân quyền có thể bị hạn chế để ưu tiên cho các mục tiêu
khác.Tuy nhiên, khi các quốc gia quyết định theo đuổi các mục tiêu nhân quyền,
họ sẽ sở hữu các nguồn lực, các kênh ảnh hưởng lớn và cả khả năng công khai mà
các tổ chức phi chính phủ không có.
NHỮNG
PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY VỀ NHÂN QUYỀN
Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền ở Viên năm 1993 giúp
thu hút lại sự quan tâm của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền trên thế giới
thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập các
tòa án xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ và Ru-an-đa năm 1993 và 1994 dẫn
tới sự hình thành Luật về xung đột vũ trang và Luật nhân đạo quốc tế nhằm bảo
vệ dân thường và những người không tham chiến trong các cuộc nội chiến này. Các
tòa án đặc biệt cũng thành lập ở Sierra Leone năm 2002 và Căm-pu-chia năm 2003
để truy tố các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự vì những hành vi tàn bạo trong
thời kỳ chiến tranh và diệt chủng. Mặc dù Mỹ không tham gia Hiệp ước Rome và tỏ
ra e dè về phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước, nhưng Tòa án Hình sự Quốc tế đã
được thành lập năm 1998 theo Hiệp ước này và được Hội đồng Bảo an ủy nhiệm truy
tố các vụ vi phạm nhân quyền trong cuộc xung đột Darfur, Su-đăng.
Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 của Liên Hợp Quốc
tại Bắc Kinh năm 1995 đã cố gắng đưa các vấn đề của phụ nữ vào nội dung chính
của các cuộc thảo luận về nhân quyền quốc tế. Ngân hàng Thế giới với việc nhấn
mạnh “quản lý hiệu quả” đã nêu bật những vấn đề nhân quyền quan trọng.
Ủy ban châu Âu và Liên minh châu Âu nhấn mạnh quốc gia
nào muốn gia nhập các cơ cấu chính trị của châu Âu đều phải có chính sách bảo
vệ nhân quyền. Năm 2002, Mỹ đã thành lập Quỹ đối phó với các Thách thức Thiên
niên kỷ nhằm hỗ trợ kinh tế cho các nước quản lý đất nước một cách dân chủ, đầu
tư cho người dân và khuyến khích tự do kinh tế.
Công
khai hóa các vụ vi phạm
Một phát triển tích cực khác nữa là cộng đồng quốc tế
ngày càng tập trung lên án những kẻ vi phạm nhân quyền. Các tổ chức ở cấp độ
quốc gia, khu vực và toàn cầu đã tạo áp lực lớn khiến các quốc gia không thể
không có trách nhiệm công khai về thực tiễn nhân quyền của họ. Chúng ta không
nên đánh giá thấp giá trị của việc công khai các vụ vi phạm khiến các quốc gia
phải thấy hổ thẹn mà có những hành vi tốt hơn. Ngay cả những chính phủ hà khắc
cũng quan tâm đến uy tín quốc tế của họ.
Ví dụ, cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980,
chính quyền quân sự Argentina đã có những nỗ lực ngoại giao đáng kể nhằm
ngăn chặn các cuộc điều tra của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hơn nữa, việc
công khai các vụ vi phạm ít nhất cũng giúp được một vài trong số rất nhiều nạn
nhân nổi bật bị đàn áp giành lại được một mức độ tự do nào đó, thậm chí đôi khi
còn tránh được hình phạt. Internet tạo điều kiện dễ dàng hơn để các nhóm nhân
quyền liên kết với nhau và công khai hóa các vụ vi phạm nhân quyền. Những kỳ vọng
và các chuẩn mực quốc gia và quốc tế đang được thay đổi theo hướng tốt hơn.
Trong thế giới ngày nay, ý tưởng nhân quyền có sức mạnh đạo lý và khả năng huy
động khó có thể kháng cự được. Và khi ngày càng nhiều người dân trên thế giới ý
thức được bản thân họ có những quyền bất khả xâm phạm, thì đòi hỏi về nhân
quyền khiến những kẻ độc tài phải trốn chạy, còn chính phủ của họ sẽ tan thành
mây khói. Về ngắn hạn, thanh gươm có thể mạnh hơn lời nói. Nhưng nhiệm vụ của
những người ủng hộ nhân quyền – dù ở bất cứ đâu – là một nhiệm vụ lâu dài và
cao cả, đó là nói lên sự thật. Và một trong những bài học tâm huyết nhất trong
lịch sử hiện đại của chúng ta là sự thật sẽ chiến thắng.
Trung tâm Hoa Kỳ
Phòng Thông tin-Văn hóa, Đại sứ
quán Hoa Kỳ
Tầng 1, Rose Garden Tower, 170
Ngọc Khánh, Hà Nội
Tel: (04) 3850-5000; Fax: (04)
3850-5048; Email: HanoiAC@state.gov