'Phát hiện 45 vụ tham nhũng năm 2013'
Thanh tra chính phủ Việt Nam
cho biết đã phát hiện 45 vụ có hành vi tham nhũng trong năm 2013.
Báo cáo được công bố tại hội
nghị tổng kết hôm 8/1 ở Hà Nội cũng cho biết có 99 đối tượng có hành vi liên
quan tham nhũng bị phát hiện, với tổng số tiền 354 tỷ đồng.
"Thanh tra chính phủ đã
kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, đã thu hồi 299,6 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành
chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng",
số liệu đượcBấmđăng tải trên
trang web của cơ quan này cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận
định tình hình tham nhũng vẫn đang "tiếp tục diễn biến phức tạp" ở
"nhiều cấp, nhiều ngành" và thừa nhận vấn đề này đang "gây bức
xúc, bất bình trong xã hội".
Trong năm 2013, thanh tra chính
phủ cũng đã phát hiện các trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền
326.552 tỷ đồng, 4.520 ha đất, theo số liệu vừa được đưa ra.
Các vụ 'đại án'
Danh sách
10 'đại án'
·
Vụ án tham nhũng tại Vinalines
·
Vụ án kinh tế tại ngân hàng ACB
·
Vụ án lợi dụng chức quyền tại Vietinbank
·
Vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc
Agribank)
·
Vụ án kinh tế tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh
Agribank ở TP.HCM
·
Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc
Agribank
·
Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần chế biến thực
phẩm Phương Nam
·
Vụ án tham nhũng tại ngân hàng VDB chi nhánh Đắk Nông
·
Vụ cố ý làm trái tại một chi nhánh của Agribank
·
Vụ án tham nhũng tại Vinashin
Hồi tháng Chín năm ngoái, Viện
Kiểm sát Nhân dân tối cao của Việt Nam đã công bố báo cáo về 10 vụ 'đại án' mà
cơ quan này cho là "có dấu hiệu nghiêm trọng, phức tạp".
Hai vụ 'đại án tham nhũng' được
đưa ra xét xử gần đây đã có tổng cộng 4 bản án tử hình.
Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử
vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hôm 16/12, hai
cựu lãnh đạo của cơ quan này là ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã bị tuyên
án tử hình về tội tham ô tài sản.
Ông Dũng cũng bị tuyên án 28
năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu
quả nghiêm trọng, trong khi ông Phúc bị tuyên 18 năm.
Cả hai bị cáo này đều đã kháng
cáo.
Trước vụ án Vinalines một
tháng, vào ngày 15/11 năm ngoái, cũng có hai bị cáo bị tuyên án tử hình trong
phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản tại Công ty cho thuê tài chính II - ALC
II, thuộc ngân hàng Agribank.
Hai bị cáo này là ông Vũ Quốc
Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II - ALC II và Đặng Văn
Hai, cựu Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh.
'Trả lại hồ sơ'
Ngày 6/1, Tòa án Nhân dân
TP.HCM cũng đã bắt đầu xét xử 20 bị cáo với các tội danh lạm quyền và thiếu
trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án 'lừa đảo lớn nhất
từ trước tới nay' của Việt Nam tại ngân hàng Vietinbank.
Bà Huỳnh Thị Huyền Như,
nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP. HCM, bị cáo buộc
lừa đảo hơn 200 triệu đô la (4.000 tỷ đồng) bằng hình thức huy động
vốn tại hai chi nhánh Nhà Bè và TP. HCM của Vietinbank.
Theo kế hoạch, phiên xử sẽ
kéo dài cho tới ngày 25/1.
Đối với vụ án kinh tế tại Ngân
hàng ACB, hôm 9/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án và
yêu cầu bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết chưa được sáng tỏ.
Bảy người thuộc dàn lãnh đạo của
ACB đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố và tổng số tiền thiệt hại do 7
bị can gây ra trong vụ án này được nói là hơn 1.695 tỷ đồng (khoảng 80 triệu
USD).
Ông Nguyễn Đức Kiên, còn được
gọi là "Bầu Kiên", bị truy tố về 4 tội danh: "Kinh doanh trái
phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế”.
Cựu Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu
tư, Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, cũng bị truy tố về tội
"Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng”.