Biến động biển Đông: Việt Nam cần đối phó ra sao?


Nguyễn Công Bằng (ĐVDVN)
Đầu tháng 5/2014, Trung Cộng chính thức lấn chiếm lãnh hải Việt Nam bằng vũ lực một cách ngông nghênh, che đậy bằng hình thức đưa giàn khoan dầu Haiyan-981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp các quy tắc bang giao và công ước quốc tế. Quá trình và thực tế diễn tiến của sự việc cho thấy đây không phải là một xung đột quyền lợi bình thường giữa hai quốc gia, và có thể giải quyết một cách hiệu quả qua các thương thuyết ngoại giao.
Đây là một biến động có toan tính chiến lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh, với định hướng lâu dài, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình và tương lai chung của cả khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Với nhận thức đó, người Việt trong và ngoài nước đã đồng lòng lên tiếng và thể hiện một thái độ chung: Quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lãnh hải của quốc gia.
Vấn đề trước mắt của toàn thể nhân dân Việt Nam, và những người lãnh đạo đương quyền, là phải có một thái độ thích hợp, cùng một định hướng đối phó hiệu quả ra sao?
Đối với người Việt ngoài chính quyền.
Dù là ở trong hay ngoài nước, trước nỗi lo âu về biến động lãnh hải và chủ quyền quốc gia bị xâm lấn, chúng ta có quyền phẩn uất và biểu hiện một thái độ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng. Yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, và yêu nước cũng là một quyền cao quý nhất. Biến động biển Đông đã khơi dậy nguồn tình cảm thiêng liêng, cao quý đang ẩn chứa trong lòng người Việt. Hành động ngông nghênh, hung hãn của nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng đã làm bật dậy những làn sóng yêu nước từ các thành phần quần chúng bình dị nhất trong xã hội. Trong tinh thần đó, những ai thật sự âu lo cho vận nước phải mạnh dạn đứng lên vận động, tham gia, yểm trợ các cuộc xuống đường nhằm phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải và tấn công các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Việt Nam.
Ở trong nước, những cuộc xuống đường cần phải được thực hiện hằng tuần, ở nhiều địa phương hơn, và với nhiều thành phần quần chúng hơn nữa. Những cuộc xuống đường không hẳn chỉ tổ chức tuần hành ở thủ đô hay các thành phố lớn, mà cần phải được thực hiện ở bất cứ nơi nào có điều kiện khả thi, bằng bất cứ quy mô hay hình thức nào có thể thực hiện được. Ở hải ngoại, những cuộc biểu tình trước các Tòa Đại sứ và Tổng Lãnh sự của Trung Cộng là một hậu thuẫn cần thiết để tố cáo với thế giới về hành động xâm lấn đang diễn ra ở biển Đông.
Nếu cả nước đều đứng lên chống Bắc Kinh bằng cách đồng loạt xuống đường biểu tình hàng tuần, đặc biệt là ở trước khuôn viên các công trình, hãng xưởng, công ty của Trung Quốc, và đồng lòng ngưng ngay việc tiêu thụ các hàng hóa của họ, thì chắc chắn nhà cầm quyền Bắc Kinh phải cân nhắc lại vấn đề xâm lấn lãnh hải Việt Nam.
Biểu dương ý chí chống xâm lăng là điều thật cần thiết song vẫn chưa đủ. Sức mạnh quần chúng cần phải được vận dụng như là một vũ khí để áp lực Trung Quốc phải có sự nhượng bộ tương xứng, và buộc những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam phải có một thái độ, hành động đối phó với biến động này một cách thích đáng, hiệu quả.
Đối với nhà nước đương quyền.
Biến động biển Đông là một thử thách to lớn, đặt nhà nước Việt Nam (NNVN) vào một vị trí phải chọn lựa dứt khoát: Quyền lợi của Tổ quốc, hay của đảng Cộng sản cầm quyền?
Tất nhiên, ai cũng hiểu là chúng ta không thể ngu xuẩn để gây chiến tranh trước với Trung Cộng, nhưng không có nghĩa vì vậy mà Việt Nam phải giữ một thái độ thụ động, nhu nhược. Việt Nam có quyền phản ứng và tự vệ một cách tương xứng.
Với cương vị chính phủ, những người cầm quyền lãnh đạo phải thay đổi ngay chiến lược chống Trung Quốc xâm lấn, từ 'ôn hòa bị động' thành 'quyết tâm chủ động'; và cần phải thực hiện nhanh chóng 4 việc khẩn thiết sau:
·         Thứ nhất, chính thức cởi trói báo chí, truyền thông để các cơ quan này có điều kiện thực thi chức năng vận động, điều hướng quần chúng cùng đứng lên phản đối quyết liệt nhà cầm quyền Bắc Kinh để tạo áp lực cụ thể;
·         Thứ hai, trả tự do ngay cho những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm phi lý vì các nỗ lực lên tiếng chống ngoại xâm, để khẳng định một thái độ đấu tranh chung giữa phía cầm quyền và những người yêu nước;
·         Thứ ba, phối trí lực lượng Hải quân đều khắp trên toàn lãnh hải Việt Nam để chứng tỏ chủ quyền đất nước, cùng lúc bao vây vùng biển có giàn khoan Haiyan-981, biến thế Thủ thành thế Công;
·         Thứ tư, nếu Trung Cộng không nhượng bộ mà còn tiếp tục hung hăng thì NNVN phải có các biện pháp tạo áp lực thật mạnh là: 1. buộc tất cả Hoa kiều đang sinh sống, làm ăn ở Việt Nam phải về nước ngay; 2. ngưng ngay hoạt động tất cả công trình xây dựng và hoạt động kinh tế của các công ty gốc Trung Quốc; 3. trục xuất ngay các nhân viên ngoại giao cao cấp của Trung Quốc.
Tất nhiên thực hiện những việc này có thể gây khó khăn ngoại giao và kinh tế tạm thời cho nước ta song đó là những biện pháp trả đũa mang tính chủ động và nằm trong thẩm quyền của NNVN. Những biện pháp này cần duy trì tạm thời cho đến khi nhà cầm quyền Bắc Kinh nhượng bộ thực sự. Thế giới vẫn dùng biện pháp này để gây áp lực cho nước nào đó có vấn đề với nước họ, vì nó vừa ôn hòa vừa có ảnh hưởng trực tiếp ngay.
Chiến tranh bom đạn thì không nên song gây áp lực qua biện pháp tạm ngưng hoạt động du lịch, kinh tế, ngoại giao là điều cần thiết và khả thi. Cần khẳng định ngay: Mọi hành động ngược đãi, bạo động gây thương vong nhân mạng hay gây tổn thất vật chất dù lớn hay nhỏ cho công dân Trung Quốc đang ở VN là điều phải tuyệt đối tránh để không gây ra diễn biến phức tạp, bất lợi sau đó. Vì tham vọng bá quyền và cũng vì thể diện, Trung Cộng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc hay nhượng bộ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu như họ gặp những phản kháng mạnh mẽ có ảnh hưởng bất lợi to lớn thì họ có thể sẽ thay đổi chính sách.
Mặt khác, chúng ta chống lại chính sách bành trướng của nhà cầm quyền CS ở Trung Hoa chứ không nên xem tất cả người Hoa là kẻ thù.
Đối với phía quốc tế, nhà nước Việt Nam phải thực sự liên kết với các nước đồng cảnh ngộ, xây dựng một chiến lược chung bảo vệ lãnh hải mỗi nước, và chia sẻ trách nhiệm đối phó với các hành động xâm lấn. Cùng lúc, NNVN phải bằng mọi cách thương lượng và vận động cho bằng được sự đồng thuận ủng hộ của thế giới. Việt Nam ta không cần dựa hẳn về một siêu cường nào để đối phó với một siêu cường khác, song có thể vận dụng nhu cầu chiến lược và quyền lợi lâu dài của họ với nước ta để tạo áp lực và các ràng buộc trách nhiệm cần có. Nhật bản và Phi Luật Tân đã khéo léo và thành công trong việc 'mượn sức người bảo vệ ta', Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quý báu này.
Hoa Kỳ không bao giờ muốn Việt Nam lệ thuộc Trung Cộng, và ngược lại, Trung Cộng cũng không muốn Việt Nam hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của Mỹ. Mâu thuẫn quyền lợi của hai siêu cường hàng đầu là một lợi thế chiến lược của Việt Nam. Chúng ta có thể vận dụng nhu cầu chiến lược của hai siêu cường này để tạo dựng một vị thế thuận lợi cho đất nước, cụ thể nhất là tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề biến động biển Đông mà cả hai nước lớn này đều nhận thấy có được quyền lợi cao nhất.
Vận động thiết lập tương quan quyền lợi đa phương là con đường thích hợp và khả thi cho nước ta trong vấn đề Biển Đông.
Thái độ chung cần có
Có thể nói, nguy cơ mất nước đang là một cơ hội để hòa đồng và đoàn kết dân tộc để tạo dựng một sức mạnh cần có cho công cuộc đấu tranh bảo toàn lãnh hải và chủ quyền đất nước.
Có phải chăng đã đến lúc để quyền lợi của Tổ quốc trở thành mẫu số chung để người Việt ở trong và ngoài nước có thể đồng thuận sát cánh với nhau trong một trận tuyến chung vì chủ quyền đất nước, và vì tương lai của dân tộc. Vì vận mệnh của đất nước, sự khác biệt về chính kiến có thể được tạm thời gác lại để tạo điều kiện xây dựng nhanh chóng một tiếng nói chung, một sức mạnh chung để bảo toàn lãnh hải quốc gia. Tuy nhiên, vì tương lai của dân tộc, nhu cầu chấm dứt nạn độc tài, tham ô và bất công vẫn tiếp tục tồn tại cho đến khi nước ta thực sự có độc lập, hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.
Đã đến lúc để đảng CSVN gác lại các toan tính duy trì quyền lực và ưu tiên cho nỗ lực đoàn kết dân tộc để cùng nhau hợp sức chống xâm lăng. Đứng về phía dân tộc thì đảng CSVN phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát. Ngược lại, nếu tiếp tục lừng khừng, yếu hèn trước quân xâm lược thì đảng CSVN đã tự chọn vị trí là những kẻ nội thù. Thái độ dứt khoát cho vấn đề biến động biển Đông là một sự chọn lựa lịch sử song sự lựa chọn khẩn thiết nhất là lập tức trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân.
Chúng ta chân thành cảm ơn những người yêu nước đã anh dũng dấn thân xây dựng phong trào đấu tranh vì chủ quyền đất nước, và những chiến sĩ đang hằng ngày giờ đối đầu với hiểm nguy để ngăn chận làn sóng xâm lăng của Bắc phương trên lãnh hải nước nhà.
Nguyễn Công Bằng (ĐVDVN)

Nguồn: www.dangvidan.net

,

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.