5 vấn đề nảy sinh khi cưỡng duyên môn lịch sử
Cuộc cưỡng duyên kỳ lạ đưa môn lịch sử vào tích hợp với các môn học khác như đề xuất của Bộ GD-ĐT tiếp tục bị chỉ trích gay gắt từ giới chuyên môn và bạn đọc yêu sử.
Sáng kiến “lớp học ngoài trời” của thầy Nguyễn Bá Tước (hiệu trưởng Trường tiểu học Long Thạnh 1, xã Long Thạnh, Phụng Hiệp, Hậu Giang) khiến môn lịch sử trở nên hào hứng hơn với học sinh - Ảnh: M.Tâm |
Để góp thêm góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của ThS Trương Khắc Trà - chuyên viên Mặt trận Tổ quốc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
"Mấy ngày qua dư luận sôi sùng sục liên quan đến đề án tích hợp môn lịch sử với môn an ninh quốc phòng và đạo đức.
“Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí là biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước… thì làm sao có thể viết tiếp trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
|
Trích GS Phan Huy Lê |
Chưa bàn đến đúng - sai, vì để có câu trả lời chính xác đúng hoặc sai theo lối tư duy dứt khoát kiểu Tây sẽ phải cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, dưới góc độ nhìn nhận của một người yêu sử, việc tích hợp sẽ sản sinh ra một số vấn đề sau:
Thứ 1: Xưa nay sở dĩ các môn lịch sử, an ninh quốc phòng và đạo đức “sống được” là vì chúng có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng, điều này trong phương pháp luận nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ.
Hiển nhiên, bản thân chúng đã là những môn khoa học vì có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng, bây giờ tích hợp lại thì đối tượng và phương pháp của “siêu môn” này ghi mỏi tay vẫn chưa hết! Việc xác định đối tượng, phương pháp, nội hàm, ngoại diên của “siêu môn” này vô cùng khó khăn.
Câu hỏi ai có đủ trình độ và hiểu biết để giảng dạy “siêu môn” này khi nó phải cáng đáng cả một loạt kiến thức sử học mấy ngàn năm, một nghệ thuật quân sự an ninh quốc phòng hàng chục thế kỷ của dân tộc và thế giới, một hệ thống đạo đức học đồ sộ từ thời La Mã - Hi Lạp cổ đại?
Thứ 2: làm thế nào để có “siêu thầy” giảng dạy được “siêu môn” nói trên? Câu trả lời là phải có “siêu ngành”, “siêu khoa”, “siêu trường” và siêu của các loại siêu để vận hành và đào tạo ra những “siêu thầy”.
Có làm nổi không khi giáo dục đại học VN hiện nay cho ra lò quá nhiều những cử nhân, thạc sĩ mang trên mình đầy khiếm khuyết?
Thứ 3: việc lắp ghép có phần khiên cưỡng này sẽ vô tình bức tử luôn cả hai môn đạo đức và an ninh quốc phòng, vì không thể có môn khoa học riêng biệt (hiện đại) nào lại có đối tượng và phương pháp nghiên cứu thuộc tập hợp con của ngành kia.
Điều này giống với phương Tây hồi thế kỷ 17, khi họ nhận ra sai lầm vì coi “Triết học là khoa học của mọi khoa học”, thế giới đang có xu hướng phân tích, tách biệt các môn khoa học để xác định càng rõ đối tượng và phương pháp nghiên cứu càng tốt, trong khi ta làm ngược lại, quay ngược lịch sử.
Thứ 4: nếu việc lắp ghép này xảy ra sẽ tạo thành một tiền lệ, chưa nói xấu hay tốt nhưng nếu sử học, an ninh quốc phòng, đạo đức ghép được thì cũng có vô số môn có thể ghép như: văn - sử - Địa; toán - lý - hóa; hóa - sinh; sinh học - giới tính…
Nếu mọi cái đều có thể tích hợp thì như đã nói sẽ quay lại thời kỳ Trung cổ châu Âu cách đây chục thế kỷ khi mọi môn học đều được “tích” trong một môn học có tên là thần học.
Thứ 5: việc học sử, dạy sử đã khó và bất cập hàng chục năm qua, trong đó sự khô khan và thiếu tính chân thực đã khiến học sinh chán ngán, việc tích hợp thêm hai môn vào nó sẽ cho ra một khối lượng kiến thứ đồ sộ, học sinh có thể học nổi hay không trong thời lượng khiêm tốn.
Như vậy, liệu có phản tác dụng khi tích hợp để tăng tính hấp dẫn, bởi lẽ không một ai muốn học cái môn quá nặng về kiến thức hàn lâm".
Bạn có đồng ý với quan điểm của bạn đọc Trương Khắc Trà? Theo bạn, để học sinh hào hứng với môn lịch sử và trân trọng môn học này, chúng ta nên làm gì? Thân mời bạn hãy chia sẻ ý kiến, hình ảnh, clip với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến email: tto@tuoitre.com.vn. |
0 nhận xét