Hủy án vụ bị cáo kêu oan tại tòa và tố bị đánh
Cả hai bị cáo trong vụ cướp giật tài sản tại TP Rạch Giá đều kêu oan và tố bị công an phường đánh đập và ép cung.
Chủ tọa phiên tòa xét hỏi một bị cáo - Ảnh: N.Triều |
Sáng 18-11, sau hơn 1 năm tạm hoãn, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ án “cướp giật tài sản” đối với hai bị cáo Huỳnh Phú Sĩ và Nguyễn Hoàng Phú, cùng ngụ TP Rạch Giá, tuy nhiên sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên chấp nhận đề nghị của luật sư bào chữa, trả hồ sơ vụ án để điều tra từ đầu.
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm ngày 31-10-2014 đã được HĐXX quyết định tạm hoãn do cả hai bị cáo đều kêu oan và tố bị công an phường đánh đập, điều tra viên và kiểm sát viên ép cung.
Vừa đánh vừa bắt nhận tội?
Theo cáo trạng, khoảng 14g ngày 12-2-2014, Nguyễn Hoàng Phú và Huỳnh Phú Sĩ đi xe máy đến khu chung cư phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, phát hiện bà Võ Thị Lệ Chi đi bộ cầm túi xách đưa lên đầu che nắng nên đã giật túi xách.
Phú và Sĩ lấy trong túi xách 6.030.000 đồng chia nhau, sau đó đi tới nhà một người bạn và mua ma túy thì bị công an phường Vĩnh Quang mời về làm việc trước khi bị cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Rạch Giá bắt giữ.
Trong khi đó, theo lời khai của bà Chi, trong túi xách có hơn 17 triệu đồng và một điện thoại, một mắt kính cùng một số thẻ ATM.
Tại phiên tòa sáng 18-11, cũng như phiên sơ thẩm ngày 22-8-2014 và phiên phúc thẩm ngày 31-10-2014, cả Phú và Sĩ đều khẳng định thời điểm trên không có mặt ở khu vực trên và không giật túi xách của bà Chi.
Hai bị cáo nói rằng sở dĩ các bản cung, phúc cung (do kiểm sát viên ghi) có nội dung khai nhận tội với những tình tiết giống nhau và phù hợp với khai báo của bị hại là do được điều tra viên hướng dẫn. Thậm chí, hai bị cáo khai tại tòa rằng lúc thực nghiệm hiện trường, bị cáo Phú không biết chỗ bà Chi bị giật túi xách và “do cán bộ chỉ”.
Hai bị cáo cho rằng trước đó bị công an phường Vĩnh Quang đánh đập, buộc phải nhận tội. Khi được chuyển đến nhà tạm giữ của công an TP Rạch Giá, các bị cáo tiếp tục bị đánh.
“Cán bộ điều tra đọc cho bị cáo ghi bản nhận tội rồi hỏi phải không, hỏi “số tiền tụi bay cướp được là sáu triệu mấy phải không, vừa hỏi vừa đánh” - bị cáo Sĩ kể.
Phú và Sĩ cùng khai, sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù giam, bị cáo làm đơn kêu oan nhưng cán bộ trại tạm giam bảo phải viết đơn xin giảm án. Trong đó, Phú khai rõ bị hai cán bộ ép viết đơn xin giảm án, sau đó Phú báo với một cán bộ khác mới được cho viết đơn kêu oan.
Không thể xem lời nhận tội của bị cáo là căn cứ duy nhất buộc tội
Phát biểu quan điểm luận tội, kiểm sát viên Nguyễn Nghĩa Biên không ghi nhận lời kêu oan tại tòa mà cho rằng các lời khai, bản cung đã phù hợp với lời khai của phía bị hại nên đủ chứng cứ kết luận hai bị cáo phạm tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, cho rằng bản án sơ thẩm tuyên mỗi bị cáo 7 năm tù là rất nghiêm khắc nên đề nghị tòa xem xét giảm còn 4-5 năm tù.
Bào chữa cho hai bị cáo, luật sư Đoàn Công Thiện (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang) dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và cho rằng không thể xem lời nhận tội của bị cáo là căn cứ duy nhất để buộc tội. Trong vụ án này, cơ quan điều tra không thu thập được tang vật nên không chứng minh được hành vi phạm tội của bị cáo, cũng như không thể xác tín lời khai của bị hại.
Chưa kể, cơ quan điều tra đã vi phạm hàng loạt quy định về tố tụng như biên bản bắt giữ không có người chứng kiến, công an phường tới nhà tìm tang vật mà không có lệnh khám xét, hai bản cung lập cách nhau một tháng được đánh máy giống nhau không sai một dấu phẩy…
Theo ông Thiện, cần làm rõ có hay không việc bị cáo bị ép cung, nhục hình nên phải nhận tội và chỉ khi ra trước tòa mới có cơ hội kêu oan.
Từ những lý do đó, luật sư bào chữa đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên chấp nhận đề nghị của luật sư bào chữa. Vụ án được trả lại để điều tra từ đầu.
0 nhận xét